Bán 1.300 con, lỗ 1,3 tỷ đồng
Chị Nguyễn Thị Thùy Nguyên (thôn 18, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho hay, giá lợn hơi bắt đầu giảm dần từ tháng 7/2021. Thời điểm đó, chị xuất 300 con (mỗi con khoảng 1,1 tạ) với giá từ 54-55 nghìn đồng/kg lợn hơi. Mức giá này chị vẫn lỗ khoảng 800 nghìn đồng/con vì chi phí đầu vào khá cao (lợn giống trên 3 triệu đồng/con; cám tăng 80 nghìn đồng/bao).
Cách đây vài ngày, chị Nguyên xuất tiếp đàn lợn với giá còn thấp hơn, chỉ 36 nghìn đồng/kg hơi. Từ tháng 7 đến nay, chị Nguyên bán ra thị trường hơn 1.300 con lợn, lỗ trên 1,3 tỷ đồng.
Người chăn nuôi lợn luôn đối mặt với rủi ro về giá và dịch bệnh |
“Chỗ tôi còn có người bán với giá 26 nghìn đồng/kg lợn hơi. Hơn 10 năm chăn nuôi, lần đầu tôi thấy giá lợn giảm quá sâu như vậy. Những người mới đầu tư nuôi trong năm nay còn lỗ nặng hơn nữa”, chị Nguyên nói. Trước đây, chị Nguyên chỉ nuôi quy mô nhỏ, vài trăm con/năm; năm 2020 chị đầu tư cả tỷ đồng vào hệ thống chuồng lạnh khép kín, mở rộng đàn trên 1.000 con.
“Tôi xác định gắn bó lâu dài với nghề nuôi lợn nên giá giảm vẫn tái đàn. Hy vọng từ đây đến cuối năm, sức tiêu thụ cao, giá lợn sẽ tăng trở lại để bù lại đợt lỗ vừa qua. Người chăn nuôi lỗ hay lời phụ thuộc vào chi phí đầu vào (lợn giống và giá thức ăn). Do đó, tôi mong các bộ và ngành chăn nuôi có giải pháp bình ổn giá lợn thịt cũng như giá thức ăn để người chăn nuôi sống được với nghề”, chị Nguyên kiến nghị.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi Cục trưởng Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại với giá xuất chuồng của các công ty đã đạt 45- 46 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, theo các thương lái thì giá lợn hơi của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng chỉ tăng từ 1-2 ngàn đồng/kg.
Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lợn, anh Lê Duy Mến (thôn 12, Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột) cho hay, sợ nhất là dịch bệnh. Năm 2018, anh Mến từng trắng tay khi 120 con lợn nái, 400 lợn con cùng lợn thịt bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Anh bị thiệt hại trên 2 tỷ đồng, may được Nhà nước hỗ trợ 800 triệu đồng giúp anh gây dựng lại. Dẫu vậy, rủi ro dịch bệnh luôn đeo bám người chăn nuôi. Cách đây 2 tháng dịch tả lợn châu Phi quay trở lại, gia đình anh phải tiêu hủy 10 con lợn nái và 150 con siêu nạc, lỗ gần 400 triệu đồng. Vận đen chưa dứt, anh tiếp tục lỗ gần 500 triệu đồng khi xuất chuồng đàn lợn 500 con nuôi tại trại ở huyện Cư M’gar.
“Giá giảm thì người chăn nuôi vẫn chưa mất trắng bằng dịch bệnh. Vắc xin dịch tả lợn châu Phi chưa có, trong khi dịch lây rất nhanh. Gia đình tôi đầu tư chuồng trại khép kín, nhưng nếu lợn của những hộ xung quanh bị dịch, đàn lợn nhà tôi dễ bị uy hiếp. Khi phát hiện dịch bệnh, chúng tôi phải tiêu hủy hết số lợn cùng chuồng, thiệt hại rất lớn”, anh Mến thông tin.
Sau khi lỗ gần 1 tỷ đồng, anh Mến tạm dừng tái đàn. Điều anh lo nhất là lợn ngoại được nhập về nhiều khiến nguồn cung dư thừa.
Đắk Lắk là địa phương đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành có số đàn lợn lớn nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 860.000 con lợn; trong đó 23% của các công ty chăn nuôi, còn lại nuôi trong hộ dân. Theo khảo sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, hôm qua giá thịt lợn hơi đã quay đầu tăng lại 46-47 nghìn đồng/kg.
Thu hồi được nửa vốn
Đồng Nai, một trong những địa chỉ cung cấp thịt lợn cho vùng Đông Nam Bộ và TPHCM, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn. Đàn lợn hàng chục con trong chuồng của bà Lê Thị Thúy ở xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc đã quá lứa xuất chuồng cả tháng nay khi mỗi con đều hơn 100kg.
Bà Thúy cho hay, trong thời gian giãn cách xã hội không thể bán được, đến nay thì thương lái chê lợn mỡ và trả giá chỉ… 38 ngàn đồng/kg. “Đầu tư con giống đắt, thức ăn chăn nuôi cao nhưng với giá bán này thì chỉ thu được gần 50% vốn đầu tư”- bà Thúy buồn rầu.
Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã làm bà Thúy lỗ hàng trăm triệu đồng tiền đầu tư vì đàn lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy. “Treo chuồng” cả năm vì hết vốn, vệ sinh chuồng trại theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi, đến nay, bà Thúy và các hộ mới đầu tư trở lại thì lứa xuất bán đầu tiên lỗ nặng.
Ông Nguyễn Văn Dẫn, chủ trang trại lợn ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu cho biết, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải mua lợn giống giá cao, giá thức ăn thời gian qua cũng ngất ngưởng khiến giá thành 1kg lợn hơi có khi lên 60-65 ngàn đồng/kg. Với giá bán hiện nay, người chăn nuôi có thể thua lỗ đến 30 ngàn đồng/kg lợn hơi. Với các trang trại chăn nuôi lớn tự sản xuất được con giống, giá lợn hơi bán ra cũng đang dưới giá thành sản xuất khoảng 20 ngàn đồng/kg.
Thịt heo giá rẻ bày bán ở lề đường tại Đồng Nai |
Giá giảm hơn một nửa
Chưa bao giờ người tiêu dùng ở Đồng Nai “bội thực” với thịt lợn như những ngày qua. Ngay tại các tuyến đường ở TP Biên Hoà, thịt lợn được bày bán tràn lan với giá chỉ còn 50 đến 60 ngàn đồng/kg.
Chị Hoàng Thị Em ở phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) cho hay, thời điểm giãn cách xã hội, thịt lợn có giá 180 ngàn/kg, sườn lợn 240 ngàn đồng/kg thì nay giá còn chưa đến một nửa. “Thịt lợn giá quá rẻ, nên rất dễ mua. Có thể nói, giá thịt lợn giờ chỉ ngang giá rau”- chị Em so sánh.
Chợ Trảng tại khu phố 4, phường Trảng Dài mới được mở lại sau giãn cách nên có hàng chục điểm bán thịt lợn. Tại đây, thịt bày dưới đất hoặc trên xe ba gác, được người bán rao là “lợn sạch”, “lợn giá rẻ” với giá 50 ngàn đồng/kg…
Trước dịch, anh Tùng, một người buôn trái cây trên xe ba gác nhưng gần 2 tháng nay anh chuyển theo nghề mổ lợn bán. Có người thân nuôi lợn ở quê mùa dịch không bán được, anh Tùng mua rồi mổ đưa lên TP Biên Hòa bán rong, có ngày anh mổ bán 4- 5 con.
Mạnh Thắng