> Vợ chồng đồng nát trả lại 10 cây vàng nhặt được
Buôn đồng nát nhặt được vàng ròng
Về thôn Du Nghệ (thị trấn Quốc Oai, Hà Nội) hỏi thăm vợ chồng anh Nguyễn Tiến Bắc thu gom đồng nát, chúng tôi được người dân tận tình chỉ dẫn tận nơi. Từ đầu làng đến cuối xóm ai ai cũng hết lòng khen tấm lòng thơm thảo của anh chị.
Đi hết con đường bê tông là đến ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm cuối làng. Chị Thuật đã kéo chiếc xe cải tiến đi thu mua đồng nát từ sáng sớm, chỉ còn anh Bắc đang cặm cụi thu gom từng đống giấy vụn.
Nghe có khách, anh Bắc vội vàng lau những giọt mồ hôi, vồn vã mời khách vào nhà. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn viết về câu chuyện anh chị nhặt được mười cây vàng và đem trả lại người mất, anh cười nói: “Chuyện có gì đâu cô. Nhặt được của rơi, người ta không may làm rơi rớt, mình đem trả lại. Ai nhặt được cũng làm như tôi thôi mà”.
Uống trọn cốc nước lọc cho đỡ cơn khát, anh Bắc từ từ kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện về ngày vợ chồng anh nhặt được 10 cây vàng.
“Hôm đó, cách đây tròn 7 tháng, vợ tôi (Chị Nguyễn Thị Thuật – PV) đi mua gom đồng nát như mọi ngày. Về tới sân, vợ tôi đổ hết tất cả những gì mua được xuống. Tôi cùng vợ phân loại một hồi. Đang thu gom phân loại, thì trong đống giấy bìa cát tông rơi ra 1 túi bóng cũ, lẫn trong những chai nhựa cũ bốc mùi hôi thối. Tôi xếp giấy cát tông cũ thành từng chồng rồi tiện chân đá mấy chai lọ và gói ni lông đó vào góc vườn cạnh bụi tre.
Anh Bắc với công việc hàng ngày là phân loại và xếp gọn gàng giấy cát tông cũ. |
Vài hôm sau, rãnh rỗi hơn, tôi mới thu gom lại mọi thứ cho gọn gàng. Khi nhặt nhạnh đến mấy cái chai cùng túi bóng nhỏ hôm trước thì thấy bên trong gói một ít đồ. Tôi nghĩ chắc là đồ chơi trẻ con hay ít sắt vụn mọi người cho lẫn vào trong đó.
Giở 1 lớp túi bóng có mấy tờ giấy ăn và một vài tờ giấy cũ nát. Bên trong rơi ra một dây vàng và một ít vàng lẻ. Sau một lúc ngạc nhiên, kiểm tra lại có cả giấy tờ mua bán vàng viết tay, tôi mới dám tin là vàng thật.
Anh Bắc bộc bạch: “Cũng phải nói, tôi làm nghề này chịu bẩn thỉu quen rồi, chứ phải nhà khác ghê tay chắc hốt luôn đống giấy thải ấy vứt ra thùng rác thì giờ cũng chẳng tìm được rồi”.
Anh Bắc kể tiếp: “Vợ về, tôi cũng chẳng dám nói chuyện vì sợ nói ra sợ gặp nguy hiểm. Nhà mình đầu làng cuối ngõ, heo hút. Trong nhà tuềnh toàng chẳng có gì. Mười ngày sau, mới nói chuyện cho vợ biết mình nhặt được 10 cây vàng. Hai vợ chồng bàn nhau cứ tạm cất coi như mình không có. Rồi trước sau cũng có người đến xin lại. Quan trọng là trả lại đúng cho người mất”.
Từ ngày nhận được vàng, hai vợ chồng vẫn lẳng lặng làm việc như bình thường. Nửa tháng sau, thì gia đình người mất đến tìm. Nhìn thấy họ nháo nhác tìm trước tìm sau, hỏi ra mới biết, họ mất 10 cây vàng lẫn trong đống giấy vụn. Hai vợ chồng tôi đem số vàng ra trả lại.
Khi chúng tôi ngạc nhiên hỏi tại sao, trong lúc từ đâu rơi xuống 10 cây vàng mà hai vợ chồng không mảy may nghĩ đến chuyện sử dụng số vàng khi cuộc sống của hai vợ chồng còn khó khăn, anh Bắc cười xòa: “Mình làm đúng với lương tâm mình. Của cải, tiền bạc mình làm ra thì tự dùng, nhặt được của rơi nên đem trả người mất, không tham lam vơ vét của người khác”.
Tấm bằng khen tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng cho vợ chồng anh Bắc, chị Thuật. |
Nghèo cho sạch, rách cho thơm
Trong ngôi nhà nhỏ của anh chị Thuật Bắc chẳng có gì giá trị. Bộ bàn ghế uống nước, giá đựng sách, bàn học cho con trai… tất cả đều bằng tre do tự tay anh Bắc làm.
“Hồi ấy, sang nhà hàng xóm nhìn người ta mua bộ bàn ghế tre đẹp quá. Nhưng mình chẳng có tiền để sắm. Vậy nên, mỗi lần sang chơi lại cố ngắm, về nhà ghi nhớ lại. Rồi dùng từng que củi nhỏ cố gắng xếp cho đúng, sau đó mới làm lại. Mày mò từng ngày cuối cùng, mình cũng làm ra bộ bàn ghế ưng ý, sử dụng gần chục năm rồi”, anh Bắc cười khoe.
Kể về cuộc sống của gia đình mình, anh Bắc ngậm ngùi: “Gia đình tôi trước đây hoàn cảnh nghèo nàn lắm, đi làm thuê làm mướn suốt, chẳng biết tuổi trẻ là gì. Một tháng 20 ngày trên rừng đi chặt tre, mua tre đan sọt làm chõng rồi đưa ra chợ bán.
Mình làm quần quật quanh năm mà chẳng có đủ ăn. Nông thôn làm lụng cả năm được đôi tạ thóc. Biết đến bao giờ mới có được 10 cây vàng. Số vàng này vợ chồng người ta cũng phải nhặt nhạnh, chắt chiu bao nhiêu ngày mới có được để dùng vào việc lớn, giờ lại mất đi. Mình cũng tiếc thay cho người ta”.
Trả được số vàng cho đúng người mất, vợ chồng anh Bắc tự nhiên thấy mình được thanh thản. “Mình trả lại cũng không mong muốn nhận được ơn huệ hay trọng vọng của mọi người mà làm theo đúng lời cha mẹ dạy “ nghèo cho sạch, rách cho thơm”, không tham lam vơ vét của người khác. Bố mẹ nghèo nhưng hiền lành thật thà, thôi mình chẳng có gì thì cũng phải giữ gìn nếp sống”, anh Bắc chia sẻ.
Công việc của vợ chồng anh làm quần quật từ sáng sớm đến 8 giờ tối mới nghỉ. Một tháng kiếm được 3 đến 4 triệu, chắt chiu tằn tiện trang trải cuộc sống và lo chuyện ăn học cho hai cậu con trai. Con trai đầu của anh chị hiện là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Anh Bắc chia sẻ: “Chúng tôi nghèo nàn chẳng có gì cho con, hai vợ chồng cố gắng làm lụng nuôi con ăn học để sau này thoát khỏi cảnh nghèo nàn như bố mẹ. Trộm vía hai cháu cũng ngoan ngoãn và nghe lời”.
Cuộc sống còn khó khăn, vất vả phía trước, nhưng vợ chồng anh Bắc đã giữ gìn được nếp sống của cha mẹ để lại, tấm lòng thơm thảo của anh chị là tấm gương sáng để tất cả mọi người noi theo.
Ông Trần Văn Thắng – trưởng thôn Du Nghệ ( thị trấn Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: “Gia đình anh chị Thuật Bắc sống thật thà, chất phát. Hai vợ chồng quanh năm chăm chỉ làm ăn, con cái chăm ngoan. Khi đã trả lại 10 cây vàng, anh chị cũng không báo cho chính quyền địa phương để tuyên dương khen thưởng mà chúng tôi được những hàng xóm láng giềng thông báo cho biết. Chúng tôi vẫn đưa câu chuyện về tấm gương anh chị Thuật Bắc ra làm gương sáng trong vận động xây dựng đời sống văn hóa ở thôn xã”. |
Theo Quỳnh Nga
Infonet