Nhóm nghiên cứu của Viện đã thực hiện “Nghiên cứu khả năng tìm kiếm nguồn tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân Lơxêmi cấp có chỉ định ghép tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trong các năm 2015 - 2018”.
Theo TS Trần Ngọc Quế, đại diện nhóm nghiên cứu, nguồn tế bào gốc từ người hiến cùng huyết thống hòa hợp hoàn toàn vẫn là nguồn tế bào gốc hiệu quả nhất, tuy nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 30% số trường hợp cần ghép. Trong số các nguồn tế bào gốc thay thế, nguồn tế bào gốc tạo máu từ máu dây rốn đã và đang được ứng dụng phổ biến trên thế giới với hiệu quả tương đương và thậm chí có nhiều ưu điểm hơn so với một số nguồn tế bào gốc khác.
Tại Ngân hàng Tế bào gốc (Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư), các đơn vị máu dây rốn đã được thu thập, xử lý, lưu trữ và xét nghiệm để sẵn sàng ứng dụng khi cần. Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý huyết học nói chung và bệnh nhân Lơxêmi cấp nói riêng có chỉ định ghép, không tìm được người hiến cùng huyết thống phù hợp, đã tìm kiếm nguồn tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng tại Ngân hàng Tế bào gốc.
TS Quế cho biết thêm, kết quả cho thấy trong số 45 bệnh nhân đã tìm kiếm, 100% số ca đều tìm được ít nhất một đơn vị máu dây rốn cộng đồng đạt tiêu chuẩn tìm kiếm tối thiểu; trong đó 12 bệnh nhân đã lựa chọn được đơn vị tế bào gốc tốt nhất để ứng dụng ghép. Những đơn vị tế bào gốc máu dây rốn sử dụng ghép cho 12 bệnh nhân đều là những mẫu tốt nhất về hòa hợp HLA, liều tế bào cao nhất, không bị ảnh hưởng bởi kháng thể kháng HLA. Như vậy, các đơn vị máu dây rốn cộng đồng đang lưu trữ tại Viện cho thấy khả năng tìm kiếm cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn, có thể sử dụng làm nguồn thay thế cho những trường hợp không tìm được người hiến cùng huyết thống.
TS Trần Ngọc Quế cũng cho biết, máu dây rốn cũng có tỷ lệ khá cao tế bào gốc trung mô, có khả năng điều hòa miễn dịch nên chúng rất hữu ích trong việc ứng dụng cho người nhận đồng loài. Chính vì vậy, tế bào gốc trung mô từ máu dây rốn là nguồn điều trị rất tiềm năng với nhiều ưu điểm so với các nguồn tế bào gốc trung mô phổ biến từ mô mỡ hoặc dịch tủy xương như khả năng tăng sinh nhiều và lâu dài hơn, tác dụng điều hòa miễn dịch, chống viêm…; có thể áp dụng khá rộng rãi trong điều trị nhiều loại bệnh lý của nhiều cơ quan khác nhau như bệnh lý về miễn dịch (bệnh ghép chống chủ, bệnh tự miễn), đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tim mạch…
Bên cạnh những ứng dụng từ máu dây rốn, Việt Nam cũng đã thu được những kết quả bước đầu trong ghép tế bào gốc đồng loài điều trị bệnh suy tủy xương và đái huyết sắc tố niệu (Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư), điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và từ tủy xương (Bệnh viện Bạch Mai), điều trị chấn thương sọ não cấp tính bằng ghép tế bào gốc tự thân (Bệnh viện Trung ương Huế)...
Tế bào gốc được đã được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau mà trước đây chưa làm được như: các bệnh máu (ác tính, lành tính, di truyền), hỗ trợ trong điều trị ung thư, các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh...
TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho hay, việc thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường. Mỗi ngày, Ngân hàng Tế bào gốc của Viện tiếp nhận và xử lý được khoảng 4 - 6 mẫu máu dây rốn. Các mẫu máu dây rốn sẽ được đánh giá, sàng lọc để chọn được những đơn vị tốt nhất, liều tế bào cao nhất để lưu trữ phục vụ cho tìm kiếm và ghép.