Gia đình là . |
Khi nói đến chữ tạm bợ, anh phải hiểu là anh đang trả giá chứ không hưởng được gì trong đó. Tạm bợ không phải tính theo thời gian, ở bao lâu. Ở một ngày mà hưởng trọn vẹn một ngày thì cũng giống như anh ở vĩnh cữu. Ở mười năm mà không hưởng được gì chẳng khác nào anh ở trong địa ngục.
Cho nên, quý vị phải hiểu cho sâu sắc khái niệm ở tạm hay không ở tạm. Nói thế giới này, gia đình này, quốc gia này là tạm bợ là cách nói thiếu ý thức sâu sắc về việc thụ hưởng hạnh phúc sâu thẳm khi chúng ta làm người. Nếu chúng ta có cơ hội thụ hưởng hạnh phúc sâu thẳm của cuộc sống con người, khái niệm tạm bợ không thể hình thành được.
Sống trọn vẹn với thực tại sẽ không thấy cuộc sống là tạm bợ và ngược lại
Người mẹ chồng mong chờ con dâu đối xử với mình cho mình vui sướng, chờ đợi cả đời không bao giờ thấy nên sống tạm bợ. Người con dâu mong chờ mẹ chồng cư xử cho mình vui sướng, chờ hoài không thấy nên sống tạm bợ. Người chồng chờ người vợ, người vợ cũng vậy, chờ mãi cũng không thấy gì nên cũng sống tạm bợ.
Đúng ra cuộc sống này không có gì là tạm bợ. Một giờ trôi qua mà anh sống trọn vẹn một giờ ấy thì làm sao tạm bợ? Anh bắt người ta thỏa mãn cho anh nên những ý tưởng, khái niệm, hình ảnh tạm bợ mới xuất hiện trong đầu óc anh. Khái niệm tạm bợ ấy sẽ sinh ra những đánh giá, những suy nghĩ tiêu cực và dẫn anh đến những cách thức đối phó thủ đoạn.
Khi anh suy nghĩ tiêu cực và đối phó thủ đoạn với người khác thì anh là người hoàn toàn thiệt hại trước nhất. Người mẹ chồng muốn áp đặt ý kiến, ý nghĩ, kinh nghiệm của mình lên người con dâu thì người mẹ chồng là người đầu tiên gánh lấy hậu quả. Tiếp đó là con dâu, con trai, cháu nội lần lượt lãnh sau. Người chồng hay vợ cũng vậy, anh muốn áp đặt ý muốn của anh lên người khác thì anh chắc chắn là người lãnh hậu quả trước.
Tôn trọng đời sống riêng thiêng liêng của mỗi người
Chồng cũng như vợ, mẹ chồng cũng như nàng dâu, cố gắng sống chân thật với nhau, muốn cái gì thì nói ra cái đó, không ai ép ai được. Thời buổi này chúng ta không thể dựa dẫm vào truyền thống tâm linh, quyền lực chính trị hay quyền lực kinh tế để ép người khác được. Chúng ta không thể dựa dẫm vào tuổi tác hay vị trí làm cha làm mẹ để ép con cái hay con dâu được. Phải tôn trọng sự tự do của mỗi người.
Mỗi người có đời sống riêng mà người khác phải tôn trọng. Trong đời sống riêng ấy có đời sống tâm linh tinh thần và đời sống vật chất hình tướng. Đời sống vật chất hình tướng gồm có các mối quan hệ xã giao, bạn bè, nhà cửa, việc làm, những quan niệm, triết lý sống…
Đời sống về tâm linh cao nhất là sự bình yên của tâm hồn. Cả hai đời sống hình tướng và tâm linh ấy là đời sống riêng thiêng liêng của mỗi người mà người khác không được đụng đến. Dù anh làm cha, làm mẹ cũng không được đụng đến bởi vì con người mà anh sinh ra đó, nó đã có đời sống riêng, anh phải tôn trọng nó, huống hồ chi con dâu hay con rể. Còn sự đối xử tốt với nhau đó là tự nguyện, là nhân cách làm người chứ không phải sự bắt buộc.
Ví dụ, mẹ chồng không thể đem con trai ra để ép nàng dâu, cũng đừng quá thương con trai mà cư xử đối với con dâu giống như kẻ nô lệ. Người đàn ông cũng không quá dại dột mà đánh giá mẹ mình hơn vợ mình hay ngược lại, bởi vì mỗi người có một vị trí riêng, sự thiêng liêng riêng, không thể so sánh. «Tôi có thể có vợ khác chứ không có mẹ khác» là kiểu nói chuyện hồ đồ.
Mỗi thứ tình cảm, mỗi một quan hệ đều có giá trị thiêng liêng riêng của nó. Do đó, trong cách cư xử phải lấy nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng đời sống riêng của mỗi người làm trọng. Không ai hơn ai, mỗi người có một vị trí thiêng liêng riêng, chúng ta không để cho đời sống tâm lý, kinh nghiệm chi phối cái nhìn của chúng ta đối với người khác hay áp đặt lên cuộc sống riêng tư của người khác.
Mỗi người có đời sống tự do trong tâm linh của họ, điều ấy rất sâu thẳm. Ngay như bây giờ, tôi đang phụng sự cho quý vị, đời sống tâm linh sâu thẳm của tôi là sự thanh thản nhất của tâm hồn, là niềm vui riêng khi tôi thấy quý vị vui, có nhiều tiền, có nhà cửa sang trọng, có đời sống gia đình tốt đẹp, có công ăn việc làm tốt. Lúc nào tôi cũng cầu mong như vậy. Quý vị phải hưởng trọn vẹn cuộc sống làm người của quý vị. Thế giới này không có một chút gì là tạm bợ hết cho nên phải sống đàng hoàng.
Không nhất thiết phải ràng buộc với nhau về mặt hình thức hay tất cả mọi người ở chung trong một nhà thì mới gọi là gia đình. Chúng ta hãy mở rộng và phát triển khái niệm hạnh phúc gia đình qua đời sống vô tướng - đời sống tâm linh, để đời sống hình thức không trói buộc đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh là đời sống giá trị nhất, sâu thẳm nhất, quyết định nhất, thiêng liêng nhất trong mỗi con người chúng ta.
Cha mẹ và con cái
Vấn đề cấp bách cần làm để giải quyết vấn đề giáo dục gia đình là các bậc cha mẹ phải tăng cường thời gian gần gũi với con cái. Không vì niềm vui riêng, lý do làm ăn mà dành thời gian cho con cái quá ít hoặc không chịu đầu tư đầu óc của mình để giáo dục con cái. Quý vị nào đã có con thì phải cố gắng dành thời gian chia sẻ nhiều hơn với con cái, dẫn con đi chơi, gần gũi, làm bạn với con và tôn trọng đời sống của nó. Bây giờ xã hội phỉnh phờ lừa gạt nhiều quá, mình sơ suất một chút là mất con.
Cha mẹ cần phải lắng nghe, quan tâm, không áp đặt mệnh lệnh mà phải tôn trọng đời sống riêng, sự suy tư của con cái. Không thể nói con cái suy tư, hay ý thức kém hơn mình. Hãy tôn trọng, nâng niu những suy nghĩ tốt của chúng.
Sinh ra một đứa con là tạo ra một vũ trụ, tạo ra sự linh thiêng. Phải tôn trọng đầu óc của nó, không được nóng ruột, đánh đập, mắng chửi, lớn tiếng. Phải khen con nhiều, nếu xử phạt con cái cũng xử phạt trong tình yêu chứ không xử phạt trong sự nóng giận.
Cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn, không được nóng ruột. Lời nói hay đòn roi không chuyển hóa được con cái nhưng tấm gương, cách sống của cha mẹ sẽ chuyển hóa được.
Cư xử ngoại giao, lịch thiệp trước mặt con cái
Vì lợi ích bình an và tốt đẹp cho con cái, mình phải có cách cư xử vừa lịch sự vừa ngoại giao với cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ. Cư xử ngoại giao thì không lệ thuộc, liên quan gì đến việc anh bằng lòng hay không bằng lòng. Đã là ngoại giao, tức là anh bằng lòng hay không bằng lòng thì anh cũng ngoại giao.
Cách anh cư xử với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ phải hết sức lịch thiệp, ngoại giao. Không được cau có, tỏ ra bất bình cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ trước mặt con cái của mình. Vì làm như vậy là giết chết con cái của mình. Quý vị có chửi nhau, hơn thua nhau giữa hai vợ chồng cũng không được để con cái trông thấy.
Thậm chí trong việc làm ăn đôi khi có những thu nhập không chính đáng cũng không để cho con cái mình thấy hoặc biết. Trừ khi quý vị có việc làm chính đáng thì hãy để con cái tham gia từ nhỏ, tập cho con làm và trả công cho con để nó biết giá trị của đồng tiền.
Không để dòng họ ảnh hưởng vào cuộc sống vợ chồng
Trong vấn đề hạnh phúc gia đình, cả chồng lẫn vợ phải hết sức công bằng với nhau. Người vợ không được xem phía gia đình mình quan trọng hơn phía gia đình chồng và ngược lại. Chuyện bà con dòng họ hai bên là mối quan hệ thân thuộc, không được để nó ảnh hưởng đến cuộc sống chồng vợ. Quý vị không thể đem cả dòng họ của mình vào cuộc sống chồng vợ được.
Quí vị phải hết sức tỉnh táo để xem xét lại yếu tố nào làm mất hạnh phúc giữa hai vợ chồng và con cái. Do hai vợ chồng chưa thông cảm với nhau, hay do phía bên chồng, cha mẹ chồng đứng sau lưng chồng giật dây; cha mẹ vợ, dòng họ vợ đứng sau lưng vợ giật dây, rồi dòng họ vợ đứng sau lưng vợ giật dây chẳng hạn. Quí vị phải xem lại hết yếu tố nào ảnh hưởng đến hạnh phúc hai vợ chồng. Từ đó mình mới biết cách xử lý và từ đây về sau mình cảnh giác.
Gia đình là nhà trường, là cái nôi giáo dục đầu tiên cho đời sống tinh thần của chúng ta, từ đó chúng ta đi vào đời sống xã hội. Gia đình cũng là nơi bắt nguồn của tình yêu, của văn hóa, của nhân cách và cũng là nguồn căn bản nhất cho mỗi người xây dựng sự nghiệp của mình. |
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199) |