Gia đình đặc biệt trong ký túc xá trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Gia đình đặc biệt trong ký túc xá trường Đại học Bách khoa Hà Nội
TPO - Ký túc xá trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội chiều cuối năm không ồn ào, náo nhiệt. Phần lớn sinh viên đã hoàn thành các bài thi kết thúc học phần được nghỉ. Cuối dãy B6 là phòng của Nguyễn Tất Minh và Nguyễn Đức Quân, đều là sinh viên năm thứ nhất của trường. Hai em đã tạo nên một gia đình nhỏ ấm áp và rất đặc biệt trong khu KTX này.

Tháng 10 vừa qua, Nguyễn Tất Minh trở thành sinh viên ngành Công nghệ Thông tin, trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nguyễn Tất Minh từng được biết tới với tình bạn đẹp kéo dài hơn 10 năm. Không may mắn như nhiều đứa trẻ khác, Minh không có đôi chân và một tay co quắp, em được tới trường nhờ vào “đôi chân” của người bạn thân Ngô Văn Hiếu. Trong kỳ tuyển sinh đại học vừa qua, Hiếu đỗ vào Trường ĐH Y Dược Thái Bình. Hai người bạn bắt đầu phải sống xa nhau.

Gia đình đặc biệt trong ký túc xá trường Đại học Bách khoa Hà Nội ảnh 1 Gia đình đặc biệt trong KTX trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh Nga Nguyễn

KTX trường ĐH Bách khoa năm 2020 đón hơn 4.000 sinh viên, trong đó có 2 sinh viên đặc biệt là Nguyễn Tất Minh và Nguyễn Đức Quân. Trong đó, Quân bị xương thủy tinh. Cả hai gia đình vốn đến từ hai vùng quê khác nhau nhưng như một cơ duyên hạnh ngộ, Quân và Minh được Ban quản lý KTX nhà trường sắp xếp ở chung một phòng.  Do hai em bị khuyết tật đặc biệt nên cần người thân hỗ trợ chăm sóc.

Quân được bác đến chăm sóc còn Minh được bố đồng hành. Bốn người gồm hai tân sinh viên, hai phụ huynh được ban quản lý sắp xếp trong một căn phòng rộng hơn 25 m2, cùng ăn uống, sinh hoạt giống như một gia đình. Để thuận tiện cho việc đi lại, phòng của Minh và Quân được bố trí ở tầng 1 với lối đi riêng được thiết kế độ dốc vừa phải, giúp xe lăn có thể lên được. Ngay cả các trang thiết bị trong phòng cũng được lắp đặt vừa vặn giúp hai em dễ dàng sử dụng.

Một ngày của Minh bắt đầu từ 5h30 sáng. Sau khi vệ sinh cá nhân, ăn sáng, Minh tự mình đánh xe đến trường. Những hôm lớp học ở tầng cao, Minh được bố “hộ tống”. Kể từ tháng 3/2020, bố của Minh bị tai nạn ngã gãy chân khi làm thợ khai thác đá, mọi thu nhập trong gia đình phải phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi đi làm công nhân may của mẹ. Dưới Minh còn một em trai đang theo học lớp 9. Minh ra Hà Nội, chưa quen đường sá cũng chưa có bạn thân, anh Nguyễn Tất Mây, bố của Minh thay vợ đưa con tiếp tục tới trường.

Chưa có dự định gì xa xôi, anh Mây ở lại trong ký túc xá nấu cơm, giặt giũ, hai lần mỗi ngày đẩy xe lăn đưa con tới trường, cõng con lên giảng đường, đến khi tan học lại đón con về. Việc cõng cậu con trai 40kg lên cầu thang với anh có đôi chút khó khăn do sau tai nạn, đinh ở chân vẫn chưa được rút. Vì vậy, những ngày Minh phải học trên tầng 5, hai bố con chật vật mãi mới đưa được Minh vào lớp học. Dù vậy, anh Mây vẫn vui vẻ bởi cũng nhờ khoảng thời gian này, hai bố con thực sự được gần gũi và gắn kết với nhau. Anh cũng được Ban quản lý KTX tạo điều kiện tăng thêm thu nhập bằng cách giao phụ trách trạm nước của KTX.

Những hôm, bố về quê, Minh được bác của Quân nấu cơm giúp, hai bạn hằng ngày vẫn vui vẻ sáng đến lớp, chiều lên thư viện hoặc tự học ở nhà.  Quân có thể trạng yếu hơn Minh. Em không thể tự đi. Nếu có chống nạng, Quân cũng chỉ đi được vài bước. Chứng xương thuỷ tinh khiến Quân hay bị gãy tay chân và kém hấp thụ. Những tiết học bắt đầu từ 6h45 sáng, người bác dậy sớm để cõng cháu đến trường. Chỉ kịp đi bộ tới chợ cách đó hơn 1 cây số, anh Trần Văn Nhuận lại tất tả tới lớp để đón cháu về.

Những buổi chiều như những chiều tháng Chạp này, sân KTX vắng hơn, Minh tư lự đẩy xe lăn xuống sân nhìn các bạn đá cầu, hay chơi bóng. Có những giấc mơ Minh biết rằng sẽ không bao giờ thành hiện thực nhưng đôi mắt em vẫn hấp háy cười khi nhìn theo trái bóng hay quả cầu các bạn đá bay vèo trước mặt.

Choáng váng

Chia sẻ về việc học, Minh cho biết em mới thi xong 3 môn giữa kỳ là Giải tích, Đại số, tiếng Anh. Kết quả cũng không cao như em mong đợi nhưng khi biết ở Bách khoa, nếu được điểm 6, điểm 7 đã là một kỳ tích thì Minh chỉ cười. Trong  3 môn đã thi, em sợ nhất là môn giải tích. Sau một học kỳ học tại ngôi trường, nhất là ngành học toàn những người “khổng lồ” (ngành học của Minh có điểm chuẩn đầu vào cao nhất toàn trường và cũng là cao nhất toàn quốc, 29,04 điểm), Minh thật thà cho biết ban đầu em có hơi choáng.

Sau dần dần cũng quen. Kiến thức quá ngợp, một buổi học thầy ghi 24 bảng (ở các giảng đường của ĐH Bách khoa Hà Nội mỗi lớp có 4 bảng khá rộng để giảng viên ghi kiến thức cho sinh viên) nên chép có hơi mỏi tay. Lúc đầu  thầy viết gì, em ghi đấy như học phổ thông. Nhưng sau đó, em nhận ra rằng  cần học ghi chép những kiến thức trọng tâm. “Hiện mới thi giữa kỳ do năm nay vào học muộn vì dịch COVID-19, sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu mới thi hết kỳ, lúc đó ăn bánh chưng xong, quên hết kiến thức”, Minh cười đùa vui vẻ.

Tuy mới thi ba môn, nhưng Minh thấy khó nhằn vẫn là tiếng Anh. Vì học THPT em chỉ chú trọng 3 môn thi ĐH. Nên mục tiêu trước mắt chưa có gì cao siêu. em còn phải cố gắng nhiều mới bằng các bạn. Tuy vậy, Minh cũng tự tin cho rằng dù em có thiệt thời hơn các bạn đồng trang lứa nhưng em không cần bất cứ một sự ưu tiên nào của thầy cô giáo bộ môn. Những lúc gặp khó khăn về học tập, Minh thường lên lớp hỏi bạn. Còn với người bạn thân Ngô Văn Hiếu, Minh vẫn thường xuyên liên lạc, hỏi thăm nhau. Tuy bây giờ các môn học của hai em không còn chung như ngày xưa nhưng Minh cho vẫn nắm chắc tình hình học tập của bạn. Minh hồ hởi khoe Hiếu học khá tốt, bạn còn được làm lớp phó học tập.

Ngoài việc cố gắng học, Minh cũng thích tham gia các hoạt động trải nghiệm của trường. Những buổi nói chuyện của các chuyên gia giúp em mở mang thêm nhiều kiến thức, nhiều góc nhìn về thực tế. Học công nghệ thông tin, em rất ngưỡng mộ người anh, người thầy đi trước Nguyễn Từ Quảng, CEO BKAV. Minh mong muốn mình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình.

MỚI - NÓNG