Liên quan đến câu hỏi vì sao giá thành thịt heo đầu vào giảm nhưng thịt bán cho người tiêu dùng lại cao? Ông Đào Văn Cường - Phó giám đốc Công ty TNHH Anh Hoàng Thi cho rằng, chênh lệch giá như hiện nay là không quá vô lý.
Theo ông Cường, một con heo trọng lượng 100 kg hơi từ khi xuất chuồng đến lò mổ đã nhẹ đi 1,5-1,8 kg; khi giết mổ thu được 75 kg thịt, trong số thịt này da và mỡ chiếm 14kg. Trước đây 14 kg da, mỡ bán được 13.000 đồng, nay chỉ còn 7.000 đồng. Thậm chí cho không cũng không có người lấy. Bên cạnh đó, giá thành thịt heo còn chịu 2% phí cho lò mổ, chi phí vận chuyển, hệ thống bảo quản lạnh, thuế…
Heo thịt ế, heo giống cũng lâm nạn
Mặc dù các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn của TPHCM đều cam kết giảm giá thịt heo từ 10 - 35%, nhưng liệu đây có phải là biện pháp hiệu quả để đẩy mạnh tiêu thụ? Thịt heo là hàng nhu yếu phẩm mua ngày nào dùng ngày đó, chẳng mấy ai mua một lúc rồi để dành từ ngày này qua tháng nọ.
Ông Hồ Quốc Nguyên - giám đốc truyền thông Big C cho rằng, cần có mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà bán lẻ, người tiêu dùng, các doanh nghiệp tạo thành chuỗi cung ứng khép kín chứ không thì nhà bán lẻ lo giải cứu, nhà chăn nuôi lo chăn nuôi mà không hề biết sản phẩm có tiêu thụ được không. Có sự kết nối, hỗ trợ nhau mới phát triển lâu dài, bền vững”, ông Nguyên nói.
Ông Trần Thanh Quý - Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Công ty Chăn nuôi thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) cho biết, bình quân mỗi tháng công ty bán ra 5.000 con heo giống (khoảng 18 kg), 18.000 con heo nái.
Nhưng thời gian qua, do giá heo hơi đang xuống, người chăn nuôi không mua nữa, nay một tháng chỉ bán 3.000 con. Điều này cho thấy heo thịt không bán được đã ảnh hưởng dây chuyền đến heo con giống, heo nái hậu bị.
“Trước tình hình heo rớt giá, có một số người treo chuồng, tạm thời không chăn nuôi nữa. Vài tháng tới, nếu giá heo lên thì họ mới mua heo giống. Lúc đó Công ty Chăn nuôi không đủ con giống để cung cấp”, ông Quý nói.
Đeo vòng không có thông tin
Sau 4 tháng TPHCM thực hiện đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho heo, ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lí thương mại Sở Công Thương TPHCM thông tin, từ ngày triển khai đến nay chỉ mới có 123/1.131 cơ sở chăn nuôi thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán heo với 251.000 con (đạt 11%).
Trong số đó, 31% số heo đeo vòng do thương lái thực hiện. “Đã có 297.331 con heo đã được đeo vòng nhận diện đưa vào các cơ sở giết mổ nhưng chỉ có 150.387 con heo mảnh được kích hoạt vòng. Như vậy vẫn còn 146.944 (49%) con heo khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ không được kích hoạt cập nhật thông tin truy xuất” - ông Phương nói.
Ông Lê Văn Tiễn - Phó giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, từ khi triển khai việc heo vào chợ đeo vòng (5.000 con/đêm) thì lượng heo về chợ tăng lên 5.500 - 5.700 con nhưng chỉ còn 49% heo có đeo vòng, 20% heo đeo vòng trong số đó kích hoạt được.
Ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết, từ tháng 3, đề án triển khai ở các chợ đầu mối tương đối tốt nhưng từ tháng 4 gặp nhiều khó khăn do giá heo xuống thấp, thương nhân chợ Bình Điền lấy nguồn từ Long An không chịu đeo vòng nhận diện cho heo.
“Tuy nhiên, nguồn heo này vẫn có đủ giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Trong số heo có đeo vòng nhận diện thì có 45% có thông tin đầy đủ về nguồn gốc, trang trại, cơ sở giết mổ… Còn lại mang tính đối phó, không thực hiện ghi nhận đầy đủ thông tin”, ông Phát nói.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho rằng: “Người dân cần phải tham gia “chuỗi giá trị”, ký kết thỏa thuận rõ ràng với bên bao tiêu sản phẩm để nắm rõ việc nuôi bao nhiêu con, quy trình nuôi thế nào và giá bao nhiêu... Có như vậy mới thoát khỏi cảnh mất ăn mất ngủ vì giá cả tuột dốc như hiện nay”.