Gia đình GS. Từ Giấy: “Hổ phụ sinh hổ tử”

Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn trước khi đánh sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975 (phi công Từ Đễ thứ 3 từ trái qua phải).
Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn trước khi đánh sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975 (phi công Từ Đễ thứ 3 từ trái qua phải).
Trong những ngày tháng Mười này, đại gia đình cố Giáo sư Từ Giấy nhận thêm một tin vui: Đại tá phi công Từ Đễ, người con trai trưởng của gia đình được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ. Một gia đình mà cả hai thế hệ đều được phong Anh hùng là điều “xưa nay hiếm”…

Gia đình hai thế hệ anh hùng…

Nhận được tin Đại tá phi công Từ Đễ, nguyên Phó Cục trưởng cục Quân huấn QĐNDVN, người phi công huyền thoại trong phi đội bay Quyết Thắng vừa được Chủ Tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, chúng tôi đã liên hệ với Thiếu tướng Từ Linh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin KHQS-Bộ Quốc phòng, người em của ông để chúc mừng gia đình. Thiếu tướng Từ Linh xúc động chia sẻ giản dị rằng: “Gia đình tôi nhận được tin này vào đúng ngày 10 tháng 10, ngày sinh nhật của bố tôi (GS Từ Giấy). Nếu còn sống, chắc cụ mừng lắm…”

Chuyện về GS Từ Giấy thì chắc nhiều người đã biết và chắc rằng nhiều thế hệ người Việt vẫn còn tâm trạng “chịu ơn” ông. Những phong lương khô N70, N71 để lại cho một thế hệ người Việt trận mạc bao mến nhớ; rồi cả một thời bao cấp cam khó cho đến tận bây giờ, mô hình VAC (Vườn Ao Chuồng) đã “cứu đói, làm giàu” cho bao gia đình;… người ta vẫn không quên ông nhắc đến ông với vai trò là tác giả.

Từ một học trò nghèo, một bác sĩ mặt trận, bằng nỗ lực vươn lên, bằng khát vọng cống hiến, bằng tình yêu đất nước, ông đã trở thành một GS đầu ngành về dinh dưỡng, một Anh hùng Lao động. Và với một tình yêu con người ông đã trở thành một trong 20 “Huyền Thoại Sống của ngành Dinh dưỡng thế giới”; là người đầu tiên nhận giải thưởng "Nhà Dinh dưỡng xuất sắc nhất Châu Á" và được Ủy ban Dinh dưỡng Liên Hiệp quốc trao giải thưởng “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng”. Và trên hết, ông là tấm gương về nhân cách, về tinh thần học tập, lao động suốt đời và là một thầy thuốc nhân dân được các thế hệ người Việt trân quý!

Trong câu chuyện về người cha và người anh anh hùng của mình, Thiếu tướng Từ Linh kể chúng tôi nghe câu chuyện xúc động về việc GS Từ Giấy và đại tá Từ Đễ cùng tham gia chiến dịch đại thắng Mùa Xuân 1975. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả dân tộc ra trận. Hàng vạn gia đình có nhiều người đi bộ đội, lên bưng biền, có nhiều gia đình cả hai thế hệ cùng lên đường chống Mỹ. Nhưng những gia đình mà cả hai cha con đều tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như gia đình SS Từ Giấy thì không nhiều.

Khi đó, GS Từ Giấy đang công tác ở Tổng cục Hậu cần và phụ trách một đoàn cán bộ lo việc quân nhu, quân y, xăng dầu, vận tải... chi viện cho chiến trường. Tại sở chỉ huy tiền phương, tướng Đinh Đức Thiện nghe được tin báo Phi đội Quyết Thắng mà Từ Đễ làm thành viên đã oanh tạc làm tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất, mừng quá không giấu được ông đã reo lên với Phó Cục trưởng Cục Quân nhu Từ Giấy: Này thằng Đễ nhà ông vừa đánh bom xuống Tân Sơn Nhất chiều nay đấy!”. Khi đó, SG Từ Giấy đã nước mắt tuôn trào. Mừng và vinh dự cho con đã lập chiến công thì ít nhưng hạnh phúc vì linh cảm ngày thống nhất dân tộc đang đến gần nhiều hơn. Và đúng như dự cảm của mình, chỉ vài ngày sau, Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui chung ấy, ngày 3/5, người trí thức cách mạng Từ Giấy cũng được đón niềm vui riêng là ôm trọn đứa con thân yêu của mình ngay giữa Sài Gòn…

Trong những thành tích xuất sắc của Đại tá, Anh hùng LLVTND Từ Đễ, những đồng đội của ông thường nhắc đến hai kỳ tích.

Kỳ tích thứ nhất là vào đêm 18-12-1972, sân bay Kép bị máy bay F111 ném bom nhằm chặn Mig 21 của ta cất cánh, đánh B52. Lệnh trên bằng mọi giá, Mig phải cất cánh bằng đường băng phụ đang sửa chữa của sân bay. Và Từ Đễ, trong đội hình Tiêm kích 923 đã trực tiếp chỉ huy cất cánh hạ cánh từ đường băng phụ chỉ rộng 16m và dài 1.500m… Khi chiếc Mig hạ cánh an toàn, tất cả chuyên gia kỹ thuật, kể cả chuyên gia Liên Xô chỉ biết lắc đầu, không hiểu nổi vì sao lại có thể thực hiện những lần cất cánh kì lạ như vậy. Và cho đến nay, trong lịch sử không quân, đây vẫn là dấu mốc mà chưa ai có thể vượt qua.

Còn kỳ tích thứ hai thì chắc hẳn đã nhiều người biết; chiều 28-4-1975, trong đội hình 5 chiếc máy bay A37 vừa thu được của địch, Từ Đễ bay số 2, Nguyễn Thành Trung bay số 1, Trần Văn On bay số 5… đeo nặng bom lặc lè từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) bổ nhào xuống Tân Sơn Nhất. Những tiếng nổ kinh thiên động địa chiều ấy do 5 chiếc A37 tạo nên đã góp phần đắc lực cho cuộc cáo chung một chế độ. Nhưng điều đáng nói ở đây là thông thường để chuyển loại máy bay phải mất 3 tháng, nhưng với tinh thần “thần tốc”, các phi công chỉ có 5 ngày làm quen và với 90 phút bay thử nghiệm. Vậy mà trận đánh lịch sử này đã phá hủy 24 máy bay và diệt nhiều sinh lực địch và trở về nguyên vẹn.

Gia đình GS. Từ Giấy: “Hổ phụ sinh hổ tử” ảnh 1

Hai cha con GS Từ Giấy "gặp nhau trong ngày vui đại thắng".

Và nếp nhà gia giáo

Thiếu tướng Từ Linh kể rằng, GS Từ Giấy sinh năm 1921 ở làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, tỉnh  Hà Đông, nay là Hà Nội. Khi bố ông hơn 1 tuổi thì ông nội qua đời. Bà nội khi đó mới 22 tuổi ở vậy nuôi con. Nhà rất nghèo, bà tôi buôn bán lặt vặt và được bên ngoại cưu mang giúp đỡ rất nhiều. Lớn dần lên, ông Từ Giấy vừa làm vừa học trường làng, sau đó học ở trường huyện, trường Bưởi, trường thuốc rồi đi kháng chiến, hết chống Pháp lại chống Mỹ.

Sau khi đất nước giải phóng, năm 1981, lúc đó GS Từ Giấy đã 60 tuổi, đáng ra là tuổi nghỉ hưu, nhưng Chính phủ lại giao cho ông làm Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia và giữ cương vị đó tới năm 75 tuổi. Đây là giai đoạn ông tiếp tục học tập, nghiên cứu và có nhiều đóng góp trong giải quyết các vấn đề dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, xóa nạn suy dinh dưỡng, xóa đói giảm nghèo. Do những đóng góp to lớn của ông, năm 2000 Nhà nước đã phong tặng ông danh hiệu “Anh hùng lao động”.

“Đấy là những đóng góp của bố tôi đối với xã hội. Đối với chúng tôi, ông luôn là tấm gương về mọi mặt để chúng tôi nơi theo. Đặc biệt ông luôn làm gương về chuyện học. Bố tôi biết thông thạo tiếng Pháp, Nga. Nhưng khi làm Viện trưởng, phải làm việc với nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài mà họ sử dụng tiếng Anh là chính, nên bố tôi lại tự học thêm tiếng Anh. Kết quả là ông có thể giao tiếp, trao đổi bằng tiếng Anh. Bố mẹ luôn nhắc chúng tôi phải có lòng tự trọng, biết vượt qua khó khăn, làm việc nghiêm túc và phải sống lương thiện, tử tế. Bố tôi hầu như để chúng tôi tự lựa chọn đường đi của mình…

Anh cả Từ Đễ, năm 1965 khi đó mới 16 tuổi đã tình nguyện nhập ngũ, đi học lái máy bay ở Liên Xô. Tôi nhập ngũ năm 1968, sau đó theo học sĩ quan pháo binh. Sau này năm 1980, khi tôi chuyển sang chỉ huy bộ binh, bố tôi chỉ hỏi: “Con biết công việc mới sẽ vất vả, xa vợ con, phải đối mặt với nguy hiểm…chứ?”, tôi trả lời “con biết”, bố tôi bảo “thế thì đi, ở nhà bố mẹ sẽ hỗ trợ vợ con con”. Đối với anh, em tôi cũng như vậy… ”, Thiếu tướng Từ Linh tâm sự.

Có nhiều gia đình, các con phải “hì hụi” cả đời nhưng khó vượt thoát những bóng rợp danh tiếng của cha mẹ mình. Nhưng ở gia đình GS Từ Giấy thì khác, “hổ phụ sinh hổ tử”, các con ông đều thành đạt và tự xác lập được công danh và uy tín của mình. Người con cả là Đại tá Từ Đễ, được phong Anh hùng LLVTND, làm Phó Cục trưởng cục Quân huấn QĐNDVN. Người con thứ hai cũng theo binh nghiệp là Thiếu tướng Từ Linh, làm Giám đốc Trung tâm Thông tin KHQS - Bộ Quốc phòng. Và người con út của ông là Từ Ngữ cũng trở thành Tiến sĩ, bác sĩ nổi tiếng. Nhưng quan trọng hơn, họ đều biết gìn giữ gia giáo, gia phong và tiếp truyền những giá trị truyền thống của gia đình để đến thế hệ con cháu cũng đều thành đạt, đức độ.

Thiếu tướng Từ Linh tâm sự: “Nhớ lại khi nhận quân hàm Thiếu tướng, tôi về báo cáo ông, khi đó ông đã yếu nhiều; ông mở mắt nhìn và bắt tay chúc mừng, cười và mắt ngấn lệ. Năm nay, nếu như như còn sống, hẳn bố tôi cũng mừng lắm vì tin này. Được tin anh Từ Đễ được tặng danh hiệu cao quí này, người đầu tiên tôi nghĩ tới là bố mẹ. Bố mẹ chúng tôi không “lên lớp” là phải sống như thế nào, nhưng bằng việc làm cụ thể của mình đã dạy chúng tôi nên người. Tôi thường nói với các con, cháu mình: một gia đình có ông nội là Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động, có bác Từ Đễ  là Anh hùng Lực lượng vũ trang, có bố là Thiếu tướng quân đội, có chú Từ Ngữ là Tiến sĩ, bác sĩ... như thế là rất hiếm. Bố nghĩ đây là điều mà các con chịu” áp lực” đấy, phải giữ gìn, phát huy truyền thống đó.”

Và ông bảo với chúng tôi, “Tôi kể những chuyện này là để tưởng nhớ tới người cha. Nhân cách, đạo đức, lối sống của người cha luôn có ảnh hưởng lớn tới các con. Và tôi cũng rất mong các vị phụ huynh hãy suy nghĩ, chăm lo nhiều hơn cho việc học của con trẻ, để chúng nên người, đóng góp nhiều hơn cho xã hội…”

Theo Theo Gia Đình Việt Nam
MỚI - NÓNG