Bán nhà cũng không hết nợ
Chúng tôi bị sốc khi về lại huyện Chư Pưh. Trước kia, nơi đây trải dài những vườn hồ tiêu bạt ngàn xanh mướt, mỗi vườn thường xuyên có nhiều nhân công vạch từng chiếc lá chăm sóc. Bây giờ, trước mắt bạt ngàn hàng nghìn ha xám xịt xác dây hồ tiêu chết khô cuốn vào trụ. Cùng với đó là vô số biển treo “bán nhà” ở các thôn xã.
Ông Mai Liệu (SN 1936, thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, Chư Pưh) có 9 người con, tất cả đang trong tình trạng nợ xấu ngân hàng do vay tiền đầu tư vào 15 ha hồ tiêu. Trong đó, 2 người đã phải bán nhà, bán đất trả nợ ngân hàng nhưng vẫn còn nợ nhiều khoản vay khác bên ngoài. 7 người còn lại, tuy chưa phải bán nhà nhưng 15 đứa con của họ đa phần nghỉ học từ lớp 8 đi làm thuê, giúp cha mẹ trả nợ.
“Người dân trồng tiêu xã này phải nhổ cả trụ gỗ lên bán với giá 40 nghìn đồng lấy tiền sinh hoạt, trong khi trước kia mỗi trụ giá 250 nghìn đồng. Có người nhổ cả rễ tiêu đi bán cho thương lái Trung Quốc”- Ông Liệu buồn rầu.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ) là đầu mối thu mua, đầu tư nông sản ở địa phương. Chị Thúy chia sẻ, chỉ tính riêng xã Ia Blứ đã có 70 hộ dân nợ chị tổng cộng hơn 3 tỷ đồng, hầu như đều mất khả năng trả nợ. Giờ chỉ mong các hộ dân này sớm thoát nghèo để lấy lại số tiền gốc.
Ông Phan Văn Linh- Chủ tịch UBND xã Ia Blá cho biết: Cây hồ tiêu chết hàng loạt từ năm 2016-2017 do bệnh chết nhanh, chết chậm với tổng diện tích toàn xã hơn 400 ha. Năm hồ tiêu giá cao, trên 70% trên tổng số 1.466 hộ dân cả xã đã vay tới 200 tỷ đồng để đầu tư vào hồ tiêu.
“Trước kia người dân trúng vụ tiêu, gia đình nào kinh tế cũng khá. Thấy vậy, người dân lấy toàn bộ số tiền tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích, thuê nhân công với giá cao. Họ lấy toàn bộ số tiền hiện có và vay thêm ngân hàng để đầu tư vào cây tiêu. Giờ thì 979 người phải đi TP.HCM làm thuê để trả nợ rồi. Đó là chưa kể những người đi làm thuê rồi ở lại luôn bên những vùng lân cận”- Ông Linh trăn trở.
Trao đổi với Tiền Phong, chánh văn phòng UBND huyện Chư Pưh Phạm Đức Ngọc cho biết tổng diện tích tiêu chết trên toàn huyện Chư Pưh là 870 ha. Chính quyền huyện đã nhận rất nhiều đơn của người dân xin được giãn nợ, giảm lãi hoặc tiếp tục cho vay vốn để có điều kiện khôi phục sản xuất.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Gia Lai đang chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp hỗ trợ người dân cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vay. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, các ngân hàng thương mại chưa có kế hoạch phối hợp.
“Tình cảnh hiện tại rất cần có sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân, giúp họ vượt qua khó khăn, cố gắng tái sản xuất, ổn định đời sống”- Ông Ngọc nói.