Biến đất bán trái thẩm quyền thành đất hợp pháp
Anh N.V.T (thôn Ngọc Diêm, xã Quảng Chính) cho biết: Khoảng thời gian 1993-1994, tôi và một người em trong gia đình chung mua mảnh đất có chiều rộng 30 m (tách mỗi lô có chiều rộng 5m). Thời điểm đó, mỗi lô đất có trị giá 5 triệu đồng, có giấy tờ mua bán với xã. Đến năm 2013-2014, khi thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A thì mỗi lô đất ở khu vực này bị thu hồi 7m chiều dài. Trừ một vài trường hợp, thì hầu hết các hộ dân đều không được nhận tiền bồi thường khi dự án thu hồi 7m chiều dài với lý do việc mua bán đất của xã với các hộ dân trên là trái thẩm quyền.
Hiện trạng một phần khu đất được ghép thêm 7 m chiều dài đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thôn Ngọc Diêm, xã Quảng Chính |
Theo xác minh, các hộ dân đều có giấy xác nhận mua bán đất với chính quyền xã Quảng Chính. Từ những giấy tờ trên, nhiều năm qua, nhiều lô đất đã các hộ dân giao dịch mua bán, chuyển nhượng với với nhau, có giá trị từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Đáng nói, hàng chục lô đất trong diện không được đền bù đất khi thu hồi, hiện đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cụ thể, anh N.V.T cho biết, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích còn lại sau khi thu hồi để mở rộng quốc lộ 1A, lô đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình anh được tính thêm cả 7m chiều dài phía sau lô đất (tiếp giáp với con mương nước hiện nay).
Ngoài một lô đất của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh T có mua lại thêm một lô đất bên cạnh với giá hơn 200 triệu đồng (lô đất này có giấy viết tay của người chủ trước với chính quyền xã). Đối với lô đất này, anh T cho biết cũng đã nhờ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đang chờ hoàn tất thủ tục.
Đáng chú ý, anh T cho biết thêm đã phải bỏ chi phí hàng chục triệu đồng để “nhờ” làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nội dung này đang được cơ quan chức năng xác minh.
Sai phạm nối tiếp sai phạm?
Được biết, năm 1993- 1994, xã Quảng Chính bán trái thẩm quyền hơn 200 lô đất ở cho các hộ dân ở thôn Ngọc Diêm. Vị trí các lô đất nằm dọc 2 bên đường quốc lộ 1A, đoạn từ cầu sông Lý đến cống Ngọc Giáp, xã Quảng chính. Các thửa đất có chiều rộng mặt đường từ 5m đến 6m, chiều sâu 30 m kể từ chân Quốc lộ 1A cũ. Đến năm 2013, khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A lấy vào 7m, các hộ dân này không được nhận tiền đền bù do đất bán trái thẩm quyền và phần diện tích thu hồi trên nằm trong hành lang đường quốc lộ 1A.
Sau khi thu hồi đất các lô đất của các hộ dân còn lại 14m chiều dài (do đất thửa đất bị thu hồi giải phóng mặt bằng và trừ hành lang đường quốc lộ 1A). Nhưng hiện nay có hàng chục hộ dân ở thôn Ngọc Diêm, được xã Quảng Chính bán trái thẩm quyền năm 1993-1994 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào các năm 2018, 2019 và năm 2020, chiều dài thửa đất được cấp giấy là 21m.
Theo chị L.T.T (thôn Ngọc Diêm, xã Quảng Chính) cho biết: Gia đình tôi mua lại từ một người dân khác lô đất có chiều rộng 12 m. Giấy tờ mua bán đều có xác nhận của chính quyền xã. Phía sau lô đất này, chúng tôi cũng đã mua thêm 7m chiều dài với số tiền phải nộp là 84 triệu đồng và 10 triệu tiền chi phí làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, chúng tôi đã nộp số tiền 44 triệu và cam kết nộp nốt số tiền còn lại khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số tiền tiền chúng tôi đã nộp đều có xác nhận của xã. Tuy nhiên, nhiều năm qua việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cả lô đất cũ và mới chúng tôi mua thêm vẫn chưa được chính quyền địa phương thực hiện.
Theo xác minh, có tới hàng chục hộ dân đã được ghép thêm 7m chiều dài theo hình thức như trên. Phần đất mua thêm này được gộp với diện tích đất bán trái thẩm quyền trước đây và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Theo đó, trên cùng một dãy đất mua trái thẩm quyền của thôn cùng thời điểm nhưng hiện trạng các thửa đất sử dụng dài ngắn khác nhau khoảng 7m.
Trước đó, tại buổi họp báo của UBND tỉnh Thanh Hoá hồi tháng 7/2019, liên quan đến việc thực trạng tồn tại hàng nghìn lô đất bán trái thẩm quyền (chỉ có giấy viết tay giữa những bên không có chức năng, nhiệm vụ bán đất, không đủ cơ sở cấp sổ đỏ theo luật hiện hành) ở huyện Quảng Xương, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết cách xử lý là giữ nguyên hiện trạng, khi nào có dự án phải thu hồi đất của người dân thì chính quyền sẽ xem xét đền bù, hỗ trợ theo quy định. UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục giao Sở TN-MT rà soát lại, nếu phát hiện thêm tình trạng bán đất trái thẩm quyền sẽ xử lý nghiêm người vi phạm theo quy định.