Gia thế khủng của tay đấm độc cô cầu bại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Birmingham, Alabama, Mỹ, võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất vượt qua võ sĩ người Ucraine là Mykytas ở bán kết trong đêm 17/7 mới đây, sau đó thắng luôn nhà vô địch châu Á và thế giới là võ sĩ Almaz, người Kazakhstan trong đêm 18/7. Có 3 con người luôn dõi theo sát nút từng bước chân của Nguyễn Trần Duy Nhất, trong đó có võ sĩ từng được phong là hổ xám thập kỷ 90 là Tấn Nhất Duy, quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Ông Duy từng dìu dắt và dạy cháu trai theo kiểu vô chiêu.

Vô chiêu

Trong trận thi đấu tại sân Quy Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình (nguyên là tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) vào năm 1985, võ sĩ Minh Cảnh, nhà vô địch quyền Anh của Đông Dương giật mình vì nghe danh Tấn Nhất Duy đã lâu, nhưng không ngờ đánh quá dữ. Khi so găng với võ sĩ Trần Hoàng từ Sài Gòn ra, mới vô hiệp một thì võ sĩ này đã bị Tấn Nhất Duy lướt tới gạt đỡ vài đòn, sau đó quật ngã xuống sàn và trọng tài đếm tới 10, sau đó cho thắng knock out. Dân chơi võ kháo nhau rằng, Trần Hoàng là con của võ sư, sao lại bị đánh rớt quá nhanh, có thể là may rủi. Vậy là 2 võ sĩ lại tiếp tục so găng, nhưng tới hiệp 2 thì cú ra đòn khủng khiếp của Tấn Nhất Duy tiếp tục hạ knock out võ sĩ Trần Hoàng.

Gia thế khủng của tay đấm độc cô cầu bại ảnh 1
Võ sĩ độc cô cầu bại Nguyễn Trần Duy Nhất được ông nội, cha mẹ và chú ruột Tấn Nhất Duy rèn dạy võ từ nhỏ

Năm 1986, võ sĩ Tấn Nhất Duy (tên thật là Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1962), hạng cân 57-60 kg tự dưng biến mất khỏi sàn thi đấu tự do ở trong nước. Người hâm mộ võ thuật miền Nam thời đó đoán già đoán non về việc có thể Tấn Nhất Duy đã vượt biển ra nước ngoài. Thời đó chưa có internet và điện thoại phổ biến như bây giờ, vì vậy người ta hay hỏi về Tấn Nhất Duy trong các buổi chợ, quán nước vỉa hè. Tại Quảng Ngãi, các ông bầu chuyên tổ chức các trận đánh đài như Bùi Tá Xuất, Khương Trí Đổng, Huỳnh Long Hổ…tỏ vẻ tiếc nuối, vì không có Tấn Nhất Duy thì việc kinh doanh, bán vé cho người tới xem đấu võ sẽ sụt giảm doanh số.

Vì sao võ sĩ Tấn Nhất Duy lại được người hâm mộ săn đón và dõi theo như một diva hiện nay như vậy? Bởi tới thời điểm 1986, võ sĩ này được ví như hổ xám, đã thi đấu gần 200 trận võ tự do, nhưng chưa thua một trận nào. Ở khắp các tỉnh, thành từ Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa…những trận có Tấn Nhất Duy thi đấu thì cả sân bãi nổi sóng và các ông bầu cảm thấy vui vì vé bán hết sạch. Trước thời đổi mới, các ông bầu kinh doanh võ thuật thường liên kết với địa phương để tổ chức, tăng thu ngân sách.

Sau hơn 35 năm ngồi đúc kết chuyện đời võ thuật, câu trả lời của Tấn Nhất Duy đã khiến tôi nhận ra, đó là “vô chiêu”. Anh thường sử dụng đòn nào tốt nhất? Khi tôi hỏi, Tấn Nhất Duy dừng lại hồi lâu rồi mới nói rằng, phải biến hóa, phải học hỏi rất nhiều thứ và mỗi trận, mỗi đối thủ thì mình đều có những chiêu thức khác nhau – gối, cỏ, rờ ve, đá phang… nhờ đó mới hạ được các đối thủ nặng ký.

Luyện võ giữa 4 “cọp già”

Gia thế khủng của tay đấm độc cô cầu bại ảnh 2

Võ sĩ Tấn Nhất Duy, tay đấm bất bại hàng trăm trận đấu. Ảnh: Văn Chương

Sự biến mất của võ sĩ Tấn Nhất Duy vào năm 1986 do có những biến cố khó nói. Sau năm 1990, võ sĩ Tấn Nhất Duy đổi tên họ và phiêu dạt vào thi đấu ở các tỉnh phía Nam. Bên cạnh việc thi đấu võ, anh còn dành thời gian về chăm sóc cha là võ sư Tấn Diêu. Ông Diêu được vận động đưa gia đình lên cơ sở 2 của tỉnh Quảng Ngãi và được gọi là đi kinh tế mới. Tại huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, khi vừa hạ trại, làm chuồng gà, làm vài luống rau xong là ông Diêu đã bắt đầu dạy võ cùng 2 người con trai là Tấn Phi Diệu và Tấn Nhất Duy.

Võ sĩ Tấn Phi Diệu lấy vợ là võ sĩ Minh Ánh Ngọc, thuộc võ đường Lữ Gia ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Từ đó, ngôi nhà nằm ngay ngã 3 xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên trở thành trung tâm rèn võ thuật bởi 4 con người, trong đó có võ sĩ hổ xám Tấn Nhất Duy.

Năm 1989, vợ chồng võ sĩ Tấn Phi Diệu sinh được người con trai đặt tên là Nguyễn Trần Duy Nhất. Khi bắt đầu là cậu bé hơn 1 tuổi, Nhất đã suốt ngày leo trèo, cố đu ra khỏi cũi. Cậu trở nên khác thường so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Đó là cứ nhìn ra sân thấy các võ sĩ tập võ thì cậu cũng múa tay chân. Cả đám đông thấy cậu nhảy nhót và múa may thì cũng đồng thanh cổ vũ “múa võ đi”.

Cậu Nhất khi lớn lên được học võ cùng một lúc 4 người, đó là ông nội là võ sư Tấn Diêu; học từ cha và mẹ, bên cạnh đó là chú ruột Tấn Nhất Duy. Võ sư Tấn Diêu thời còn sống đã nói rằng “thằng Nhất cháu của ông nó học được cách đánh của người cha là sự khôn ngoan, nhưng nó học được sự dũng mãnh ở người chú là Tấn Nhất Duy, lối đánh của nó chưa chắc bằng chú, nhưng mà cũng ảnh hưởng nhiều; bên cạnh đó là niềm tự hào về người chú bất bại cũng giúp cháu nhanh trưởng thành hơn”.

Võ sĩ Tấn Nhất Duy không kể về việc mình dạy võ cho cháu ra sao, anh chỉ nói rằng, “những trận đấu quan trọng thì chú có mặt, động viên, săn sóc, góp ý, sửa cho cháu, mình từng thi đấu khắp nơi trong nước, nhưng mong cháu được ra thi đấu quốc tế để làm rạng danh dòng họ 4 đời nghiệp võ”.

Quyền thuật tự do

Giữa tháng 7/2022, võ sĩ vang bóng một thời Tấn Nhất Duy lại đưa gia đình từ Lâm Đồng về thăm lại quê hương Quảng Ngãi và gặp các đồng môn. Suốt mấy chục năm qua, ông vẫn dõi theo võ thuật và rút ra những điều chiêm nghiệm về võ để chia sẻ với lớp trẻ. Ông cho biết, nhiều người nghĩ đất võ là Bình Định, nhưng đó là miền đất có nền văn hóa võ thuật từ lâu đời với hệ thống môn phái đặc sắc. Còn Quảng Ngãi cũng chính là đất võ, nhưng các võ sĩ Quảng Ngãi chỉ tập trung vào một hướng duy nhất, đó là võ đối kháng, võ tự do, lên đài thi đấu và hãy tìm kiếm kết quả cuối cùng là “chiến thắng”.

Người cháu của ông là Nguyễn Trần Duy Nhất cũng chọn cách thức này – đi từ võ cổ truyền, sang Muay Thái, sau đó trở thành nhà vô địch thế giới, võ sĩ độc cô cầu bại. Có một thời, võ sĩ Quảng Ngãi làm mưa gió trên các sàn đài, soán luôn ngôi vị số 1 của kinh đô võ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định chưa tách tỉnh và còn chung 1 tỉnh Nghĩa Bình, chiếm 80% đội tuyển võ thuật trẻ của tỉnh là giới võ sĩ đến từ quê hương Quảng Ngãi.

Tấn Nhất Duy không nói nhiều về việc truyền dạy cho cháu chiêu gì, nhưng anh đã truyền lại tinh thần “vô pháp vi pháp”. Giống như chuyện anh nói về diện mạo của võ thuật Quảng Ngãi là “quyền thuật tự do”. Giống như quan điểm của Lý Tiểu Long khi trả lời báo chí ở khu phố Tàu Los Angeles rằng: “Phải nhắm đến tính hiệu quả, không lệ thuộc quá đáng vào tính hình thức; đơn giản và trực tiếp”. Khi lập ra môn phái Triệt Quyền đạo, Lý Tiểu Long cũng khái niệm về môn võ này bằng 2 từ “tự do”.

Võ sĩ Tấn Huy Hường, người nhiều năm đi cùng Tấn Nhất Duy chia sẻ, phần lớn các võ sĩ thi đấu kich boxing, boxing, tự do… nổi bật ở các câu lạc bộ, các tỉnh thành trong nước hiện nay đều xuất thân từ Quảng Ngãi. Ở Quảng Ngãi không có viện nghiên cứu võ thuật, nhưng 40 năm qua, giới võ sĩ ở đây vẫn giữ thói quen khi thấy cặp đôi nào đánh thì mọi người đều nghiên cứu, chiêm nghiệm, rút tỉa ra những mặt lợi, hại, sau đó ôn luyện để giành chiến thắng cho bằng được.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).