Giá mía đường cao, ai được lợi?

Giá mía đường cao, ai được lợi?
TPO- Vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VCSA) họp bàn giải pháp cho vụ mía đường sắp tới. Nhưng xem ra, ngành mía đường vẫn đang loay hoay chưa biết chọn lối nào…

Khoảng hai tháng qua, giá đường thế giới giảm rất mạnh, từ mức cao kỷ lục gần 800 USD/tấn hồi cuối năm ngoái, xuống chỉ còn 530 USD/tấn, giảm tới 30%. Theo đà giảm của giá đường thế giới, giá đường tinh luyện xuất xưởng tại các nhà máy cũng hạ xuống ở mức 14.000 - 15.000 đồng/kg, có nơi 16.000 đồng/kg. Song, đáng ngạc nhiên là giá đường bán lẻ trong nước vẫn ở mức cao, dao động từ 18.000 - 21.000 đồng/kg tùy loại.

Chủ một đại lý cấp một tại Hà Nội cho biết, giá đường bán buôn từ đại lý cấp một giảm khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg, song giá đường bán lẻ tới tay người tiêu dùng vẫn không giảm. Các đại lý tiêu thụ cũng cho hay, chưa hề nhận được điều chỉnh giá từ nhà cung cấp.

Khảo sát tại siêu thị Fivimart (Hà Nội), giá đường tinh luyện Biên Hòa đang ở mức 21.000 đồng/kg; giá đường Bourbon Tây Ninh 19.000 đồng/kg. Tại chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ, đường tinh luyện loại thường được bán với giá 18.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại.

Khi hỏi về nguyên nhân giá đường bán lẻ cao, chủ một đại lý cho rằng, do hàng đang bán nhập từ trước với giá cao nên chưa thể giảm ngay lập tức theo giá mới.

Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Cần Thơ (Casuco) cho rằng, không loại trừ các nhà máy đường nước ta đang bị “làm giá” bởi các nhà tài phiệt đầu cơ trên thị trường nông sản thế giới. Ngành đường trong nước đang bị rơi vào bẫy “ôm hàng”, do vậy các đại lý cung cấp đường chưa thể giảm giá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi đường xuất bán từ cổng nhà máy chế biến cho các công ty thương mại, đều phải qua các đại lý cấp 4, cấp 5 mới đến được tay người tiêu dùng.

Trên chặng đường đi đó, mỗi kilogam đường bị đẩy giá lên từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Các nhà phân phối, siêu thị muốn mua trực tiếp tại các nhà máy để giảm bớt khâu trung gian, nhưng không mua được.

Còn nhớ, tại thời điểm giá đường trong nước bắt đầu tăng cao (tháng 12 - 2009), Tiến sĩ Hà Hữu Phái, Tổng thư ký VCSA từng khẳng định, giá đường tăng cao hoàn toàn không phải do nguồn cung khan hiếm, mà do tác động của nhiều yếu tố như giá mía nguyên liệu, giá xăng dầu tăng và giá đường thế giới tăng. Trong đó, giá mía nguyên liệu là yếu tố chính đẩy giá đường lên cao.

Ông Phái cho biết thêm: “Mặc dù giá đường cao, nhưng các doanh nghiệp sản xuất đường vẫn không được lợi nhiều, vì các nhà máy đường đang bị thương lái cung cấp mía ép giá. Một số nhà máy đường đang điêu đứng vì không mua được nguyên liệu, chứ chẳng sung sướng gì đâu!”.

Cứ theo VCSA, các nhà máy đường đã không có lợi, vậy hẳn nông dân trồng mía sẽ phát tài? Nhưng thực tế không phải như vậy, hầu hết nông dân nước ta đã thu hoạch mía và bán dứt điểm cho nhà máy từ đầu vụ sản xuất đường, tức là vào khoảng giữa tháng 9 - 10 năm ngoái, khi thị trường đường thường có mức giá thấp với công thức quy đổi giá sàn một tấn mía tương đương 60kg đường theo giá bán buôn của nhà máy.

Người tiêu dùng băn khoăn ở chỗ, giờ đang là chính vụ sản xuất mía đường – thời điểm nguồn hàng cung cấp dồi dào nhất thì theo lẽ thường, giá đường phải giảm. Vậy vì sao giá đường bán lẻ trong nước vẫn cao, ai được lợi từ mức giá nghịch lý này?

Phải chăng các nhà máy đường đang cố tình giữ giá để thu lợi nhuận cao hay tại hệ thống bán lẻ “ăn quá dày”?

Tiền vào túi ai?

Do giá đường trong nước cao đã tạo cơ hội cho đường nhập lậu từ Thái Lan tràn vào. Bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Công ty Mía đường Long Mỹ Phát (Cần Thơ) cho biết, hiện giá đường nhập lậu từ Thái Lan quy đổi chỉ ở mức 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Theo phân tích của một số chuyên gia, khi giá đường thế giới tăng cao, các đại lý đã tranh thủ “ôm” hàng để tạo sự khan hiếm, nâng giá trục lợi, khiến giá mía nguyên liệu mua vào tại cổng nhà máy tăng cao.

Đây chính là lý do vì sao các nhà máy chế biến thực phẩm, công ty sản xuất bánh kẹo điêu đứng, người tiêu dùng phải mua đường với giá cao chót vót và cũng là nguyên nhân buộc Chính phủ phải can thiệp, cho nhập khẩu đường.

Song, giờ giá đường thế giới giảm, dẫn đến tình trạng giao dịch, buôn bán đường trên thị trường gần như ngưng trệ, không đại lý nào chịu mua vào lượng đường mới. Lượng mía nguyên liệu cuối vụ cũng theo đó mà rớt giá.

Rõ ràng, diễn biến này là vòng luẩn quẩn của ngành mía đường bao năm nay. Cuối cùng, sự thiệt thòi vẫn rơi lên đôi vai vốn đã nặng gánh của nông dân và người tiêu dùng, còn phần lợi nhuận lớn nhất thì nằm trong tay các đại lý.

Một cán bộ Bộ Công Thương cho biết, ngành đường trong nước đang bị các đại lý tiêu thụ đường “thao túng” giá cả, từ đó họ khống chế cả hoạt động sản xuất của mỗi nhà máy. Nếu doanh nghiệp nào không tuân theo “luật” bất thành văn này, sẽ khó mà tiêu thụ được sản phẩm. Chính vì thế, các doanh nghiệp phân phối dù có muốn mua đường tại cổng nhà máy cũng khó, vì các nhà máy phải thực hiện cam kết với các chủ đại lý.

Tiến sĩ Hà Hữu Phái cũng thừa nhận, đây là tình trạng có thật. Ông Phái bày tỏ: “Biết bao cuộc họp, hội thảo người ta nói quá nhiều về ngành đường và kiến nghị các giải pháp. Nhưng có thể ví ngành đường như một “con voi” mà mỗi chuyên gia bên ngoài ngành chỉ có thể “sờ” được một tí thôi. Còn bí mật bên trong thì người trong ngành đường chẳng ai dám nói, vì nếu nhà máy nào dám nói ra là sẽ bị hệ thống đại lý tiêu thụ đường tẩy chay ngay”.

Điều này lý giải vì sao bao nhiêu năm qua, chưa có nhà máy chế biến đường của nước ta thành lập được hệ thống đại lý của riêng mình. Thực tế lâu nay, trong thế giới “ngầm” của ngành mía đường đã hình thành một chuỗi đại lý tiêu thụ chuyên thâu tóm mọi đầu ra của các nhà máy.

Hệ thống này ăn chia tỷ lệ hoa hồng với nhau và cam kết mua của các nhà máy với mức giá phải chăng, cũng như tiêu thụ toàn bộ nguồn hàng, dẫn đến giá đường trong nước bị chi phối theo tỷ lệ ăn chia này.

Vấn đề là hiện nay, mỗi cấp đại lý đều đang “ôm” một lượng đường nhất định và đều ở mức giá rất cao, có khi lên đến 18.000 - 19.000 đồng/kg nên các đại lý hầu như đều chưa muốn giảm giá. Nếu giảm giá theo giá đường thế giới thì hai tháng qua, các đại lý cấp một phải lỗ tới vài triệu đồng/tấn.

MỚI - NÓNG