Ngày 9/7, vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.368,06 USD/ounce, sau khi giảm hơn 1% ở phiên giao dịch trước. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,5% lên 2.373,90 USD.
Theo chuyên gia, đồng USD đang ở mức gần như thấp nhất trong nhiều tuần tác động mạnh đến giá vàng. Ngoài ra, thị trường vàng đang chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell trước Quốc hội, ở cả Thượng viện và Hạ viện.
Kelvin Wong - nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại OANDA - cho biết: "Nếu Powell trực tiếp hoặc gián tiếp ngụ ý rằng nền kinh tế Mỹ đang suy yếu, điều đó có lợi cho vàng thỏi".
Ngoài ra, báo cáo việc làm hồi cuối tuần cho thấy thị trường lao động Mỹ mất đà khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,1%. Giới đầu tư chờ đợi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) tháng 6 vào cuối tuần.
Biểu đồ thể hiện mức tăng của giá vàng ghi nhận đến ngày 9/7. |
Vàng thỏi không sinh lời tăng sức hút với nhà đầu tư khi lãi suất thấp. Wong cho rằng chỉ số lạm phát yếu có thể khiến giá vàng vượt ngưỡng kháng cự 2.410 USD/ounce trong ngắn hạn.
Trong một báo cáo, các nhà phân tích tại Citi cho biết nhu cầu vàng có thể giảm trong quý II nhưng phục hồi vào cuối năm. Báo cáo cho biết thêm rằng tăng trưởng tiêu thụ vàng cơ bản có dấu hiệu tích cực trong năm nay, giúp vàng giao ngay đẩy lên mức 2.400-2.600 USD/ounce.
Bạc giao ngay tăng 0,7% lên 31,00 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,4% lên 1.010,70 USD và giá palladium tăng 0,9% lên 1.017,94 USD.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu Brent giảm 22 cent xuống còn 85,53 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 24 cent xuống còn 82,09 USD/thùng.
"Giá dầu giảm nhẹ khi thị trường chờ đợi quyết định ngừng bắn ở Trung Đông. Ngoài ra, tác động của bão Beryl khiến nguồn cung bị hạn chế so với mức dự kiến", Yeap Jun Rong - chiến lược gia thị trường của IG - nói với Reuters.