Giá trị đồng bằng

Bưởi ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long Ảnh: Duy Khương
Bưởi ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long Ảnh: Duy Khương
TP - Chơi nức tiếng như Công tử Bạc Liêu, làm hết mình như các ông nông dân chế tạo máy gặt đập liên hợp, bây giờ người ĐBSCL đang khơi dậy tiềm năng liên kết, một giá trị mới ở thời hội nhập.
Quýt hồng Đồng Tháp Ảnh: Duy Khương
Quýt hồng Đồng Tháp. Ảnh: Duy Khương.

Cái tính cách phóng khoáng, hòa đồng, chơi ra chơi làm ra làm khiến con người dễ liên kết khi tham gia thị trường rộng lớn. Sẵn sàng ngồi lại với nhau tìm các giải pháp phát triển, một thể chế phi chính thức, không ai ép buộc mà hoàn toàn tự nguyện. Liên kết tạo nên vốn liếng xã hội to lớn, có khi chỉ cần một cái bắt tay, không cần hợp đồng mà triệt tiêu được nhiều hạn chế của sự manh mún.

Ở ĐBSCL mấy năm nay, đến đâu cũng nghe nói về liên kết. Tất cả các địa phương trong vùng đã ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp có nhiều cam kết hợp tác, liên doanh.

Thế nhưng, kết quả thực tiễn của liên kết lại chưa tương xứng nỗ lực và mong muốn. Những tiềm năng thế mạnh của ĐBSCL về nông nghiệp, thủy sản, du lịch đều đang bộc lộ điểm yếu bậc nhất cũng ở sự thiếu liên kết. Hậu quả là lúa, tôm cá, trái cây chưa thoát được vòng luẩn quẩn “trúng mùa thất giá”; du lịch sinh thái miệt vườn sông nước thì “đến một địa phương khám phá toàn bộ ĐBSCL”.

Nhớ lại, đầu thế kỷ 20, đào kênh xáng Xà No mở ra miệt lúa gạo Hậu Giang năm 1908 góp 900.000 tấn gạo trong 1,3 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả Nam Bộ và Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Kết quả bắt nguồn từ chính sách khai hoang khuyến khích làm ăn lớn.

Ai khai hoang được chừng 400 ha đất, cho phép lập làng mới và được miễn giảm thuế 5 năm đầu. Cho nên, miệt Hậu Giang có điền chủ lúa gạo lớn nhất Đông Dương, đến 30.000 ha đất; có nhà máy xay xát Ngã Bảy cũng lớn nhất Đông Dương, công suất một năm 100.000 tấn lúa. Sản xuất kinh doanh lớn làm nên đô thị công nghiệp lúa gạo của Nam Bộ với câu ca lừng danh: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/Anh có cho em thì cho bạc cho tiền/Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”.

Đó đã là hình ảnh vang bóng một thời của ngành kinh doanh lúa gạo ĐBSCL, mơ ước của cả hôm nay để có thể làm nền tảng cho sự thay đổi cuộc sống nông dân, nông thôn. Kinh doanh lúa gạo bây giờ vẫn đậm tính mua xô buôn chuyến hàng xáo, thiếu cả kho tàng lẫn mạng lưới mua và tiêu thụ. Những năm qua, liên kết được nói đến nhiều nhất trong sản xuất kinh doanh lúa gạo và bộc lộ yếu kém rõ nhất cũng ở đây.

Đan giỏ bằng cọng lục bình
Đan giỏ bằng cọng lục bình .

Thực trạng dễ thấy, các nhà chính trị và quản lý ở ĐBSCL thường gặp nhau bàn thảo liên kết, đưa ra những tuyên bố đầy nhiệt huyết, nhưng chia tay thì đâu lại vào đó. Lắm lúc chuyện liên kết trở thành câu chuyện “xin hỗ trợ từ bên ngoài” bế tắc. Như thế, khẩu hiệu hay chương trình chính trị chưa làm nên các liên kết kinh tế.

Liên kết kinh tế là phải cụ thể trong từng nhóm sản phẩm, trong các chuỗi cung ứng dịch vụ, cung ứng khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, các cụm công nghiệp và các dự án. Chính sách khuyến khích, còn sản xuất và kinh doanh phải là các doanh nghiệp. Lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn đều cho thấy, chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới có động lực liên kết và phát triển liên kết thực chất.

Nhưng doanh nghiệp tư nhân ở ĐBSCL lại còn quá nhỏ bé. Nói đến ĐBSCL, dễ giới thiệu tiềm năng thiên nhiên và con người mà còn khó giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp hay sản phẩm. GS-TS Diez của trường đại học Hannover (Đức), người có 20 năm gắn bó với Việt Nam, năm 2010 đến ĐBSCL bày tỏ hai bất ngờ: Trồng lúa thủ công lạc hậu và kinh tế tư nhân quá nhỏ bé. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng có nhận xét tương tự.

Rõ ràng, ĐBSCL đang thiếu công cụ thực hiện sự liên kết. Gần đây, với chính sách kinh tế cởi mở hơn, một số doanh nghiệp tư nhân ở ĐBSCL đã bứt phá đi lên, bước đầu giải quyết được nhiều vấn đề nan giải. Doanh nghiệp kinh doanh lương thực liên kết với nông dân xây dựng những cánh đồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP.

Ngành mía đường có những liên kết xây dựng vùng nguyên liệu hiệu quả. Đặc biệt sôi động trong sản xuất và kinh doanh cá tra với nhiều phương thức liên kết giữa chế biến với nuôi trồng để giữ gìn một sản phẩm độc đáo Việt Nam. Những bước đi khá ngoạn mục đang tạo ra năng lực mới, giá trị mới ĐBSCL.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG