Phim tuyên truyền còn bao cấp, tiền tỷ còn…trôi sông

Nhiều kịch bản không hay được Nhà nước đầu tư với số tiền khổng lồ là lãng phí. Tôi thấy kịch bản không tốt thì không làm, làm xong cất kho thì làm làm gì”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh thẳng thắn.

Chuyện phim tuyên truyền, phim “cúng cụ” ra rạp bị khán giả thờ ơ là chuyện thường gặp hàng chục năm nay. Bộ phim “Sống cùng lịch sử” với kinh phí 21 tỷ đồng do NSND Nguyễn Thanh Vân làm đạo diễn chỉ là “giọt nước làm tràn ly” khiến dư luận bức xúc vì Ngân sách Nhà nước bị lãng phí.

Những người yêu điện ảnh không khỏi xót xa trước “thảm cảnh” này. Vài chục tỷ đồng “đốt” vào một bộ phim, ngốn công sức của bao nhiêu người trong cả một thời gian dài cuối cùng không có người xem. Nhưng điều đáng bàn là ngay từ đầu, khi đặt hàng, không có quy định nào yêu cầu phim làm ra… phải có người xem.

Làm phim để… cất kho

Là đạo diễn phim “Mộ gió” vừa ra rạp cùng đợt ra rạp dịp 2/9 với “Sống cùng lịch sử” nhưng chỉ bán được vài vé, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn có những chia sẻ thẳng thắn về hiện trạng làm phim theo kiểu tuyên truyền.

Phim tuyên truyền còn bao cấp, tiền tỷ còn…trôi sông ảnh 1 Cảnh trong phim "Mộ gió"

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, việc “đứa con tinh thần” của mình không trụ được ở rạp không có nghĩa là phim kém chất lượng. Vì tất cả các rạp chiếu phim hiện nay của chúng ta đều là chiếu phim thương mại. Đối tượng khán giả hướng đến hầu hết là giới trẻ, và gần như chỉ giới trẻ đi xem phim với mục đích giải trí.

Trong khi đó, ở nước ngoài, họ đã biết phân loại rạp chiếu phim. Có những rạp chiếu phim chuyên về các vấn đề chính trị xã hội, có những rạp chiếu phim tài liệu... Còn lại thì khá đông rạp chiếu phim giải trí. Đối tượng khán giả nào cũng sẽ có rạp chiếu phù hợp, như vậy phim chính luận không hẳn sẽ “ế”.

Phim tuyên truyền đều do Bộ VH-TT&DL, Cục Điện ảnh đặt hàng cho các hãng phim làm và người thực hiện cũng chỉ biết làm cho xong và trả lại cho bên đặt hàng. Điều đáng nói là trong hợp đồng không có yêu cầu hãng phải làm phim có khán giả.

Bên cạnh đó, bản dự toán cho quá trình làm phim của bên đặt hàng dù được làm rất chi tiết, nhưng lại chẳng hề có phần quảng bá cho bộ phim.

“Đấy là điều rất buồn cười trong cách đặt hàng. Nghĩa là họ chỉ làm thế nào để cho có một bộ phim về đề tài những ngày kỷ niệm, đúng kiểu phim “cúng cụ”, đúng ngày thì “cúng”. Thế thôi, chứ họ không bàn đến chuyện có ai xem hay không”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói.

“Biết là ế nhưng họ vẫn làm vì Ngân sách là “tiền chùa” mà, ai cũng được hưởng từ dự án đó. Chính điều này tôi đã nói nhiều lần và đã quay lưng với Ngân sách Nhà nước từ năm 1998 đến nay.

Nhiều kịch bản không hay được Nhà nước đầu tư với số tiền khổng lồ là lãng phí. Tôi thấy kịch bản không tốt thì không làm, làm xong cất kho thì làm làm gì”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh thẳng thắn. 

Phim tuyên truyền còn bao cấp, tiền tỷ còn…trôi sông ảnh 2

Cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử"

Làm phim “cúng cụ” khó hay?

Phim Nhà nước đặt hàng vì bị bỏ mất khía cạnh truyền thông nên âm thầm ra rạp cũng là điều hết sức dễ hiểu. Nhưng không ít người cho rằng bản thân đề tài đã không thu hút khán giả, cách làm phim còn nặng về tính tuyên truyền mới là nguyên nhân sâu xa dẫn tới thảm cảnh phim chiếu vài ngày rồi bị cất kho.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc hãng phim BHD cho rằng để làm phim “cúng cụ” thế nào cho hay vẫn đang là một bài toán khó đối với những nhà làm phim không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

“Kim Ki Duk là một nhà làm phim rất nổi tiếng của Hàn Quốc và trên thế giới. Nhưng bản thân ông cũng nói phim của ông ở Hàn Quốc rất ít khán giả đi xem. Điều này không có nghĩa là người ta không làm những bộ phim nghệ thuật hay những bộ phim lịch sử. Chỉ có điều những đề tài khó như vậy để khán giả an tâm cũng đã là một thử thách.

Ở nước ngoài có những bộ phim lịch sử theo kiểu tư liệu. Nhưng cũng có những bộ phim lịch sử làm theo hướng thương mại hơn, nghĩa là muốn kiếm tiền thì phải chiều theo thị hiếu khán giả. Vì khán giả là người bỏ tiền mua vé xem phim”, bà Hạnh giải thích.

“Một bộ phim do Nhà nước đặt hàng về đề tài lịch sử mà lại yêu cầu phải ăn khách thì tôi nghĩ, nhà làm phim nào làm được điều đấy thì quá giỏi. Không phải dễ để làm được. Thực sự rất là khó”.

Việc làm phim lịch sử không chỉ riêng nước ta mà nhiều nước trên thế giới đã và đang làm. Ở Mỹ có “Giải cứu binh nhì Ryan”, “Sinh ngày 4/7”... từng giành giải Oscar. Còn ở Trung Quốc thì phim lịch sử lại là một thế mạnh với nhiều tác phẩm kinh điển. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, làm phim gì cũng phải có khán giả. Bỏ ra hàng triệu đô la mà không có khán giả thì coi như hiệu quả bằng 0.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng: “Quy trình làm phim của các nước bắt đầu từ kịch bản hay chứ không phải nhân dịp này, dịp kia. Từ kịch bản hay đó người ta mới đi thuyết phục Nhà nước có bỏ tiền hay không. Mình thì đi ngược lại. Quan điểm này sai ngay từ đầu dẫn đến nhiều cái sai khác”.

Phim tuyên truyền còn bao cấp, tiền tỷ còn…trôi sông ảnh 3

“Giải cứu binh nhì Ryan” từng nhận được 11 đề cử tại giải Oscar và giành về 5 giải trong đó có tượng vàng cho Đạo diễn và Quay phim xuất sắc nhất

“Phải thay đổi quan niệm về đặt hàng phim”, theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, các nền điện ảnh lớn trên thế giới, chẳng hạn như Pháp, họ có tiền quỹ để tài trợ cho những nhà làm phim. Nhưng không phải tài trợ cho đề tài, mà tài trợ cho phát kiến nghệ thuật. Nếu như có người làm được phim chính trị ăn khách, thì sẽ được tài trợ số tiền đó.

Tài trợ để nâng cao khả năng làm nghề, nâng cao sáng tạo nghệ thuật. Như vậy người làm phim mới trở thành những người có khả năng làm những phim hóc búa, nhưng vẫn có khách, chứ không phải tài trợ cho dịp này hay dịp khác.

“Chúng ta rất cần Nhà nước tài trợ. Nhưng là tài trợ cho sự phát triển của nghệ thuật điện ảnh, tức là cho những tài năng, để chúng ta có được đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, chứ không phải tài trợ cho dịp kỷ niệm hay tài trợ cho đề tài chính trị cụ thể nào. Tay nghề nâng cao thì làm đề tài gì chắc chắn cũng hay”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khẳng định.

Theo Hà Phương

Theo VOV
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".