Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống còn 2.327,52 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2% xuống 2.339,90 USD.
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch sáng 25/6 trong bối cảnh các nhà đầu tư hướng tới dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ vào cuối tuần, tác động đến việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Kelvin Wong - nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại OANDA - cho biết: "Các yếu tố kỹ thuật ngắn hạn không quá tích cực đối với giá vàng. Sau đợt bán tháo hồi cuối tuần, các nhà giao dịch ngắn hạn xem đây là tín hiệu giảm giá".
Biểu đồ thể hiện diễn biến giá vàng, ghi nhận đến ngày 25/6. |
Giá vàng thỏi đã giảm hơn 1% vào cuối tuần trước, sau khi đồng USD tăng vọt do tác động của hoạt động kinh doanh Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, thị trường việc làm Mỹ cũng dần phục hồi.
Hiện, giới đầu tư chờ đợi dữ liệu ước tính tổng sản phẩm quốc nội quý đầu, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân. "Nếu chỉ số PCE cốt lõi tăng mạnh, đây không phải tin tốt cho vàng, khiến giá kim loại quý bị đẩy xuống mức 2.300 USD/ounce", Kelvin Wong nói thêm.
Trong cuộc họp đầu tuần, bà Mary Daly - Chủ tịch Ngân hàng Fed San Francisco - cho rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ không nên cắt giảm lãi suất trước khi các nhà hoạch định chính sách nhận định lạm phát hướng tới mức 2%. Bà cũng lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng và trở thành rủi ro với kinh tế Mỹ.
Giá bạc giao ngay giảm 0,5% xuống 29,47 USD/ounce, bạch kim tăng 0,5% lên 999,70 USD, palladin tăng 1,5% lên 993,83 USD.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu Brent tháng 8 tăng 5 cent lên 86,06 USD/thùng, sau khi tăng 0,9% trong phiên giao dịch sáng 24/6. Dầu thô kỳ hạn giao tháng 8 của Mỹ tăng 6 cent lên 81,69 USD/thùng sau khi tăng 1,1% ở phiên trước đó.
Cả hai chỉ số dầu đều tăng khoảng 3% trong tuần trước, đánh dấu hai tuần tăng liên tiếp. Giá dầu ít thay đổi do các nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ, ngay cả khi nhu cầu mùa hè dự kiến tăng đang hỗ trợ thị trường.