Giá gạo tiếp tục giảm

Giá gạo tiếp tục giảm
Ngày 29/4, giá gạo tiếp tục giảm thêm nhưng nhiều người vẫn mong muốn giá gạo giảm hơn nữa...  Gạo ê hề trên thị trường nhưng giá còn khá cao. Người dân vẫn cần rất nhiều điểm bán gạo theo giá thấp, vì vậy họ kiên nhẫn xếp hàng ở các siêu thị.

Ngày 29/4, tại TP.HCM, giá gạo tiếp tục giảm thêm 2.000-3.000đ/kg so với ngày 28/4, nhưng so với những ngày trước khi xảy ra cơn sốt gạo, giá vẫn còn cao hơn 5.000-6.000đ/kg.

Tại chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu (Q.5), lượng gạo về chợ chỉ còn 150-160 tấn/ngày, giảm do ít người mua. Tại các chợ nhỏ hoạt động mua bán gạo đã trở lại bình thường, có niêm yết. Giá gạo thấp nhất 11.000đ/kg, gạo đặc sản 17.000đ/kg.

Trong ngày 29/4, người dân vẫn xếp hàng mua gạo ở siêu thị vì giá bán nơi đây rẻ hơn nhiều so với các điểm bán ở chợ. Hệ thống siêu thị Co.op Mart không còn hạn chế số lượng mua, giá gạo vẫn giữ như cũ 10.780 đồng/kg gạo trắng hạt dài. Do nhu cầu mua lớn nên nhân viên của siêu thị đóng gói gạo vào các bao xốp với trọng lượng 5kg/bịch.

Theo báo cáo nhanh của ban quản lý thị trường các quận, huyện, đến chiều 29/4 thị trường gạo đã trở lại bình thường.

Tại Bình Dương sáng 29/4, hầu hết giá gạo tại các chợ và đại lý đã trở lại bình thường, người dân không còn mua gạo để tích trữ như vài ngày trước.

Tuy nhiên tại một số điểm bán lẻ, giá gạo vẫn còn cao hơn 1.000-3.000đ/kg so với tuần trước. Tỉnh đang chú trọng vào việc cung ứng loại gạo 25% (gạo trắng nở) bởi nhu cầu mua loại gạo này của công nhân lao động rất lớn.

Nhiều nơi giá gạo đang dần về mức cũ

Ngày 29/4, giá gạo tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đồng loạt giảm. Người mua thưa thớt hẳn. Tại chợ Mơ, các tiểu thương kháo nhau về chuyện các kho gạo dự trữ của Nhà nước sẽ được mở cửa bán giá thấp nên các cửa hàng gạo bỗng trở nên ế ẩm.

Giá gạo tiếp tục giảm ảnh 1
Niềm vui mua được gạo đúng giá. Ảnh: T.C.N. - Tuổi Trẻ

Đem gạo đến tận tay công nhân

Lúc 17h ngày 29/4, đội bán gạo lưu động góp phần bình ổn thị trường do Đoàn thanh niên các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM phối hợp với Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM đã đến Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) bán 2 tấn gạo tận tay công nhân.

Với thẻ công nhân, mỗi người được mua tối đa 10kg gạo với giá 11.300đ/kg. Đội bán gạo lưu động sẽ lần lượt có mặt tại các khu công nghiệp Tân Tạo, Tân Bình, Linh Xuân và Vĩnh Lộc để bán gạo trực tiếp cho công nhân.

Trong ngày 29/4, đội bán hàng lưu động của Saigon Co.op đã thực hiện sáu chuyến bán hàng lưu động tại năm điểm trên địa bàn TP.

Theo bà Quỳnh Chi - phó giám đốc Saigon Co.op, lịch bán hàng lưu động sẽ diễn ra trong năm ngày từ 29/4 đến 3/5, mỗi ngày năm điểm, dự kiến bao gồm 20 xã vùng sâu vùng xa và năm KCX-KCN thuộc TP nhằm đưa gạo tới tận tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, hơn 40 tấn gạo đã được chuyển đến hệ thống 63 cửa hàng Saigon Co.op thông qua các HTX thành viên tại các quận huyện của TP và nhiều điểm bán tỏa khắp các khu dân cư.

Saigon Co.op cho biết đảm bảo mỗi ngày sẽ có khoảng 500 tấn gạo được rót vào các siêu thị trong hệ thống Co.op Mart.

Chị Hồng, cửa hàng gạo chợ Mơ, cho biết: "Sau hai ngày bán hàng dồn dập dù giá tăng cao, đến hôm nay đã thưa thớt người mua và giá trở lại mức một tuần trước đây. Gạo loại trung bình có giá 11.000-13.500đ/kg. Gạo tẻ thơm, gạo tám các loại cũng giảm xuống ở mức 16.000-17.000đ/kg".

Tình trạng vắng vẻ cũng phổ biến ở hầu hết các chợ, cửa hàng gạo trên địa bàn Hà Nội.

Do không tăng giá theo thị trường nên gạo tại các siêu thị ở Hà Nội tạm thời hết. Các siêu thị cũng là địa chỉ vẫn còn nhiều khách hàng tìm hỏi mua vì giá cả không thay đổi.

Đại diện siêu thị Intimex cho biết siêu thị sẽ nhập gạo trong 1-2 ngày tới và vẫn giữ nguyên mức giá cũ.

Tại TP Cần Thơ, hai ngày qua giá gạo liên tục giảm mạnh. Gạo đông xuân mấy hôm trước không có hàng thì hai ngày qua được các nhà máy chào bán với giá 10.500đ/kg.

Bán chạy nhất tại các sạp là loại gạo mới (đông xuân) với giá 11.000đ/kg. Tuy nhiên, các tiểu thương cho biết giá này vẫn còn cao hơn so với thời điểm bình thường trước đây.

Ông Đỗ Văn Dũng - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Cần Thơ -  cho biết ngày 29-4 giá gạo đã giảm bình quân 5.000đ/kg so với ngày 27/4 nhưng vẫn còn cao so với lúc chưa tăng.

Duy trì nguồn cung dồi dào kéo giá giảm thêm

Sáng 29/4, tại cuộc họp thường kỳ về xuất khẩu gạo, ông Trương Thanh Phong - chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN - cho biết đến hết ngày 29/4 đã cung ứng cho TP.HCM 2.000 tấn gạo, gần đạt một nửa so với con số dự kiến 4.700 tấn.

Hiện Tổng công ty Lương thực miền Nam có nguồn hàng dự phòng 9.000 tấn gạo ở kho của Xí nghiệp lương thực Sài Gòn - Satake (Bình Chánh), có thể chủ động và nhanh chóng cung cấp cho nhu cầu của thị trường TP.HCM trong những ngày tới.

Với nhu cầu của thị trường TP.HCM chỉ vào khoảng 200 tấn/ngày, trong khi nguồn cung gạo khá lớn, giá gạo tại thị trường tự do sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Giám đốc một doanh nghiệp cũng cho rằng giá gạo ngoài thị trường tự do có thể chưa giảm mạnh và trở về mức giá trước thời điểm sốt, do một số người kinh doanh đã mua gạo ở giá cao và còn đang nghe ngóng. Tuy nhiên, với nguồn hàng dồi dào, người tiêu dùng quay lưng với những điểm bán gạo giá cao, chắc chắn giá sẽ phải giảm.

Các doanh nghiệp đề nghị cần phải xây dựng hệ thống phân phối vì đợt biến động vừa rồi có nguyên nhân từ khâu phân phối.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần:

Gạo đủ ăn, còn dư để xuất khẩu 4,5 triệu tấn

"Nếu không có thiên tai phức tạp, năm 2008 chúng ta có thể đạt và vượt mốc 36 triệu tấn lúa như kế hoạch đề ra, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định với báo chí hôm 29/4.

Theo tính toán, năm 2008 cả nước sản xuất 36,55 triệu tấn lúa. Nhu cầu cho tiêu dùng trong nước khoảng 27,8 triệu tấn (gồm để làm giống khoảng 1 triệu tấn, để ăn 21 triệu tấn, hao hụt và chăn nuôi khoảng 5,8 triệu tấn).

Sau khi trừ tiêu dùng nội địa, lúa hàng hóa dành cho xuất khẩu còn khoảng 8,75 triệu tấn (tương đương 4,5 triệu tấn gạo).

Định hướng của Thủ tướng Chính phủ về xuất khẩu gạo năm 2008 từ 3,5-4 triệu tấn là mức an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, tính hết tháng 4/2008, xuất khẩu gạo đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Vì vậy, lượng gạo hàng hóa còn lại trong nước vào thời điểm hiện nay khoảng 1,23 triệu tấn.

Được biết năm 2007, sản lượng lúa cả nước đạt 35,87 triệu tấn, trừ chi dùng cho trong nước 27,5 triệu tấn, lúa hàng hóa còn lại khoảng 8,37 triệu tấn (tương đương 4,6 triệu tấn gạo).

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".