Gia tài tranh Cafe Lâm bây giờ ra sao?

Tác phẩm: Quán Café Lâm, Họa sỹ: Bùi Xuân Phái, Sáng tác: 1963, chất liệu: Sơn dầu
Tác phẩm: Quán Café Lâm, Họa sỹ: Bùi Xuân Phái, Sáng tác: 1963, chất liệu: Sơn dầu
TP - Quán cà phê Lâm nay không còn là nơi lui tới của văn nghệ sỹ thủ đô nhưng gia tài nghệ thuật, đặc biệt là bộ sưu tập tranh được gom nhặt suốt cuộc đời người sáng lập, chủ nhân đầu tiên của quán  gần như vẫn còn vẹn nguyên. Đó là nỗ lực của những người ở lại, con cháu ông Nguyễn Văn Lâm.

Anh Tô Đại Dương, cháu đầu của ông Nguyễn Văn Lâm hiện là đại diện bộ sưu tập tranh Cafe Lâm tiếp tôi ngay tại quán. Nơi đây, bao nhiêu năm trước là chốn lui tới của nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi của nền nghệ thuật nước nhà, tiêu biểu là Bùi Xuân Phái. Năm 2013, tôi gặp bà Nguyễn Thị Sính, vợ của cố danh họa, bà kể: Bùi Xuân Phái “nghiền” cà phê, lương của ông chia đôi, bà giữ một nửa, còn một nửa đưa ông để ông đi uống cà phê, ăn bát bún thang… Triển lãm đầu tiên cũng là cuối cùng của Bùi Xuân Phái mở năm 1984, bà Nguyễn Thị Sính xác nhận, sau triển lãm, tranh ông Phái mới bán được và gia đình mới thoát nghèo. Từ câu chuyện này, có thể tạm suy luận, tranh của Bùi Xuân Phái nằm trong bộ sưu tập Cafe Lâm chủ yếu thuộc về những sáng tác trước năm 1984. Bà Sính kể, ông Phái có thói quen tặng tranh và một trong những người được tặng tranh chính là ông chủ Cafe Lâm. Thời buổi khó khăn, kinh tế eo hẹp, nên đôi lúc việc tặng tranh của Bùi Xuân Phái cho ông chủ Cafe Lâm còn mang nghĩa ngầm: Dùng tranh “gán nợ” tiền cà phê.  Tất cả đã được ông Nguyễn Văn Lâm ghi chép trong nhật ký. Đến nay anh Tô Đại Dương vẫn giữ được những cuốn nhật ký của ông ngoại để lại: “Khách quen uống cà phê không có tiền trả thì khất nợ. Mỗi khi khất nợ, chỗ ông Phái hoặc ông Sáng ngồi sẽ được đánh dấu bằng một gạch, cho đến tận mấy ô vuông… Có lẽ, các danh họa ngại nên tặng ông tôi bức tranh làm quà”.

Ông Nguyễn Văn Lâm khởi nghiệp bán cà phê bằng xe đẩy từ năm 1952. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở Hà Nội bán cà phê bằng xe đẩy. Vì dân công chức tới uống rất đông nên ông chủ cà phê  bằng xe đẩy bị nhắc nhở, đành quay về phố Hàng Vôi thuê địa điểm bán hàng ở đó. Một năm sau ông tích lũy được một khoản tiền nên về 60 Nguyễn Hữu Huân mua nhà, làm nên thương hiệu cà phê Lâm. Dù không dính dáng văn chương, nghệ thuật, song ông Lâm là một người có tầm nhìn xa trông rộng về văn hóa. Những bức tranh được các danh họa tặng hoặc “gán nợ” đều được ông giữ lại cẩn thận, dù thời đó tranh chưa có giá.  Đã vậy, ông còn cẩn thận ghi chép ngày, tháng, hoàn cảnh sở hữu các  bức tranh. Các cuộc gặp gỡ với văn nghệ sỹ nổi tiếng cũng được ông ghi lại.

Ông bà Lâm sinh được 7 người con, 4 con gái, 3 con trai. Gia tài nghệ thuật ông tích cóp được các con chung tay gìn giữ. Khi còn sống ông sưu tầm hơn 700 bức tranh, ngoài ra, ông còn là tay chơi cổ vật, đồ gốm sứ, các bản thảo sách. Hiện nay kho bản thảo của các nhà văn gia đình chưa thống kê được hết. Tất cả đều cất  trong tủ, niêm phong cẩn thận.

Người ta biết nhiều tới bộ sưu tập tranh Cafe Lâm chủ yếu ở tranh của Bùi Xuân Phái, song anh Tô Đại Dương khẳng định: Bộ sưu tập phong phú, gồm nhiều tên tuổi hàng đầu của hội họa Việt như Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng… Tình yêu nghệ thuật của ông Lâm rất đặc biệt.  Anh Tô Đại Dương kể một kỷ niệm được ông ngoại ghi trong nhật ký, đại khái câu chuyện như sau: Khi Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, các gia đình tư sản ở Hà Nội di tản. Một nhà tư sản ở Hàng Bông trước khi di tản muốn gửi gắm bức tranh quí, vì không thể mang theo. Họ biết ở Nguyễn Hữu Huân có ông Lâm cà phê yêu tranh nghệ thuật, nên gọi ông tới. Chủ cà phê Lâm thích quá, cho chở bức tranh về, đó là tác phẩm của Victor Tardieu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Lắm khi để “rinh” về một tác phẩm hội họa yêu thích, ông Lâm phải vét sạch tiền bạc trong nhà, thậm chí vay mượn thêm mới đủ trả cho người bán. 

Trong mắt đứa cháu lớn nhất, người từ bé sống với ông bà Lâm, anh Tô Đại Dương, thì ông ngoại Nguyễn Văn Lâm là người giản dị, ăn nói nhỏ nhẹ, theo đạo Phật, đêm rảnh thường chép kinh tặng các nhà chùa, chép bằng mực mài. Ông cũng hay đi làm từ thiện âm thầm. Và đặc biệt, chủ Cafe Lâm là người yêu sách, ham đọc sách đến độ vợ ông phải nhẹ nhàng nhắc chồng: “Mình ơi, gia đình mình có khi cái ăn còn chưa đủ…”.  Trong nhật ký có một đoạn ông Lâm viết về lí do sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Đó là khi Mỹ ngừng ném bom toàn miền Bắc: “Tôi cũng thở phào, ai hiểu nổi tôi, tôi có thể mất, không để mất kho tàng văn hóa nghệ thuật của dân tộc, đời sau hiểu tôi hơn”.

Sinh thời, ông Nguyễn Văn Lâm từng mang một phần trong kho tàng tranh của mình làm triển lãm ở một số nước châu Á, châu Âu. Năm 1998, ông sang triển lãm ở bảo tàng Picasso ở Paris, Pháp, gây tiếng vang trong giới mộ điệu. Sau này, ông có bán đi một số tác phẩm cho những người đặc biệt yêu thích hội họa. Nhưng không nhiều. Đến đời con cháu ông, anh Tô Đại Dương, đại diện bộ sưu tập tranh Cafe Lâm cũng có bán “vài bản ký họa hay những tranh mình không bảo quản được tốt mà người đam mê lại mong muốn có được, mình cũng chuyển giao. Nhưng mà ít thôi”. Năm 2020, kỷ niệm 90 năm ngày sinh ông Nguyễn Văn Lâm, anh Tô Đại Dương và gia đình đang suy nghĩ sẽ làm một điều gì đó thật ý nghĩa, có thể khán giả sẽ được chiêm ngưỡng một phần gia tài hội họa của một người lao động bình thường yêu nghệ thuật hiếm thấy trong lịch sử nước nhà.            

Gia tài tranh Cafe Lâm bây giờ ra sao? ảnh 1 Chân dung vợ ông Nguyễn Văn Lâm do họa sỹ Dương Bích Liên vẽ

Gia tài nghệ thuật ông tích cóp được các con chung tay gìn giữ. Khi còn sống ông sưu tầm hơn 700 bức tranh, ngoài ra, ông còn là tay chơi cổ vật, đồ gốm sứ, các bản thảo sách. Hiện nay kho bản thảo của các nhà văn gia đình chưa thống kê được hết. Tất cả đều cất  trong tủ, niêm phong cẩn thận. 

Gia tài tranh Cafe Lâm bây giờ ra sao? ảnh 2 Một trang nhật ký của ông Nguyễn Văn Lâm
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.