Giá vàng tăng vọt do 'găm', đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00
Giá vàng trong nước tăng mạnh khi có thông tin dịch COVID-19 bùng phát Ảnh: Như Ý
Giá vàng trong nước tăng mạnh khi có thông tin dịch COVID-19 bùng phát Ảnh: Như Ý
TP - Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, vàng trong nước ngay lập tức tăng giá, lên gần 56 triệu đồng/lượng dù giá vàng thế giới ổn định. Trước bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, khảo sát của nhiều tổ chức uy tín cho thấy, nhà đầu tư đang muốn quay trở lại với vàng là nơi trú ẩn an toàn.

Người dân muốn mua thêm vàng

Phiên giao dịch ngày 4/5 - ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, cùng với thông tin về ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, giá vàng trong nước ngay lập tức vọt lên gần 56 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong 9 tháng qua. So với phiên giao dịch trước đó, mỗi lượng vàng tăng từ 300-350 nghìn đồng. Trong khi đó, giá vàng thế giới vẫn ở mức ổn định, khoảng 1.780 USD/ounce. Sau khi vọt lên mức cao nhất trong 9 tháng qua, giá vàng chững lại với nhịp điều chỉnh giảm vài chục nghìn đồng mỗi lượng trong phiên giao dịch sau đó.

Cùng với đà tăng của thị trường, Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) về đầu tư vàng cá nhân tại Việt Nam vừa được công bố cho thấy, người dân có xu hướng quay trở lại mua thêm vàng. Theo đó, nghiên cứu trên được WCG thực hiện ở thị trường Việt Nam vào tháng 3/2020 với 2.000 nhà đầu tư tham gia khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 81% người đã mua vàng trong quá khứ đang cân nhắc mua thêm vàng ở thị trường Việt Nam, mạnh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 45%.

Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới, có tới 81% người đã mua vàng trong quá khứ đang cân nhắc mua thêm vàng ở thị trường Việt Nam, mạnh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 45%.

“Sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng là rất lớn khi người Việt tin rằng vàng giúp chống lạm phát và biến động tiền tệ, giúp nhà đầu tư an tâm về lâu dài. Đồng thời, những nhu cầu mới về vàng cũng phát sinh theo như mua vàng trên các nền tảng kỹ thuật số hoặc mua vàng thông qua một kênh có sẵn như ngân hàng…”, báo cáo của WGC nêu rõ.

Ngoài ra, nhà đầu tư tham gia khảo sát cho biết, vàng là sản phẩm ưu tiên hàng đầu của 68% nhà đầu tư; nhu cầu mua vàng ở Việt Nam vẫn còn rất mạnh với 72% đã đầu tư vào vàng trong 1 năm gần đây. Có 76% người được hỏi ủng hộ việc có thể mở tài khoản đầu tư vàng tại ngân hàng nhằm hỗ trợ mạnh và chính thức hóa thị trường vàng tài khoản.

Ông Andrew Naylor - Giám đốc phụ trách ASEAN WGC cho biết, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trên thị trường vàng toàn cầu. Đây là thị trường vàng lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong nhóm 10 thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới. Năm 2019, nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam đối với vàng khoảng 56,4 tấn, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Trên thị trường thế giới, tháng 4/2021 là tháng tăng đầu tiên của giá vàng thế giới kể từ đầu năm 2021. Theo trang Kitco News, ở thời điểm hiện tại, giá vàng đang “phớt lờ” sự kết hợp hoàn hảo giữa lãi suất thấp, những gói chi tiêu khổng lồ của Chính phủ Mỹ và kỳ vọng lạm phát gia tăng. Sự kết hợp này lẽ ra phải đưa giá vàng tăng cao hơn, nhưng giá vàng gần đây đã cố gắng nhiều nhưng chưa thể bứt phá qua ngưỡng 1.800 USD/ounce. Cơn sốt tiền ảo và đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ cũng khiến kim loại quý này suy giảm sức hấp dẫn. Ngoài ra, thị trường vàng vật chất tại Ấn Độ ảm đạm trong tuần này do làn sóng COVID-19 ngoài sức tưởng tượng. Lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, giá vàng bán lẻ tại Ấn Độ thấp hơn giá vàng chính thức. So với giá vàng chính thức (tính bằng giá vàng quốc tế cộng 10,75% thuế nhập khẩu và 3% thuế tiêu thụ), giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ tuần này rẻ hơn 2 USD/oz, từ chỗ cao hơn 2 USD/oz trong tuần trước. Theo dự báo của WGC, nhu cầu vàng của Ấn Độ sẽ tiêu thụ mạnh trong quý 2/2021 do các biện pháp phong toả chống Covid.

Kiến nghị có thêm vàng miếng khác ngoài SJC

Trước thực trạng giá vàng trong nước không liên thông với giá vàng thế giới, cao hơn giá vàng thế giới 7-8 triệu đồng/lượng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa kiến nghị cơ quan chức năng cho nhập khẩu vàng nguyên liệu, cho thêm các loại vàng miếng khác ngoài thương hiệu SJC (độc quyền). Theo VGTA, xuất phát từ những điều kiện thuận lợi về chính trị, về môi trường kinh tế Hiệp hội có kiến nghị về những mục tiêu cụ thể như đổi mới chính sách pháp luật cũng như cơ chế quản lý đối với ngành vàng.

Hiệp hội này kiến nghị Chính phủ, Quốc hội đưa ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục IV - ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm Luật đầu tư sửa đổi năm 2020. Đồng thời, để phát triển sản xuất vàng trang sức, đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu để sản xuất. Đồng thời, đóng góp tích cực trong việc thực thi chính sách tiền tệ của NHNN.

“VGTA đề nghị NHNN sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 24/2012. Vì ở thời điểm 2012, thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn, tình trạng các cơn sốt vàng thường xuyên xảy ra nên Nghị định 24 được ban hành vào thời điểm đó là phù hợp và đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm, trong bối cảnh hệ thống luật pháp đã thay đổi, nhiều quy định tại Nghị định 24 hiện đã không còn phù hợp. Đặc biệt, nhiều điểm trong Nghị định 24 cần phải được thay thế cho phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như những thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã tham gia trong những năm gần đây”, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị.

MỚI - NÓNG