> Thiếu vitamin có hại cho bé sơ sinh
Trẻ nhẹ cân khiến nguy cơ tử vong sơ sinh tăng lên. Ảnh: L.N. |
Mất mát lớn
Tình trạng tử vong sơ sinh xuất hiện ở hầu khắp các bệnh viện phụ sản. Theo TS-BS Ngô Minh Xuân - Trưởng khoa Sơ sinh BV Từ Dũ TPHCM mỗi năm ước tính có 63.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, trong đó trẻ sơ sinh chiếm hơn một nửa.
Một nghiên cứu tại BV Nhi T.Ư cho thấy tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh chiếm khoảng 22%. Lý do tỷ lệ này cao do chưa có sự phối hợp giữa làm mẹ an toàn và nỗ lực cứu sống trẻ sơ sinh.
Tại BV Nhi Đồng 1 TPHCM số trẻ sơ sinh tử vong vẫn còn cao với khoảng 6% trong tổng số ca sinh ra.
Theo bác sĩ Lê Nguyễn Nhật Trung, BV Nhi Đồng 2 tỷ lệ trẻ sơ sinh bị sinh non tháng, sinh ngạt, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh vẫn còn cao ở hầu hết các bệnh viện của 18 tỉnh thành thuộc 3 khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao chủ yếu ở nhóm sinh non dưới 1.500gr. Vùng Tây Nguyên có tỷ lệ tử vong sơ sinh cao nhất với khoảng 30%, Duyên hải Nam Trung Bộ 15% và Đông Nam Bộ gần 5%.
Nhiều hệ lụy
Bác sĩ Ngô Minh Xuân cho biết tỷ lệ các nguyên nhân gây tử vong trẻ sơ sinh trong cộng đồng là sinh non và biến chứng sinh non chiếm gần 47%, nhiễm trùng sơ sinh chiếm 22%, sinh ngạt khoảng 16% và dị tật bẩm sinh 15%.
Theo bác sĩ Xuân các yếu tố làm tăng tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh trong cộng đồng là do nhẹ cân, nghèo, không khám thai và học vấn thấp.
“Trẻ sinh non không chỉ gây nguy cơ tử vong mà còn gánh thêm nhiều hệ lụy, trong đó có bệnh lý võng mạc dễ gây mù cả hai mắt cho trẻ”- bác sĩ Xuân nói.
Tại khoa Sơ sinh của BV Từ Dũ số ca trẻ từ 1.000gr trở xuống được tham gia chương trình ấp bằng phương pháp Kangaroo liên tục gia tăng. Năm 2005 chỉ 35 ca, năm 2009 lên 60 ca và trong năm 2011 đã có 400-500 ca. |
Theo bác sĩ Hà Anh Tuấn- Phó giám đốc BV Nhi Đồng 2, tử vong do sinh ngạt và tử vong trong 24 giờ đầu sau sinh chiếm hơn 13% ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, 10% ở vùng Đông Nam Bộ và khoảng 20% ở vùng Tây Nguyên. Điều này cho thấy nhiều bất cập trong trong chăm sóc và điều trị tình trạng này.
“Khảo sát gần 100% các đơn vị y tế thuộc 3 khu vực trên đều thiếu về nhân lực, đặc biệt là nhân lực cho sơ sinh. Các trang thiết bị thì cũ, lạc hậu và thiếu hầu như toàn bộ các phương tiện kỹ thuật cao”- bác sĩ Tuấn nói.
Bác sĩ Xuân cho biết, tại BV Từ Dũ mỗi năm trung bình khoảng 5.000 ca sinh ra ở đây và thường tập trung rất nhiều trường hợp thai bệnh lý.
Trong khi đó, khoa sơ sinh mỗi năm tiếp nhận 13-15 nghìn trẻ, đa số trẻ nhập khoa này đều bị bệnh lý sơ sinh, chủ yếu là trẻ sinh non.
Theo bác sĩ Hồ Lữ Việt- Bệnh viện Nhi Đồng 2, để có thể cải thiện tình hình, các bệnh viện thuộc 3 khu vực có tỷ lệ tử vong sơ sinh cao cần phổ biến phác đồ điều trị bệnh lý sơ sinh, đào tạo liên tục, cùng bồi dưỡng kiến thức cho bác sĩ, điều dưỡng các khoa nhi, hồi sức, sản.
Còn bác sĩ Xuân cho rằng giảm tử vong sơ sinh cần phối hợp chặt chẽ giữa sản- nhi và chăm sóc tốt lúc sinh có thể giảm tử vong đến 27%. Trong trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân cần nuôi trẻ bằng phương pháp Kangaroo.