Trước khi vào Viettel, chị Lan từng mở Trung tâm dạy thêm với mục đích chính là tìm thầy cô giỏi cho con của mình và các con của bạn bè. Nhờ kinh nghiệm ở trung tâm này, chị nhận ra nhiều nhược điểm của hệ thống dạy học truyền thống. Cũng từ đó, ước mơ về “một xã hội học tập mới” đã hình thành trong người phụ nữ này.
Chia sẻ giấc mơ của mình trong một câu dễ hiểu, chị Lan tâm sự: “Tôi muốn ‘xây’ được trường quốc tế ở ngay huyện vùng cao Y Tý (tỉnh Lào Cai) để mọi học sinh đều có thể hưởng nền giáo dục tốt nhất”.
Người phụ nữ “chỉ xin 5 phút”
Thực tế, việc thuyết phục các lãnh đạo Viettel đầu tư lớn cho một dự án như “Xây trường quốc tế ở huyện vùng cao Y Tý – tỉnh Lào Cai” không dễ dàng. Dự án này (Viettel Study) đã khởi động vài năm trước đó nhưng gặp nhiều khó khăn và bị chững lại.
Với kinh nghiệm nhiều năm mở trung tâm dạy thêm, chị Lan tái khởi động Viettel Study với phiên bản thử nghiệm mới. Sau đó, chị tìm nhiều cách để có phiên trình bày dự án với ông Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel (lúc đó kiêm TGĐ Viettel Telecom).
Chị Lan “chỉ xin 5 phút” để trình bày ý tưởng phát triển nền tảng công nghệ cho một xã hội học tập. Thế nhưng, chị Lan thực tế đã “có nhiều hơn 5 phút” để đưa ra các giải pháp giải bài toán khó cho dự án, và còn được phê duyệt nguồn lực để tiếp tục phát triển giải pháp số cho ngành giáo dục.
Việc thuyết phục các lãnh đạo ngành giáo dục cũng là một hành trình dài khác. Sau khi cùng đồng đội của mình ở Viettel nghiên cứu kỹ, cả nhóm tìm ra hướng đi: trước tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên thông trong toàn ngành giáo dục, tạo nền tảng cho việc xây dựng một hệ sinh thái CNTT hoàn chỉnh.
Trong 2 năm, người phụ này đã đi “gõ cửa” 55 tỉnh thành để giới thiệu, thuyết phục áp dụng một hệ thống tổng quan về CNTT cho ngành giáo dục. Đây là chưa kể đến việc chị Lan phải tham gia rất nhiều hội thảo, toạ đàm để tiếp cận, giới thiệu với lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo.
Người phụ nữ này đi công tác nhiều đến nỗi chồng chị (hiện là Phó Tổng giám đốc một công ty có doanh thu năm trên 3.000 tỷ đồng) nói vui: “Hai năm vừa rồi, tôi tưởng mình không có vợ!”. Nếu tính trong 2 năm gần đây về đi công tác tỉnh, có lẽ chị là người đi nhiều nhất ở Viettel.
Cái ôm của vị hiệu trưởng
Trên thực tế, việc ứng dụng CNTT và đưa một hệ sinh thái CNTT vào từng trường học và các tỉnh không hề dễ dàng. Trước tiên, đó là tâm lý ngại thay đổi và các cơ quan quản lý giáo dục,các trường còn chịu sự quản lý và được cấp kinh phí thực hiện từ phía địa phương.
Hiện trạng về áp dụng CNTT tại các trường cũng là “một mớ ngổn ngang”, có trường dùng đến 16 loại phần mềm khác nhau, mỗi phần mềm một tài khoản, một mật khẩu. Các dữ liệu yêu cầu nhập ná ná nhau và cùng lúc trường học phải nhập liệu trên nhiều hệ thống. Nói cách khác, cơ sở dữ liệu cho cấp quản lý điều hành của ngành giáo dục – yếu tố quan trọng nhất cho hệ sinh thái chưa có và cần được thiết lập về một chuẩn thống nhất.
“Gõ cửa” 55 tỉnh thành để thuyết phục với câu chuyện một hệ thống tổng quan về CNTT cho ngành giáo dục, người phụ nữ này cùng với đồng đội của mình tại Viettel đã thành công khi chọn được điểm tiếp cận quan trọng nhất mà tỉnh nào cũng đang thiếu.
Sau hơn hai năm triển khai, Viettel đã đưa ra được 4 sản phẩm quan trọng được áp dụng trên diện rộng là Cổng thông tin điều hành Portal; cơ sở dữ liệu giáo dục tập trung; hệ thống quản lý nhà trường SMAS; mạng xã hội dạy và học trực tuyến cho người Việt (ViettelStudy).
Với Viettelstudy, chị Lan và các đồng nghiệp của mình đã tạo ra một nền tảng công nghệ cho giáo viên có thể tổ chức các buổi học trực tuyến và fan club riêng. Đây là hệ thống hiện có khoảng 9 triệu tài khoản với khoảng 500.000 tài khoản đăng nhập và thường xuyên sử dụng. ViettelStudy đã góp phần khởi tạo một thực tại mới về dạy và học trong ngành giáo dục.
Trong năm 2018, bộ phận giáo dục tại Viettel do chị Lan làm Giám đốc (BU Giáo dục của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel) được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục vì có thành tích xuất sắc về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục.
Thế nhưng, với người phụ nữ này, niềm vui lớn nhất không phải là các phần thưởng chị được nhận: “Đó là những cái ôm của rất nhiều thầy cô hiệu trưởng và lãnh đạo sở giáo dục khi chúng tôi đến trình bày về các giải pháp CNTT cho ngành giáo dục”.
Điều may mắn lớn
Khi trò chuyện với chị Lan, người đối diện có thể cảm nhận được sự đam mê cháy bỏng với công việc mà chị đang làm tại Viettel. Có lẽ nhờ sự đam mê ấy mà người phụ nữ này có được sự kiên trì và bền bỉ khi đi thuyết phục những lãnh đạo ngành giáo dục tin tưởng và thực hiện sự thay đổi.
Và điều quan trọng hơn cả là những dự án này triển khai đem lại nhiều hiệu quả trên thực tế. Tại Quảng Trị, sau khi được Viettel hỗ trợ triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, công tác tuyển sinh hằng năm của Sở Giáo dục tỉnh này được rút ngắn từ 2 tháng xuống 7-10 ngày.
Hay như tại Gia Lai (một tỉnh miền núi), cùng với việc triển khai quyết liệt hệ sinh thái giáo dục do Viettel hỗ trợ, 100% học sinh của tỉnh đã có học bạ điện tử - điều mà nhiều tỉnh, thành phố lớn cũng chưa thực hiện được…
Người phụ nữ này tâm sự: “Ở Viettel, điều đem lại động lực lớn trong công việc là những đồng nghiệp luôn sát cánh, đoàn kết, khóc – cười cùng nhau”. Coi công việc là đam mê, chị Lan chỉ cảm thấy stress khi nhàn rỗi, khi không thấy còn điều gì để học tập và làm việc. Giám đốc BU Giáo dục Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel tâm sự, chị cảm thấy rất may mắn khi gia nhập Viettel bởi nhờ đó chị mới có thể thực hiện ước mơ cách đây hơn 10 năm của mình.