Giấc mơ điện ảnh

TP - Cuốn sách đích thực thì mãi mãi chỉ là sách. Đấy là một quan niệm. Nhưng bộ phim đích thực thì mãi mãi cũng chỉ là phim. Có loại phim như vậy.
Một cảnh phim "Sống cùng lịch sử". Bộ phim tiêu tốn hơn 20 tỷ đồng nhưng "chết" khi ra rạp

Ở đó đạo diễn có thể rảnh rang để chỉ tập trung vào đặc trưng điện ảnh. Ông hầu như chơi với hình ảnh, như nhà văn chơi với chữ. Ông hầu như chơi với ánh sáng màu sắc âm thanh bố cục khuôn hình. Ông chơi với cảm xúc của hình ảnh.

Điện ảnh là giấc mơ lộng lẫy mà người viết văn vẫn hằng mơ. Hầu như vậy. Những con chữ màu đen đang nằm im trên giấy trắng bỗng dưng chuyển động, hóa thành màu sắc thành ánh sáng thành âm thanh.

Nhưng không phải ai cũng chịu để cho người ta biến sách của mình thành phim. Một số ít nhà văn đã từ chối, chối thẳng thừng. Không, xin cảm ơn, đừng có động đến sách của tôi.


Động đến đánh cho gẫy tay, đừng có trách là không báo trước.
Nghe có vẻ không thật, giữa thời buổi điện ảnh đang thịnh, truyền hình đang thống trị. Từ chối là không thức thời. Từ chối là đánh mất cơ hội vang danh trong ngoài bờ cõi. Từ chối là tuột mất cơ hội tiếp thị. Từ chối là tự mình làm giảm thu nhập. 

Người ta vẫn thường khoe nhau là tác phẩm của mình đang được dựng thành phim, đang được quay thành phim truyền hình nhiều tập. Một niềm vui. Một vinh dự. Nhiều tác giả thực sự hài lòng sung sướng. Ôi, xứ này, sự hài lòng cũng thật dễ dàng, niềm vui cũng thật nhỏ nhoi. Chế Lan Viên viết: Lũ chúng ta ngủ trên giường chiếu hẹp / Giấc mơ con đè nát cuộc đời con.

Một ông đạo diễn. Một ông nhà văn. Ông này làm phim dựa theo truyện của ông kia. Phim chiếu ra mắt, các ông mời bạn bè đồng nghiệp đến xem. Hết phim, mọi người mang bộ mặt phẳng lặng đi ra, chả biết nói gì, chả có gì để nói. Tưởng được yên thân mà im lặng ra về. Nhưng ông văn và ông đạo diễn đã đứng chặn ở lối ra, chặn như thế là người xem không thể chỉ có bắt tay nói một câu cảm ơn mà phải nói thêm vài câu khen ngợi. Nếu có khen cũng chỉ là khen không thật lòng. Nhưng mà bộ đôi tác giả đang cần những lời như vậy.

Phim của đạo diễn quen, tôi thường tránh đến xem buổi ra mắt theo lời mời. Nếu phim ấy có cơ hội ra rạp, tôi sẽ mua vé đi xem. Hết phim, ra về không sợ bị ông văn ông đạo diễn chặn đường trấn lột mấy câu khen đãi bôi. Có bị trấn thì tôi cũng khó nói những lời không phải của mình. Dù sao tránh vẫn hơn.

Cơ hội để có lời khen thật lòng hầu như không có. Xem xong phim cứ tự giằn vặt. Tại sao lâu nay mình có thể giao du với một đạo diễn như thế này. Người yêu dấu không thấy đầu, như lời một bài hát. Chú học sinh lâu nay vẫn làm cho người nhà tưởng là học hành khá khẩm, một ngày giở vở chú ra mới thấy lỗi chính tả be bét. Toàn lỗi vỡ lòng. Người nhà chú nhìn chú khác trước. 

Hoàng Yến (trái) và Thúy Hường trong phim Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đặng Nhật Minh), một bộ phim hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam vẫn được tìm xem

Đành rằng một người không có tài vẫn phải được tôn trọng. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Nhưng đã có tâm rồi mà bất tài? Một người tốt trong cơ quan ta, nhưng chuyên môn kém, động vào cái gì cũng dở dang hỏng việc, người khác phải nhảy vào sửa sai chữa chạy. Cứ như vậy, liệu có còn tiếp tục yêu quý và tôn trọng được không? Bạn mà như vậy, có thể không coi thường bạn được không?

Phải thẳng thắn mà rằng điện ảnh ở ta còn ở mức vỡ lòng, còn đầy lỗi chính tả, những cái lỗi hầu như không được phép. Giả tạo, vụng về, thô sơ, giản lược. Cả về nghệ thuật và kỹ thuật. Ác cái, điện ảnh không như nhiều ngành nghệ thuật khác, điện ảnh còn thêm yếu tố máy móc kỹ nghệ, cái giả cái vụng vì thế lại càng phô lộ. Xem phim mà ngượng như thể cái vụng ấy là do chính mình làm ra. Xem phim mà như bị tra tấn, “kiểu này chưa đánh đã khai” - nhà văn quá cố Vũ Bão từng đùa khi xem phim của bạn bè.

Đang nói chuyện điện ảnh, thực ra các ngành nghệ thuật của ta đều ở mức sơ khai vỡ lòng vậy cả. Điện ảnh ta chưa có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới. Văn chương nghệ thuật đều chưa có trên bản đồ văn nghệ thế giới. Cũng giống như các lĩnh vực kinh tế văn hóa xã hội vậy thôi. Cũng giống như thể thao Việt Nam đi thi Olympic. Có thể ở từng môn thi có người đoạt huy chương bạc huy chương đồng, nhưng xếp toàn đoàn thì vẫn là xấp xỉ thứ một trăm trong tổng số vài trăm nước.

Có thể miễn bàn về phim tuyên truyền nhà nước bỏ tiền ra để phục vụ mục tiêu chính trị, còn thì hãy ngừng làm phim ít ra một thập kỷ. Nhiều người nói như vậy. Mỗi bộ phim đốt tiền dân từ nửa triệu đến một triệu đô la. Làm xong xếp vào kho, không chiếu rạp, chiếu cũng chẳng bán được vé. Tổng kinh phí làm phim trong một thập kỷ ấy dùng để gửi một thế hệ đạo diễn ra nước ngoài mà học. Đây là cách làm của Hàn Quốc và một số nền điện ảnh đang lên. Nhờ vậy, họ có một lứa đạo diễn tài năng giỏi kỹ thuật, luôn đoạt giải thưởng các liên hoan quốc tế hạng A và phim đem chiếu thì bán được vé.

Từ chối cho làm phim theo sách của mình. Chẳng nói đâu xa, tôi cũng luôn từ chối những lời mời làm phim, dù đạo diễn có là bạn. Nếu còn muốn là bạn bè vui vẻ có thể ngồi uống với nhau đôi ba cốc bia thì đừng rủ tôi làm phim. Tôi đã xem phim của họ và tôi biết. Tôi đã tìm hiểu kỹ thuật điện ảnh và tôi biết. Tôi đã đi cùng một số đoàn làm phim với những phiền phức khó khăn và tôi biết. Tôi đã nhìn những kịch bản bạn bè phải chữa chạy hàng chục lần be bét cho đến khi biến dạng và tôi biết. Biết. Nên không có ý định làm phim ở xứ này.

Rồi một ngày nào đó, có thể thuê đạo diễn giỏi nước ngoài, như dàn nhạc giao hưởng có thể thuê nhạc trưởng nước ngoài, như đội bóng có thể thuê huấn luyện viên nước ngoài. Điện ảnh là nghệ thuật nhưng điện ảnh còn là kỹ thuật. Kỹ thuật thì phải học hỏi và có thể phải thuê. Đến lúc ấy, đạo diễn bên ngoài vào làm, máy móc kỹ thuật đem vào, in tráng phim và làm hậu kỳ thì mang ra nước ngoài. Có thể lúc ấy tôi sẽ cân nhắc lại sự khăng khăng của mình. Cũng có thể ngày ấy không đến. Hãy để ngày ấy lụi tàn là tên một cuốn tiểu thuyết.

Thời báo New York có lần trích lời khuyên của Hemingway với một nhà văn nào đó đồng ý cho Hollywood làm phim: “Hãy lái xe đến ranh giới bang California (nơi có Hollywood), ném cuốn sách qua hàng rào. Khi họ quẳng tiền ra, nhặt lấy và phóng về”.

Sự hợp tác giữa nhà văn và đạo diễn chỉ dừng ở mức ấy thì tránh được ta thán và khó chịu cho cả đôi bên. Chỉ đơn thuần là vấn đề thanh toán tiền bản quyền. Chấm hết. Sau đó đừng có băn khoăn rằng tác phẩm của mình có thể bị tàn phá giày xéo như thế nào.

*
* *
Milan Kundera, nhà văn người Séc từng viết đại ý: thời đại mới có xu hướng sục vào những tác phẩm văn học để tìm ra cái mà làm phim, vậy nhà văn hãy viết sao cho sách của mình không thể chuyển thành phim được.

Ông hàm ý một thứ văn chương đích thực, văn chương thuần túy. Văn chương ấy chỉ hay khi nó đúng là đặc trưng của văn chương. Văn ấy chỉ hay ở văn, ở ngôn ngữ, ở tư tưởng và cảm xúc trên trang sách, khi ra khỏi giấy trắng mực đen, ra khỏi thiết bị máy đọc sách như hiện giờ, ra khỏi đấy là văn chương hết hồn vía. Văn hay thì chẳng phim nào nắm được hồn vía của nó.

Milan Kundera nói vậy có thể bởi ông không hài lòng với bộ phim duy nhất dựng theo tiểu thuyết của mình: Kiếp chúng sinh nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being). Tôi thì thấy phim này còn hay hơn nhiều phim chuyển thể. Từ đó, Kundera đã viết theo tinh thần làm sao để người ta không thể dựng thành phim: Sự bất tử, Chầm chậm, Bản nguyên, Vô minh… Tôi cũng thấy phim Bác sĩ Zhivago hay, nhưng chính tác giả Boris Pasternak đã ra về khi phim chưa chiếu hết.

Hãy nhìn thử vào vài cuốn sách hay và vài phim hay dựng theo sách: Bệnh nhân người Anh (The English Patient) của Michael Ondaatje, Không chốn nương thân cho người già (No Country for Old Men) của Cormac McCarthy đều là những tiểu thuyết cốt truyện mỏng. Khi làm phim, người ta đã cốt truyện hóa nó, tức là chỉ chọn lấy phần cốt truyện và bồi đắp cho nó dầy dặn lên. Vào phim là mất văn, tất nhiên. Vào phim là phải có truyện, tất nhiên. Vào phim, muốn cho nhiều người xem thì cốt truyện phải dầy dặn phức tạp - điều này thì còn phải tranh luận.

Cuốn sách đích thực thì mãi mãi chỉ là sách. Đấy là một quan niệm. Nhưng bộ phim đích thực thì mãi mãi cũng chỉ là phim. Có loại phim như vậy. Hãy xem phim Cái gương (The Mirror) của Andrei Tarkovsky. Cốt truyện mỏng đến mức như không có cốt truyện. Thế là đạo diễn có thể rảnh rang để chỉ tập trung vào đặc trưng điện ảnh. Ông hầu như chơi với hình ảnh, như nhà văn chơi với chữ. Ông hầu như chơi với ánh sáng màu sắc âm thanh bố cục khuôn hình. Ông chơi với cảm xúc của hình ảnh.
Bộ phim không thể chuyển sang thành sân khấu hay thành sách, nó chỉ có thể tồn tại ở hình dạng phim.

Nói thế vì ở những đất nước công nghệ, viết văn có thể biến thành công thức và có sách dạy trở thành nhà văn trong vòng một năm. Những bộ phim ăn khách thường ngay lập tức được người ta thuê nhà văn nào đó chuyển thành tiểu thuyết để bán khi phim còn nóng hổi. Năm 1998, tôi ngồi xem phim Giải cứu binh nhì Ryan trong một rạp Mỹ thì chỉ mấy tháng sau đã thấy bày bán cuốn tiểu thuyết viết cấp tốc dựa theo phim.

Hệ thống thông tin đại chúng cũng sản xuất ra sản phẩm nghe nhìn của mình. Họ cũng làm phim, made-for-TV film, để chiếu trên truyền hình. Ngay cả các phim truyền hình Âu - Mỹ được làm rất bài bản thì cũng chỉ là một thứ phim nhiều tập, phim bộ, một thứ lai tạo giữa báo chí và nghệ thuật, một thứ á nghệ thuật, cận nghệ thuật.

Phim truyền hình ở ta thì chỉ có nói và nói, rất nhiều ý lẽ ra phải chuyển thành hình ảnh thì sự lười biếng và bất tài đã chọn cách để nhân vật đối thoại cho xong. Nghệ sĩ thuần túy từ chối gọi phim truyền hình là nghệ thuật.

Philip Roth, nhà văn Mỹ nổi danh bậc nhất trên thế giới thì thẳng thắn: “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đang trên đường trở thành đất nước ngu dốt nhất thế giới. Tôi rất hổ thẹn khi phải liệt kê những nguyên nhân của điều đó, bởi vì đấy là một danh sách toàn những sự dập khuôn gượng gạo. Nhưng thực tế là truyền hình phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Hầu hết người Mỹ dưới năm mươi tuổi đều là sản phẩm của truyền hình. Những gì họ nghĩ, những điều họ coi là quan trọng, việc thiếu khả năng tập trung - tất cả điều đó có nguyên nhân sâu xa là từ truyền hình” (Thể thao & Văn hóa, 1/9/1998).

Dù giới nghệ sĩ tinh hoa của Mỹ có tự phê gay gắt, thì những phim hay của điện ảnh Mỹ vẫn khiến cả thế giới phải xem. Nghệ thuật châu Âu đang sa vào sự trưởng giả nhạt nhẽo, một bà già vẫn còn huyễn tưởng rằng mình dòng dõi quý tộc tinh tế thanh tao. Trong khi đó, những bộ phim Mỹ, những phim đích thực là phim, vẫn tươi mới sống động cuốn hút và sức sống này chắc vẫn trường kỳ.