Theo Báo cáo tài chính quý 3/2021, riêng quý 3 BSR đạt 17.679 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn lợi nhuận gộp đạt 644 tỷ đồng, gấp tới 2,3 lần thực hiện trong quý 2/2020. Trong kỳ báo cáo tài chính này, BSR có 291 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 118% so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra các chi phí phát sinh đều tăng. Kết quả, BSR ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 476 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BSR đạt 66.588 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 63% so với cùng kỳ, trong đó chiếm tới 23.155 tỷ đồng là doanh thu từ DO 0,05% S và hơn 21.282 tỷ đồng là từ Mogas 95. Biên lợi nhuận gộp đạt 7% trong khi cùng kỳ năm trước âm tới 9%.
Trong năm 2021, BSR đặt mục tiêu sản lượng khoảng 6,5 triệu tấn; doanh thu 70.661 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng với giả định giá dầu bình quân chỉ 45 USD/thùng.. Tuy nhiên, việc giá dầu WTI tăng mạnh từ hơn 40 USD/thùng lên trên mốc 70 USD/thùng đã thúc đẩy chỉ số kinh doanh BSR tăng mạnh.
So với kế hoạch năm 2021 đã được ĐHĐCĐ thông qua, BSR đã đạt 94% về doanh thu và vượt 359% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của BSR đạt gần 62.553 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận xấp xỉ 12.449 tỷ đồng; đặc biệt hàng tồn kho tăng mạnh gấp 2 lần đầu năm lên mức 17.522 tỷ đồng, so với quý 2/2021 cũng đã tăng tới 56%.
Trước đó, khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng hàng tồn kho nhiều, BSR đã phải giảm công suất nhà máy xuống còn 90%, ngoài ra cũng phải đối diện với rủi ro nữa đó là vấn đề không còn sức tồn chứa, dẫn đến nguy cơ phải dừng hoạt động nhà máy.
Bước sang tháng 9/2021, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, BSR đã tăng công suất nhà máy lên lên 85% từ ngày 22/9 và 100% ngay từ đầu tháng 10/2021.