Giã cào cày nát vịnh Vân Phong

0:00 / 0:00
0:00
Tàu giã cào hoạt động ngang nhiên trên vịnh Vân Phong. Ảnh: L.H
Tàu giã cào hoạt động ngang nhiên trên vịnh Vân Phong. Ảnh: L.H
TP - Hàng chục chiếc ghe giã cào đang quần thảo vịnh Vân Phong (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường biển.

Hoạt động rầm rộ ngày đêm

Từ năm 2014, tỉnh Khánh Hòa có quy định nghiêm cấm các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc; cấm tất cả các nghề giã cào, cào sò khai thác thủy sản tại vịnh Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong và các đầm Thủy Triều, Nha Phu. Nhưng các địa phương ven biển vẫn xuất hiện nhiều loại tàu giã cào trang bị cặp càng lắp lưới mắt nhỏ để xúc tôm, cá. Nhiều chủ tàu giã cào còn gắn thêm thiết bị kích điện phía trước cặp càng để tận thu.

Những ngày gần đây, người dân xã Vạn Thạnh liên tục phản ánh tình trạng ghe giã cào quần thảo trên vịnh Vân Phong bất kể ngày đêm. Ghi nhận của phóng viên vào sáng 12/8, có hàng chục ghe giã cào ở khu vực gần bờ đảo Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh dàn hàng ngang càn quét khắp một vùng, nước đục ngầu. Cứ khoảng 15 phút, những chiếc tàu giã cào sò lại kéo lưới 1 lần để thu tôm cá. Khi người dân tiếp cận thì những tàu này nổ máy bỏ chạy, một số tàu còn thách thức khiến người dân rất bức xúc.

Ông Trịnh Minh Đại Anh (ở thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh) cho biết, lợi dụng thời gian giãn cách xã hội, lực lượng chức năng ít đi tuần tra, kiểm soát nên các tàu giã cào hoạt động rầm rộ ngày đêm. Mỗi ngày có hàng chục chiếc tàu giã cào thi nhau cày xới vùng biển gần bờ, tận diệt hải sản, gây ô nhiễm môi trường biển. Còn theo ông Phạm Xuân Quang (ở cùng thôn Điệp Sơn), khu vực nuôi trồng hải sản của hơn chục hộ với khoảng 10.000 con tôm hùm đang bị ảnh hưởng nặng nề. Tôm nuôi mới được khoảng 200-300 gram, nhưng mấy hôm nay bị sặc bùn nên đã biếng ăn.

Theo tìm hiểu của PV, các tàu giã cào này thường đi theo tốp và theo đợt, xuất phát ở các xã Vạn Thắng, Vạn Phước, Vạn Giã và Vạn Long, huyện Vạn Ninh. Mỗi tàu được trang bị một hệ thống lưới và lồng cào dài chừng 2,2m, đường kính 60-70cm, bên dưới có khoảng 60 răng cưa để dễ dàng cào. Mắt lưới của tàu giã cào thường rất nhỏ để tận thu cá tôm.

Khó xử lý?

Ông Nguyễn Ngọc Trường - Trạm trưởng Trạm Thủy sản huyện Vạn Ninh, cho biết: Trạm này đã nhận được thông tin và kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Tối 7/8, tổ tuần tra liên ngành do trạm chủ trì đi tuần tra và phát hiện một số ghe cào sò tại khu vực Điệp Sơn, đã tiến hành truy đuổi. Nhưng do tình hình dịch bệnh, đang giãn cách xã hội nên trạm không bắt các ghe này. “Mấy hôm nay biển động, xuất hiện nhiều loại sò nên có tình trạng tàu cào sò nhưng không nhiều. Nhiều chủ tàu cào sò rất manh động, liều lĩnh hoạt động trong phạm vi vùng cấm trên địa bàn. Khi lực lượng chức năng phát hiện thì không chấp hành hiệu lệnh, chống đối”, ông Trường cho biết.

Cũng theo ông Trường, các chủ tàu cào sò còn cử người theo dõi đoàn tuần tra để báo tin cho những trường hợp đang khai thác nên khó phát hiện xử lý triệt để. “Địa bàn vùng biển rộng, nhưng trạm chỉ có 6 cán bộ vừa làm công tác kiểm soát nghề cá tại cảng cá Đại Lãnh, lại vừa phải tuần tra nhiều khu vực khác nhau nên gặp khó khăn. Hiện tàu tuần tra sử dụng gần 27 năm, bị xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu khi tuần tra, kiểm soát ngăn chặn vi phạm xảy ra trên biển”, ông Trường phân trần.

Giã cào sò gắn thiết bị bằng inox khá nặng, nhìn như chiếc rọ, dài khoảng 2 m với hàng chục lưỡi cào dài 30 cm. Khi cào, các lưỡi này cắm sâu xuống đáy biển móc sò, còng, cua… đẩy vào miệng rọ. Mỗi khi tàu cào sò đi qua, cả vùng biển bị khuấy nước đục ngầu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Còn giã cào bay là các tàu có công suất lớn, tốc độ cao chỉ được đánh bắt ngoài khơi và ở một số vùng biển nhất định. Tàu được gắn lưới lớn dùng tốc độ để “vơ vét” tận thu các loại hải sản. Nếu đi gần bờ không chỉ gây nguy cơ tai nạn mà còn phá các ngư lưới cụ, tận diệt các nguồn lợi thủy sản.

MỚI - NÓNG