Gia đình duy nhất ở đảo Trần

Gia đình duy nhất ở đảo Trần
TP - Trên bản đồ Việt Nam, đảo Trần như một dấu chấm, như một hạt vừng trên chiếc bánh đa khổng lồ. Ở hòn đảo thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh này chỉ có một hộ gia đình sinh sống.

 >Tám lần khóc của người sáu mươi năm xa xứ

Qua phố, qua ruộng, qua núi, qua biển

Đảo Trần cách Hòn Gai khoảng 60 hải lý. Nhưng tới đảo thật gian nan.

Chúng tôi phải nghỉ đêm tại Vân Đồn. 4 giờ sáng hôm sau gọi nhau dậy đi Móng Cái, gửi ô tô, rồi mua vé quá giang đi Mũi Ngọc. Phải đi chừng 20 cây số, qua nhiều thành phố, đồng ruộng và đồi núi…cuối cùng xe dừng lại trước một eo biển. Tại đây đã có những chiếc xuồng máy chờ sẵn.

Trời nước mênh mang, không nhận ra phương hướng. Đang ngơ ngác suy đoán thì một bờ biển khác lại xuất hiện. Trên bờ có mấy ngôi nhà xây, nửa quán nửa nhà lèo tèo nham nhở. Đấy là cảng Vạn Gia thuộc đất Vĩnh Thực. Lèo tèo mấy ngôi nhà xây vội vã, tạm bợ.

Lại thấp thoáng có khoảng chục người lái xe ôm đón khách. Đường Vĩnh Thực ngoằn ngoèo và đầy phân trâu bò tung tóe dọc đường.Vùng này người ta thả rông trâu bò, chúng tự kiếm ăn và tối tìm chỗ ngủ. Chả ai đến bắt trộm.

Xe ôm phóng vun vút, ngồi đằng sau gió thổi rát cả mặt. 7-8 cây số trên con đường đất núi ngoằn ngoèo, thì đến một bờ biển khác. Đó là Bến Hèn. Chẳng hiểu từ đâu có cái tên xấu thế! Nhưng từ không gian bốc lên mùi tanh nồng, khó chịu.

Đây là bến thu hải sản của ngư dân vừa đánh bắt mang về. Những thuyền sứa cập bến, những chiếc xe lặc lè chở sứa chuyển từ tàu lên. Họ sơ chế, rồi tìm cách chuyển vào đất liền hoặc đưa sang Trung Quốc.

Tàu đưa chúng tôi đi đảo Trần. Ban đầu chỉ có mây xanh và nước biếc, sau hai chục phút, mới nhìn thấy một hình mờ mờ hiện lên.

Biển sạch, họa hoằn mới có vài mẩu xốp trắng trôi vật vờ. Nếu vào mùa, thì chỉ cần đi từ bến Hèn ra đảo, cũng có thể vớt được vài chục con sứa, rất tươi ngon. Còn bây giờ, hết mùa rồi.

Tính ra phải đi liên tục 8 tiếng đồng hồ, qua các loại địa hình, bằng xe ô tô, xe ôm, xuồng máy, tàu thủy, và đi bộ… chúng tôi đã tới đảo Trần.

Hòn đảo rộng chừng 4,5 km2, có một đơn vị quân đội đang làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, gọi là Tiểu đoàn đảo Trần.

Bộ đội ở đảo Trần Ảnh: Văn Công
Bộ đội ở đảo Trần.  Ảnh: Văn Công.

Cũng như biết bao đảo khơi khác của Tổ quốc, đảo Trần khắc nghiệt. Thừa nước mặn mà khan hiếm nước ngọt. Sóng lựng ù tai, mùa đông giá lạnh, đến nỗi loài dứa dại còn chết táp đi trong sương giá. Đến mùa nước khan hiếm, phải chia nhau từng thau nước sinh hoạt.

Đồ dùng, các trang thiết bị mau chóng xuống cấp. Xa đất liền, giao thông trắc trở, thực phẩm khó khăn, họ tự tìm cách đảm bảo cuộc sống: tổ chức cho các chi đoàn trồng rau, chăn nuôi lợn, gà, bò. Có người mang cây sắn từ đất liền ra đảo để trồng, để trong cái rét của đêm đông có mùi thơm của củ sắn cho bớt nhớ đất liền?

Đơn vị còn trồng vườn thuốc nam với nhiều dược liệu quý, để kết hợp đông tây y chữa bệnh cho chiến sĩ.

Ở đây các anh được nghỉ phép năm, chia làm hai lần. Người xa nhất quê Thái Bình, vừa đi vừa về mất 4 ngày, ở nhà với vợ con ba ngày, còn lại chỉ rong ruổi dọc đường là hết kỳ nghỉ.

Đứa trẻ duy nhất

Con trai của anh Hiển, chị Cảnh
Con trai của anh Hiển, chị Cảnh.
 

Dựa lưng vào vách núi vững chắc, hướng mở vào bát ngát biển khơi…, cách trụ sở chỉ huy Tiểu đoàn đảo Trần khoảng một cây số, có ngôi nhà bé nhỏ . Đây là mái ấm của đôi vợ chồng ngư dân vùng duyên hải. Những công dân duy nhất ở đảo Trần.

Anh chồng tên Hoàng Văn Hiển, to con, vạm vỡ như võ sĩ, nhưng nói năng nhỏ nhẹ. Anh quê làng Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Chị vợ tên Nguyễn Thị Cảnh, người Hà Cối, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Cũng từ ngày đánh bắt hải sản thuê cho các chủ tàu mà hai người gặp nhau. Và họ đã nên vợ chồng. Ban đầu họ cứ đi đi về về, lấy thuyền là nhà, lấy khơi là chỗ tá túc. Rồi bất ngờ năm 2005, họ quyết định đưa nhau ra đảo Trần cắm chốt, mưu sinh lập nghiệp lâu dài. Bạn bè, họ mạc có người bảo anh chàng này có vấn đề.

Nhưng ông bố vợ lại ủng hộ. Ông bảo: Cứ kệ chúng nó, bốn bàn tay, ở đâu mà lập nghiệp được cũng quý! Thế là ngôi nhà tạm được dựng lên, có sự giúp đỡ của người hàng xóm, là đơn vị quân đội bảo vệ đảo Trần.

Từ đấy trên mảnh đất vốn thừa sóng biển, thiếu tiếng cười trẻ con, có thêm một dây phơi, phất phơ chiếc tã lót của trẻ sơ sinh.

Em bé được 40 ngày tuổi đã làm quen với sóng gió, ra sống nơi đảo vắng.

Tiếng khóc hòa trong gió hú, líu lo với chim rừng, lặn vào âm thanh sóng bể... Ấm sáng cả đảo Trần.

Để có thể nuôi con nhỏ nơi đầu sóng ngọn gió, anh chị đã gửi cháu lớn vào đất liền nhờ ông bà đỡ đần.

Em bé Hoàng Nguyễn Việt Anh được 40 ngày tuổi đã làm quen với sóng gió, ra sống nơi đảo vắng nay đã 4 tuổi.

Tiếng khóc hòa trong gió hú, líu lo với chim rừng, lặn vào âm thanh sóng bể... Ấm sáng cả đảo Trần. Để có thể nuôi con nhỏ nơi đầu sóng ngọn gió, anh chị đã gửi cháu lớn vào đất liền nhờ ông bà đỡ đần.

Những lần chồng ra khơi dài ngày, chị Cảnh vẫn bám đảo nuôi con. Chị nhờ người về quê mua sách tranh ảnh để dạy con xem tranh học chữ.

Có khi chị lên rừng trồng cây, tỉa cành, kiếm củi. Những hạt gạo, hạt cơm rơi vãi, vài gốc rau già... cũng để dành nuôi thêm gà vịt, để cải thiện bữa ăn. Có khi tranh thủ, ra trước vũng biển trước nhà bắt ngao, mò hến. Chị tích góp dần thành từng mớ, từng cân, từng yến, và cùng những con tôm, con mực, thùng sứa… của chồng đem về, chị gửi vào đất liền cho gia đình bán giúp rồi mua thực phẩm, bánh kẹo, rau quả mang ra đảo.

Có người bảo, đôi vợ chồng ấy tuổi Đinh Tỵ (1977) và Bính Thìn (1976), mệnh Thổ, khắc Thủy. Nhưng mấy năm gắn bó với sóng nước… mà anh chị ăn nên làm ra. Xây được nhà kiên cố, mua được máy nổ phát điện, có tủ lạnh để giữ thực phẩm tươi.

Trong khi bao người đang ly hương ra thành phố kiếm việc làm, thì vợ chồng 7X lại tìm ra đảo khơi mưu sinh dựng nghiệp...

Chị bổ quả dưa hấu mời khách. Cầm miếng dưa ở nơi đảo vắng, sao bỗng nhớ câu chuyện Mai An Tiêm đến thế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG