Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp có đề nghị lùi thời hạn áp dụng Thông tư 33 về ghi tên cả hộ gia đình trên sổ đỏ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, thực tế, có nhiều trường hợp quyền sử dụng đất của từng thành viên trong gia đình không được xác lập cụ thể, gây khó khăn rất lớn. Dẫn tới, tòa án nhiều khi không giải quyết được các tranh chấp. “Vì vậy Luật Đất đai cần phải quy định rõ ràng, tránh phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất. Bộ TN&MT đã xây dựng thông tư để quản lý tốt hơn, triển khai quy định thực hiện thi hành Luật Đất đai”, Bộ trưởng Hà thanh minh.
Tuy nhiên, sau những vấn đề phát sinh vừa qua, Bộ trưởng Hà cho biết đã trao đổi với đại diện Bộ Tư pháp để xử lý kịp thời trước khi thông tư có hiệu lực. “Thông tư 33 quy định chưa rõ ràng nên dẫn tới hiểu khác nhau khi chủ hộ trong sổ đỏ với hộ gia đình trong sổ hộ khẩu. Trong khi đó, Thông tư 33 chỉ có vai trò là điều chỉnh về hình thức sở hữu, hướng dẫn cách ghi mang tính kỹ thuật với hộ gia đình sử dụng chung quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai. Do đó, quy định khoản 5 điều 6 của Thông tư 33 sẽ được lùi thời hạn đến khi chúng tôi nghiên cứu kỹ, đảm bảo hiệu quả thực thi”, Bộ trưởng Hà khẳng định.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra việc tăng thêm 96 nghìn biên chế trong hai năm qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, các nghị quyết của Trung ương đã đánh giá rất toàn diện, tổng thể và nêu ra nguyên nhân. Qua thực tế thời gian qua có nhiều cơ quan quản lý biên chế, như Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước. Riêng Chính phủ, trách nhiệm giao biên chế từ T.Ư đến địa phương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Theo Nghị quyết 39 giảm tối thiểu 10% đến năm 2021. Trong 2 năm qua, Thủ tướng chỉ đạo và đã giảm biên chế được 2,9%.
“Sắp tới thực hiện Nghị quyết 18, 19 T.Ư 6, đặc biệt là các vấn đề cần làm ngay là sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong xã, thôn, tổ dân phố thì khả năng giảm được theo mục tiêu cao. Tuy nhiên yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Riêng tinh giản biên chế Nghị 39 đến nay đã giảm hơn 32.000 biên chế”, ông Thăng cho hay.
Về những vấn đề liên quan đến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, chỉ đạo gửi UBND TPHCM về gói thầu tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đến nay Văn phòng Chính chưa nhận được báo cáo của UBND TPHCM đối với vụ việc trên. Tuy chưa có báo cáo nhưng vừa rồi dư luận tiếp tục phản ánh đơn vị trúng thầu lại tiếp tục lắp đặt hệ thống thiết bị liên quan đến gói thầu. Hiện nay, VPCP đã tổng hợp lại những vấn đề liên quan đến Bệnh viện Ung Bướu, tiếp tục tham mưu Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM thực hiện kiểm tra vào báo cáo kết quả lên Thủ tướng.
“Tinh thần Chính phủ nói là làm, và kiên quyết chống tham nhũng. Việc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực được các cơ quan theo dõi sát, và được UBND TPHCM chỉ đạo rất quyết liệt, tiếp tục theo dõi thông tin cụ thể về vấn đề này. Tinh thần là không làm ngơ trước những sai phạm và chúng ta sẽ công khai minh bạch sai phạm đó (nếu có) và công khai xử lý sai phạm của các cá nhân liên quan nếu có”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Giữ bí mật thông tin Thứ trưởng Nội vụ được “minh oan”
PV: Có báo phản ánh Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận về vụ việc lộ thông tin bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, trong đó khẳng định, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn không làm “lộ mật”. Cơ quan này cũng kết luận thông tin bỏ phiếu kỷ luật Thứ trưởng Trần Anh Tuấn lộ ra ngoài mới là lộ mật? Vậy qua vụ việc này Bộ Nội vụ có rút ra bài học và kinh nghiệm gì, có xử lý kỷ luật người làm lộ thông tin về kết quả bỏ phiếu kỷ luật không, có xin lỗi ông Trần Anh Tuấn không?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Về thông tin mất hồ sơ liên quan Trịnh Xuân Thanh tại phiên họp báo Chính phủ tháng 7 lãnh đạo Bộ Nội vụ đã trả lời. Quy định về quản lý hồ sơ trước hết thực hiện theo pháp luật về lưu trữ, theo quy chế làm việc của Bộ Nội vụ và các bộ. Theo đó, cơ quan trình chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ và nộp lưu hồ sơ theo quy định. Khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận có nêu Bộ Nội vụ, nếu cần thiết mới Bộ Công an vào điều tra. Trên cơ sở kết luận của Bộ Công an, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ việc này xem mất hồ sơ lý do vì sao. Trong hồ sơ giải quyết vụ việc có thành phần hồ sơ, ý kiến trình cơ quan tham mưu, ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, của lãnh đạo bộ. Giờ thất lạc hồ sơ rất khó đánh giá, phải căn cứ kết luận của Bộ Công an.
Về lọt thông tin, tại phiên họp trước tôi đã nêu việc quy định thế nào là tài liệu mật. Tài liệu mật là những tài liệu liên quan đang trong quá trình điều tra, thanh tra chưa đước phép công bố. Trên cơ sở Chính phủ giao Bộ Công an quy định hướng dẫn. Trên cơ sở kết luận của Bộ Công an, trong đó có Ủy ban Kiểm tra T.Ư có kết luận phù hợp trên cơ sở quy định của pháp luật.
Tại phiên họp 19 của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư không nêu nội dung này mà tách ra bằng một thông báo riêng và Uỷ ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu bảo mật thông tin. Tôi không hiểu nhà báo lấy thông tin ở đâu?