‘Bà trùm Hoa hậu’ Phạm Kim Dung:

'Giá trị của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thật sự quá lớn'

Đó là chia sẻ của chị Phạm Kim Dung, Tổng Giám đốc công ty Sen Vàng và là Phó Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018.
'Giá trị của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thật sự quá lớn' ảnh 1
 

Chị thông minh, xinh đẹp, duyên dáng, nữ tính, cũng không kém phần mạnh mẽ. Quả thực rất khó để cân bằng khi đứng trên đỉnh cao của nhan sắc và quyền lực, nhưng người phụ nữ này đã làm được cả hai điều: một bên, là một doanh nhân tỉnh táo, đưa ra những quyết định cân não trước những đối tác lớn và công chúng đông đảo; phần còn lại, chị mặc sức phiêu du trên con đường trải đầy hoa hồng lẫn thảm gai của đấu trường showbiz, nơi có những đòi hỏi không ngừng về nhan sắc, tài năng và sáng tạo; trong khi vẫn giữ cho bản thân mình sự lộng lẫy kiêu sa của một nữ hoàng mang vương miện đầy hoa.

'Giá trị của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thật sự quá lớn' ảnh 2
Trước hết, chị có thể chia sẻ cảm nhận sau khi hoàn thành xong chặng đua dài của Hoa hậu Việt Nam 2018?

Năm nay kỉ niệm 30 năm Hoa hậu Việt Nam, nên đối với chúng tôi, đó đúng là một chặng đua rất dài... và đua làm sao cho các thí sinh phải đẹp nhất và tỏa sáng một cách rực rỡ nhất.

Chị đã cảm thấy hài lòng chưa sau chặng đua này?

Đến giờ này, chúng tôi nghĩ cũng có một số ít % chưa hài lòng cho những hạng mục nho nhỏ, tuy nhiên nếu dựa trên thành công chung của cuộc thi, và đặc biệt là năm nay chúng ta tìm ra được một Hoa hậu được sự ủng hộ nhiều nhất, sức lan tỏa lớn nhất, thì những % nhỏ nhỏ trong cuộc thi không còn là đáng kể nữa.

Với một chặng đường dài như vậy, với rất nhiều hoạt động như vậy, thì chắc chắn kiểu nào cũng sẽ có sai sót. Tuy nhiên tiêu chí lớn của cuộc thi, mục tiêu chung của cuộc thi và những thành công rực rỡ của đêm chung kết đã có thể phần nào xóa đi được những điều nho nhỏ mà chúng tôi chưa hài lòng.

Thế còn niềm vui nho nhỏ, những phút thư giãn trong cuộc thi năm nay thì sao?

Đối với cuộc thi năm nay không phải là những niềm vui nho nhỏ mà là những niềm vui lớn. Niềm vui phải chiến đấu với thời tiết và thực sự cuối cùng chúng tôi đã được trời thương; niềm vui phải chiến đấu với rất nhiều những thứ khó khăn khác, từ khách quan, chủ quan, nhưng cuối cùng tất cả mọi người đều vượt qua; niềm vui của việc tất cả 43 thí sinh vòng chung kết đều rất xinh đẹp và các em chuyên nghiệp đến chặng cuối cùng; niềm vui của việc Tân Hoa hậu rất đẹp và được sự ủng hộ của công chúng; niềm vui của sự hân hoan hầu hết các nhà tài trợ đều cảm thấy hài lòng.

Ngay từ vòng khởi động thì dàn thí sinh năm nay đã được nhận xét là có nhan sắc nổi trội. Quá trình sơ loại diễn ra có khắt khe hơn trước đây?

Đúng là quá trình của vòng sơ loại năm nay khá khắt khe. Từ rất nhiều thí sinh, chúng ta chỉ còn 43 thí sinh. Tất cả các thí sinh đều rất nổi trội, khán giả không cần tinh tế vẫn có thể nhận ra hầu hết đều là những gương mặt mới. Các em đều là sinh viên hoặc chuẩn bị bước vào giảng đường đại học, do vậy, chúng tôi cũng có những niềm vui của việc đào tạo những con người mới, nhưng bên cạnh đó là sự khó khăn. Đó là các em chưa biết gì về sân khấu, chưa biết gì về catwalk, do vậy, sự khó khăn cũng nâng lên gấp nhiều lần hơn. Nhưng điểm cuối cùng, đó là hầu hết các bạn đều rất chuyên nghiệp, do trình độ tri thức đã có sẵn nên việc tiếp thu cũng rất dễ dàng.

Từ điều đó, chúng tôi khẳng định một điều là giá trị của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thật sự quá lớn, đủ để tất cả chúng ta vượt qua những khó khăn để đạt được cái mà mình mong muốn.

Sự lột xác của thí sinh đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của BTC?

 Thật sự là BTC đã rất nỗ lực để luôn luôn bên cạnh các thí sinh. Không phải chỉ là catwalk, tập sân khấu, không phải chỉ là sự trao đổi về các kĩ năng trình diễn như mọi người thấy bên ngoài, mà là cả một quá trình trao đổi với các em về những nhận thức của cuộc sống, về những hành trình đi làm nhân ái, về cả đối nhân xử thế và rất nhiều thứ… Chúng tôi nghĩ chúng tôi đã giống như một ngôi trường nho nhỏ, ngắn hạn, tập trung… đối với tuổi thanh xuân của các em.

'Giá trị của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thật sự quá lớn' ảnh 3  

Vậy tại chặng đường cuối cùng, điều quan trọng nhất để một thí sinh được chọn đăng quang HHVN là gì, thưa chị?

 Như các bạn thấy, Hoa hậu là phải đẹp đã, bên cạnh cái đẹp đó là trí, đức, tri thức các em phải đạt được. Chúng tôi nghĩ với những biểu hiện của Trần Tiểu Vy và Top 3 vừa qua, khán giả cũng đã nhìn thấy năm nay BGK và BTC cũng đã có sự may mắn khi có được lực lượng thí sinh rất hoàn hảo để chúng tôi có thể lựa chọn được Top 3 đúng tiêu chí như vậy.

Chị có thể chia sẻ chi tiết hơn, BGK đã nhìn ra yếu tố Hoa hậu ở Trần Tiểu Vy như thế nào?

Thật ra khi 43 thí sinh tham gia vòng CK thì điều đó có nghĩa là BTC đều nhìn thấy 43 thí sinh này có tiềm năng cả. Tuy nhiên trong quá trình các em đi đến chặng cuối cùng, thì mỗi ngày, mỗi em sẽ tỏa sáng theo cách của mình.

Về tiêu chí lựa chọn thì như tôi đã nói, có tiêu chí về mặt hình thể, tri thức, sự hòa đồng và những biểu hiện khác. Tất cả những điều đó nằm ở một cô gái xứng đáng nhất thì vương miện đã gọi tên cô ấy (cười vui).

Chị nghĩ gì về danh xưng “Bà trùm Hoa hậu” mà những người đẹp gọi chị?

Tôi nghĩ danh xưng “Bà trùm Hoa hậu” rất dễ thương. Trước đây truyền thông cũng hay gọi tôi là “Bà trùm truyền thông”, rồi “Bà trùm Hoa hậu” (cười), tôi nghĩ những danh xưng này phần nào đánh giá được sự nỗ lực của tôi trong nghề. Nhưng bản chất của tôi vẫn là một doanh nhân kinh doanh trong ngành giải trí và công nghệ tổ chức Hoa hậu, tôi nghĩ vậy. Còn gọi là “Bà trùm Hoa hậu” hay “Bà trùm truyền thông” thì đúng là vui thật.

Những danh xưng này có phần nào là áp lực cho chị trong việc những lần tổ chức sau phải tốt hơn lần trước?

 Thật ra dẫu cho không có áp lực đi nữa thì chúng tôi vẫn phải tổ chức tốt. Nếu công chúng có theo dõi những chương trình của Sen Vàng thì công chúng sẽ nhìn thấy không có năm nào chúng tôi làm giống nhau. Mỗi năm đều sẽ tốt hơn theo một hướng tích cực và gần như không năm nào giống năm nào.

Đã từng thấy hình ảnh chị squat mẫu cho thí sinh. Thực sự rất ấn tượng! Chị thường xuyên tập luyện sao?

Tôi cũng không phải một người quá thường xuyên tập luyện đâu. Tôi có một may mắn – thật sự tôi nghĩ rằng rất may mắn – khi có được một body gần như không phải tập luyện mà vẫn giữ được như vậy. Từ ngày tôi đi học, hồi sinh viên, mọi người cũng nghĩ chắc tôi tập thể dục nhiều lắm, nhưng thật ra một vài năm trở lại đây tôi mới bắt đầu tập. Tuy nhiên tập cũng không đều đặn vì công việc quá nhiều. Có khi 1 tháng đi tập đều đặn, 3-4 tháng sau không tập.

Có điều về phần dinh dưỡng, tôi nghĩ tôi cũng khá khoa học, hợp lý. Tôi ăn nhiều rau, ít ăn chè, đồ ngọt như các bạn gái khác. Tôi cũng uống trà xanh mỗi ngày, uống nhiều nước cam. Tôi nghĩ dinh dưỡng cũng góp phần giữ vóc dáng chứ không riêng gì tập thể dục.

'Giá trị của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thật sự quá lớn' ảnh 4  

Thời điểm 18-20 tuổi, tại sao chị không đi thi Hoa hậu?

Thật sự hồi trẻ tôi chưa từng có suy nghĩ rằng mình xinh đẹp hay dễ thương. Tôi luôn luôn mang mặc cảm rằng mình không đủ đẹp. Thậm chí khi tôi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2, khoa Diễn viên, thì bản thân cũng không dám đi học, và lúc đó tôi chọn trường Đại học Kinh tế. Vì tôi nghĩ với nhan sắc thường thường bậc trung của mình thì chắc không được đóng vai chính mà sẽ đóng vai phụ. Tôi nghĩ nếu làm gì thì phải làm chính chứ không được làm phụ. Vì vậy mà tôi đã không chọn học làm diễn viên mà chọn học để làm kinh tế.

Nhưng đúng là số phận hay cơ duyên lèo lái, đưa đẩy rồi cuối cùng mình cũng làm trong ngành giải trí. Tôi nghĩ, nếu thời gian có quay lại, nếu mà ý thức được rằng mình nhan sắc cũng tàm tạm thì có khi tôi cũng ghi danh thử (cười).

Nếu bây giờ nhận được một lời mời đóng phim thì chị có gật đầu?

Tôi nghĩ chắc không, bởi vì đã quá tuổi và tôi nghĩ mình đang làm công việc này và thời gian cũng đã không đủ để mình làm việc rồi. Đã dấn thân làm việc gì thì phải nghiêm túc, tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ không thể nào nhận lời như vậy.

Thậm chí nhận lời cho một cuộc phỏng vấn, ghi hình, talkshow mà phải mất thời gian trang điểm, sau đó phải mất thời gian tẩy trang, đối với tôi tôi cũng thấy nó khá cực hình rồi (cười).

Chị yêu thích công việc kinh doanh đến vậy sao?

Thật ra khi làm thì mình phải chấp nhận và phải làm cho thật tốt. Không riêng gì tôi, tôi nghĩ đi làm đa phần ai cũng thích được làm kinh doanh thôi.

'Giá trị của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thật sự quá lớn' ảnh 5  

Không chỉ nổi danh là Bà trùm Hoa hậu, chị còn thực sự là Bà trùm truyền thông với cương vị Tổng giám đốc của công ty Sen Vàng, hoạt động ở nhiều mảng kinh doanh như gameshow, quảng cáo… Đứng ở khía cạnh phụ nữ và phái yếu, điều này có vất vả cho chị không?

Đúng là công việc của tôi thật sự rất vất vả, gần như bắt mình phải suy nghĩ liên tục, sáng tạo liên tục. Bên cạnh việc suy nghĩ cho kinh doanh, sáng tạo, thì vấn đề quản trị con người cũng rất đau đầu. Quản trị công nhân hay những nhóm người làm việc theo công nghệ, có quy trình công nghệ và mọi người cứ làm thôi thì đơn giản hơn là quản lý một nhóm người mà họ rất nhạy cảm. Bởi vì họ đều làm về nội dung, đều sáng tạo… Đó lại là một thách thức.

Cho nên cộng cả yếu tố về mặt thời gian, tâm trí cho công việc, những trăn trở cho công việc, cũng như những đối phó khác nữa… thì tôi nghĩ nó khá mệt mỏi và tiêu tốn khá nhiều thời gian.

Chị đã gặp “tai nạn nghề nghiệp” nào với những đồng sự rất nhạy cảm của mình chưa?

Gọi là tai nạn thì cũng không đúng. Cái lớn nhất của người quản trị là mình nhìn ra được con người và đào tạo họ được như mình mong muốn. Nhưng khi mình đào tạo họ được như mong muốn rồi thì mình không còn giữ được họ nữa. Cái đó nó giống y như việc bạn trồng cây, chăm bón nó rất tốt, nhưng đến khi ra trái bạn không được ăn trái ngọt đó.

Tôi nghĩ nó cũng không gọi là “tai nạn” mà là quy luật tất yếu của quá trình làm business thôi. Con người sẽ có lúc thấy mình không còn thích hợp với môi trường đó nữa mặc dù mình trưởng thành từ đó.

Công việc không giống như cuộc hôn nhân. Hôn nhân thì người ta sẽ biết nhau, yêu nhau, thương nhau, người ta hiểu nhau và mong muốn đi với nhau suốt cuộc đời. Nhưng trong công việc, đa phần mọi người sẽ biết nhau, hiểu nhau, yêu nhau, thương nhau và có lúc sẽ phải rời khỏi nhau. Tôi nghĩ đó là quy luật và những người làm công tác quản trị sẽ buộc phải chấp nhận quy luật đó và luôn luôn trong đầu phải có option để đào tạo, thay thế.

Chị có bị tổn thương với những lần rời đi như vậy?

 Những năm đầu mới khởi nghiệp tôi rất tổn thương với việc đó, và cảm giác chia tay một con người rất khó khăn. Thậm chí trong vài năm đầu tiên tôi không dám đuổi một nhân sự nào luôn (cười), không dám cho nghỉ một nhân sự nào. Dẫu cho họ làm không tốt như thế nào đi nữa, thì tôi vẫn tìm cách lèo lái để chuyển họ sang công việc này công việc khác. Nhưng sau dần thì mình cũng phải chấp nhận việc gặp rồi chia tay. Đi được với nhau đường dài hay đường ngắn thì cũng phải chia tay. Tuy nhiên điều rất may mắn là Ban Giám đốc Công ty cũng như bộ phận chủ chốt, đến giờ này chúng tôi giữ được gần như 95%. Chỉ trừ những trường hợp rất đặc biệt phải chia tay nhau thôi, còn đa phần chúng tôi vẫn giữ được nhau.

Hiện tại, có thể coi là chị đang ở đỉnh cao viên mãn, thành đạt và hạnh phúc?

Thật ra đối với tôi, đỉnh cao của thành đạt, viên mãn chắc khó ai đạt được. Tôi chỉ trong một lĩnh vực nhỏ này thôi, nên không nghĩ mình là người thành đạt, viên mãn, mà tôi sẽ còn phải phấn đấu nhiều. Nếu có thể một lúc nào đó chấp nhận với những gì mình có, mình sẽ thấy hạnh phúc; nhưng khi mình nhìn lên, thấy xung quanh thế giới quá bao la rộng lớn và thấy quá nhiều người thành đạt thì mình lại thấy tự ti; nhưng nhìn xuống so với một số những người khác thì mình lại thấy, à, mình như thế cũng ổn rồi.

Nên tôi nghĩ trong mỗi hoàn cảnh, chừng mực nào đó, thì chúng ta sẽ chấp nhận cái mình đang có để mình hạnh phúc với nó, chứ tôi không bao giờ nghĩ mình đã thành công, đã đủ như người ta nói là viên mãn. Tôi nghĩ cái đó chắc khó đạt được.

'Giá trị của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thật sự quá lớn' ảnh 6  

Chị có điều gì muốn chia sẻ với hậu bối, những người đi sau?

Hiện nay, tôi nhìn thấy các bạn trẻ làm trong ngành truyền thông ưa suy nghĩ cả thèm chóng chán và nhảy việc. Tôi là người suốt 13 năm đi làm chỉ làm đúng 2 công ty, và tôi thay đổi vì hoàn cảnh bắt buộc phải thay đổi. Bản thân tôi đi làm luôn nghĩ, cùng một công ty, nhưng tôi mong đợi được làm nhiều vị trí công việc khác nhau, và tôi luôn luôn muốn gắn bó, đi đến cùng, khi nào mình không thể đi được với nhau nữa, hoặc có một cái gì đó cho riêng mình thì tôi mới phải chia tay.

Tôi thấy các bạn trẻ hay có suy nghĩ có thể lương cao hơn một chút, hoặc có những thay đổi một chút là các bạn sẵn sàng đổi công ty. Nhưng đó là cách các bạn đi ngang. Năm nay bạn làm ở đây với level này, sang năm bạn đi sang công ty khác bạn cũng làm level đó, rồi bạn lại đi qua một công ty khác cũng như vậy… Bạn cảm giác con người mình được fresh, cảm giác mình được thoải mái hơn, hội nhập một nơi khác hơn, nhưng xét về góc độ phấn đấu, bạn đang làm mình bị mất thời gian cho việc phải làm lại từ đầu.

Đối với tôi, tôi chọn công việc thì sẽ đấu tranh làm sao để công việc đó tốt nhất và mình được đóng góp nhiều nhất, chứ không chọn giải pháp chuyển sang một chỗ khác chỉ để được một cái gì đó nhỉnh hơn một chút. Tôi nghĩ các bạn trẻ chúng ta nên học trung thành một cách tích cực.

Tôi là người hay nghĩ ra một số khái niệm khác thường, ví dụ như “tham vọng một cách tích cực” hay “trung thành một cách tích cực” (mỉm cười). Tham vọng một cách tích cực đó là bạn hãy cho người ta biết điều bạn đang muốn là gì và làm sao để bạn đạt được điều đó, tích cực nhất cho nơi mà mình đang làm việc. Và bạn có quyền đấu tranh ngược lại bạn sẽ được cái gì. Trung thành một cách tích cực đó là không phải lúc nào công ty muốn bạn làm gì bạn cũng làm, mà cố gắng đi cùng họ một cách tích cực nhất, đóng góp nhiều nhất, và ngược lại phải đòi hỏi công ty đáp ứng cho bạn những gì.

Tôi nghĩ các bạn trẻ nên theo đuổi hai khái niệm mà cá nhân tôi đã theo đuổi từ khi tôi bắt đầu đi làm. Đó là “trung thành một cách tích cực” và “tham vọng một cách tích cực”.

Có một câu ngạn ngữ trong tiếng Anh mà tôi rất thích, đó là “You get what you pay for”. Bạn sẽ nhận được cái gì mà bạn bỏ ra. Trong công việc cũng như vậy. Nhiều bạn sẽ thường suy nghĩ rằng mình làm cũng không ai biết. Nhưng thật ở tầm các công ty khi họ quản trị con người, chắc chắn dù một biểu hiện nhỏ của bạn thay đổi, người ta cũng phải biết, bởi vì nếu người ta không biết, người ta không thể nào quản trị được công ty và không thể nào quản trị được con người.

Xin cảm ơn Tổng giám đốc Phạm Kim Dung và những chia sẻ quý báu!

Theo Theo Topsao
MỚI - NÓNG