Giá xăng tăng, ngư dân thiệt hại kép

Phí tổn tăng, hải sản lại luôn bị đầu nậu ép giá, khiến ngư dân cầm chắc lỗ. Ảnh: Nguyễn Huy
Phí tổn tăng, hải sản lại luôn bị đầu nậu ép giá, khiến ngư dân cầm chắc lỗ. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Sau những chuyến ra khơi dài ngày năng suất không cao, tàu cá vừa cập bến đã bị đầu nậu ép giá, lại gặp lúc giá xăng dầu tăng cao khiến cho nhiều chủ tàu tại miền Trung mất vốn.

> Lương thực, thực phẩm tăng giá mạnh

Khổ cả đôi đường

Lão ngư Nguyễn Đào (59 tuổi, ở thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá BĐ 96015, cho biết ông vừa về sau 15 ngày khai thác cá ngừ đại dương tại Trường Sa.

Cá ít, vừa cập bến lại bị đầu nậu ép giá, tính ra lỗ đến 40 triệu đồng, lại gặp lúc giá xăng dầu tăng, thiệt khổ. Tại cảng cá Tam Quan, giá thu mua cá ngừ đại dương từ 150-160 triệu đồng/tấn, nay chỉ còn 105 -120 triệu/tấn.

“Đầu nậu mua cá, kiêm luôn việc cho nợ tiền xăng dầu, nên họ hô giá bèo đến mấy cũng phải bán để trả nợ”, ông Đào nói.

Kể từ đợt điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất, tàu thuyền ra khơi từ âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) giảm hẳn. Theo ông Nguyễn Đình Duyên (xã Đức Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QNg 98414TS: Trung bình mỗi chuyến biển gần tháng trời ở vùng biển Hoàng Sa, tàu ông “ngốn” trên 3.000 lít dầu, 400- 500 cây đá, chưa kể lương thực, nước uống.

“Với giá dầu tăng hiện nay, mỗi chuyến biển bù thêm 20-30 triệu đồng cho phí nhiên liệu. Ông Lê Dũng (phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90323TS, nói: Giá dầu tăng liên tục khiến ngư dân không kịp trở tay. Đợt tăng giá dầu lần này khiến con tàu hơn 500CV của ông phải bù thêm trên 100 triệu đồng phí tổn.

Vừa về sau chuyến câu mực Trường Sa, ông Lê Văn Tiến, chủ tàu ĐNa 90052, lo lắng khi gần chục tấn mực bán ra chỉ vừa đủ cho phí tổn. Giờ với giá xăng dầu mới, lỗ nặng là cái chắc.

Từng là thuyền trưởng kỳ cựu các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, ông Tiến và hầu hết cả chủ tàu lớn Đà Nẵng chưa lần nào chịu áp lực xăng dầu lớn như hiện nay. Cùng thời điểm này năm ngoái, mỗi chuyến bám biển Trường Sa, tàu ông Tiến lãi ròng đến vài trăm triệu đồng là bình thường.

Theo ông Trần Ban (Sơn Trà, Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 95468: áp lực chi phí nhiên liệu tăng khiến nhiều ngư dân ngần ngại vươn khơi. Trong khi ngư trường ngày càng hạn hẹp, đánh bắt bất lợi, giá cả thủy sản trên bờ lại bị tư thương thao túng.

Tại các chợ lớn của Đà Nẵng, giá cá ngừ rao bán tới 70-80 ngàn đồng/1 kg, mực 130-150 ngàn/1 kg, nhưng giá tư thương áp cho tàu thuyền ngư dân cập bến chỉ có 35 ngàn đồng/1kg cá ngừ, 50-60 ngàn đồng/kg mực…

Dùng đèn cao áp bắt cá “xấu”

Do các đầu nậu hạ giá thu mua, lại thường đánh đồng giá cả các loại cá, nên ngư dân “tương kế tựu kế”, tìm cách đánh bắt sao cho nhàn và được nhiều cá nhất, bất kể sự chênh lệch giữa cá tốt và cá xấu.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, trưởng thôn Thiện Cánh 1, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định), cũng là chủ của 3 tàu cá lớn chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương, cho hay: “Khoảng trên dưới 500 tàu cá lớn ở vùng này đều chọn cách gắn đèn cao áp để đánh bắt cá ngừ đại dương. Dùng đèn cao áp thì được nhiều cá, nhưng là cá loại “xấu” (không ngon). Còn theo cách truyền thống là câu vàng (cá ngon, đạt chất lượng). Vì chạy theo số lượng, giờ hầu như người ta bỏ loại câu vàng, chọn cách câu đèn”.

Toàn bộ tàu cá trở về từ Trường Sa, Hoàng Sa đều gắn đèn cao áp, hình ảnh này cách đây 5 tháng chưa hề có. Theo ông Hồng, chỉ vài tháng trước đa số tàu cá cập cảng đều bội thu, nhưng nay thì thất bát trầm trọng.

Có tàu về còn được hai phần vốn, có tàu về không lại gặp cảnh giá xăng dầu tăng cao khiến ngư dân cũng phải méo mặt để tìm cách ra khơi.

Theo anh Nguyễn Công Điện, chủ tàu cá BĐ 96205: “Ở đây nạp nhiên liệu thì không khó vì các chủ thu mua đều cho nợ, nhưng khi giá xăng dầu tăng, từ biển trở về mà không, hiệu quả cũng có khi phải bán nhà trả nợ. Nên đánh bắt kiểu gì miễn có cá là được”.

Thống kê từ UBND huyện Hoài Nhơn, toàn huyện đã có 700 tàu thuyền làm nghề câu mực, chụp mực chuyển sang nghề câu đèn cá ngừ đại dương.

Ông Đào Duy Hội, Chủ tịch xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Tất cả đội thuyền đánh bắt xa bờ của xã đã chuyển sang câu cá ngừ đại dương hình thức mới là câu đèn. Đây là một hiện tượng đáng báo động. Sẽ rất nguy hiểm khi số thuyền công suất nhỏ này gặp thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, về lâu dài, nguồn lợi cá ngừ đại dương sẽ bị ảnh hưởng”.

Ông Võ Văn Nam, Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Nam cho hay: Tỉnh có hơn 4.200 tàu đánh bắt xa bờ với khoảng 25.000 ngư dân.

Chưa có khảo sát cụ thể nhưng rõ ràng giá xăng dầu tăng tác động lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân, kéo theo nhiều hệ lụy: năng suất đánh bắt giảm, nguy cơ tàu cá nằm bờ gia tăng, ngư dân thất nghiệp.

Trước mắt, tỉnh đang trình ngành chức năng khẩn trương cấp trên 20 tỷ đồng để hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân. Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã chi 15 tỷ đồng cho hoạt động này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG