Ghé chút chợ gay

Ghé chút chợ gay
TP - Đi Cuba cùng thổ công Lê Duy Truyền là cả một cái... khoái! Gọi thổ công vì từng có nhiều năm học rồi là phóng viên TTX thường trú ở La Habana nay là TBT tờ Tin tức. Khoái là được ông ký giả họ Lê này truyền cho tường thêm những thứ ngõ ngách ở Cuba.
Một góc chợ đồng tính trên đê biển Malecon
Một góc chợ đồng tính trên đê biển Malecon.

Bám ông thổ công này, tôi đến chợ thủ công nhan nhản các mặt hàng được nảy ra mới đây với chính sách kinh tế bước đầu cách tân của ban lãnh đạo mới đứng đầu là Raul Castro, em trai Fidel. Đến cả trang trại nuôi rẽ bò của một nông dân cho nhà nước. Để chứng thêm một cái mới nữa, tôi nèo Lê Duy Truyền cho đáo qua chợ đồng tính ngay ở thủ đô.

Bốn giờ hơn, còn mò mò tối, tôi với Truyền đã chường mặt ra đường. Tầm này đón được xe theo kiểu đi nhờ thông dụng ở xứ Cuba có mà mồng thất nếu không có cú điện thoại trước của khách sạn từ chặp tối. Lát sau một hình hài con xe lù lù xịch tới. Trời ạ, một con Ford cổ màu nõn chuối.

Tại xứ Cuba này, có lắm lắm loại xe hơi không còn găm vào bộ nhớ của thiên hạ vì mấy chục năm nay có đâu để mà tham gia giao thông trong đó có Ford với lắm kiểu dáng cùng nước sơn từ đầu thế kỷ trước. Có một con Ford cổ này là ước mơ của nhiều tay chơi xe nhưng xứ này chỉ là chuyện vặt.

Ông tài người manh mảnh, giọng trầm khàn ngoái sang ông bạn ngồi ghế trước hỏi có phải dân Hoa hay Nhật, mà sao nói tiếng Tây Ban Nha thạo thế? Lê Duy Truyền cười thật thà đáp là người Việt... Bất đồ anh tài xế phanh khự xe, giọng thảng thốt: "Việt Nam?".

Tôi ngạc nhiên thấy anh buông một tràng dài... Rồi xe lại phanh khự trước một cây đèn đường. Anh tài móc cái ví ra rồi rút một tấm ảnh cỡ 4x6 đã ố vàng hình một người đàn ông đứng tuổi tóc đen đưa cho Truyền. Chuyện một hồi nữa, Truyền dịch cho tôi đại ý đây là ảnh người cha của anh tài Roberto này.

Ông bố Roberto đã từng có nhiều năm là công nhân xây dựng Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho mãi đến thời điểm bệnh viện khánh thành. Về lại Cuba, ông không biết bao lần kể cho cậu con trai khi ấy còn bé tý bao nhiêu là chuyện về những năm tháng là công nhân tình nguyện xây dựng ở Việt Nam. Ông nói cậu con trai sau này lớn lên nếu có dịp hãy tìm đến xứ sở có lắm chuyện là như là cổ tích ấy...

...Ánh mắt Roberto từ hồ hởi thoắt chuyển thành ngạc nhiên và tò mò khi biết được nơi chúng tôi đang đến! Nhưng anh rộ lên một tràng cười và gật đầu lia lia thông cảm khi Truyền cho biết là nhà báo nên đến đó để tìm hiểu tình hình.

Roberto lại vồn vã rằng ở La Habana có mấy nơi tụ họp những người đồng tính nam nhưng chỗ chúng tôi sắp đến là xôm tụ nhất. Anh chỉ vào cái máy ảnh to đùng tôi đang đeo nói là chuyện trò thoải mái nhưng đừng có chụp ảnh kẻo phiền phức.

Hàng chục, tốp nhiều phải non trăm người giăng kín ven đê biển Malecon. Malecon, con đê biển trứ danh bằng bê tông dễ phải non trăm cây số bao bọc đất liền Cuba. Bên kia là nước Mỹ. Tít vời nữa là bờ biển Việt với tầm 5 giờ chiều. Ánh đèn đường lờ mờ nhưng đủ soi rọi những khuôn mặt. Thẫn thờ, đăm chiêu, hớn hở, toe toét... Thôi thì đủ sắc độ, lứa tuổi nhưng đa phần người trẻ. Nhiều người da màu.

Chino. Chi nô... Âm thanh xì xào thoáng qua rồi mồn một khi tôi với Truyền tới gần nhóm người. Thì ra họ tưởng hai anh mới nhập đám là người Tàu? Thôi thì kệ. Chả hơi sức đâu mà thanh minh. Có vẻ như trong đám đông mang thứ lệch lạc của Tạo hóa ấy nhõn mỗi hai gã da vàng mũi tẹt nên xôm tụ sự chú ý. Bằng cớ có nhiều bàn tay vẫy. Nhiều cung bậc âm thanh chào mời làm quen.

Một anh lêu đêu sặc mùi xì gà thân ái áp sát. Carlos, cũng có thể đó là cái tên giả. Lòng tay vã chút mồ hôi lạnh đang dịu dàng vuốt dọc cánh tay khiến tôi sởn cả gai ốc. Với dân đồng tính, nghe nói động thái thân thiết ấy là thứ để đọc nhau? Thường họ cảm nhận được ngay tín hiệu ấy... Nhưng chừng như trái chiều chập điện, tôi cứ thấy thế nào?

Tác giả và người bạn mới tại chợ gay
Tác giả và người bạn mới tại chợ gay.

Có lẽ Carlos đã đọc, đã cảm nhầm nên cứ hăng hái lần tìm bàn tay tôi bóp mạnh rồi khe khẽ rên lên điều gì đó. Tôi quýnh quáng lần tìm điếu xì gà... Động thái nhanh hơn tôi tưởng. Carlos nhanh nhẩu âu yếm xòe một vầng lửa ga. Khói xì gà khiến gương mặt bạn tình nhòe trong sương...

Liếc xéo sang bên, tôi thấy Truyền cũng đương liến thoắng tiếng Tây Ban Nha với hai anh cao to người Italia. Chiếc máy ảnh của tôi Truyền đeo hộ đang hướng ống kính về phía tôi mà chả thấy Carlos phản ứng gì. Nhưng thấy cứ hai hãi. Cứ để lằn ranh P tốc độ chậm. Đừng flash mà nguy ông bạn ơi...

Việc ghi hình có vẻ êm. Cứ như Truyền thuật nhanh thì tôi tạm biết thủ tục ở chợ này, qua tiếp xúc, ưng ai thì ghi địa chỉ điện thoại làm quen. Ấy là những cuộc tình hơi bị trường. Còn chóng vánh, tí nữa sáng bạch thì một trong hai chủ động trưng ra địa chỉ của bãi đáp. Anh chàng Carlos thấy tôi cứ ngô ngọng liền kéo Truyền lại bắt thể hiện quan điểm của đối tác! Truyền đành bảo thằng này đang còn phải tìm hiểu tiếp...

Những phản ứng dạng bạo lực ở chợ gay chúng tôi lo hơi bị xa. Dường như những cuộc chèo kéo tìm hiểu ở chợ nó văn minh dễ chịu hơn môi trường khác giới? Không hề có cãi vã hung hãn, tục tằn. Cứ rì rầm trong khói thuốc âm thanh trầm trầm trong màn đêm sắp tan.

Nghe nói chợ này họp cỡ từ nửa khuya trở đi. Đã có bao người tìm được bạn? Có vẻ thưa? Từ lúc chúng tôi tới mới có vài đôi rời bãi. Chợ chi thì cũng thế. Kể cả chợ tình đồng tính. Gái thương chồng đương đông buổi chợ. Chợ về trưa trật sang chiều nó khác. Mới tinh sương không phải vãn chợ chiều mà đám đông gay đã chuệch choạc rã rời. Đêm mai, tầm bán dạ, nơi đây lại một dịp để xôm tụ.

Chợt nhớ hồi nãy trên xe, Roberto có luyên thuyên với Truyền một hồi dài mà sau này tôi biết anh đang kể về đám cưới đồng tính được tổ chức vào ngày 13 tháng 8 năm nay.

Ngày đó, đường phố La Havana, Cuba dường như đông vui, tấp nập hơn ngày thường. Rất đông người ra đường để tham dự một sự kiện vô cùng đặc biệt – lễ cưới đồng tính đầu tiên ở đất nước này giữa cô dâu chuyển giới Wendy Iriepa và chú rể Ignacio Estrada.

Ngay từ sáng sớm, đã có rất nhiều người có mặt tại một văn phòng hôn nhân của Chính phủ - ngoại ô La Havana để đợi cô dâu, chú rể đến. Cả khu phố như hòa chung với niềm vui, hạnh phúc của hai người. Đông đảo phóng viên cũng có mặt để ghi nhận sự kiện đặc biệt này.

Hàng tràng pháo tay vang lên khi cô dâu Wendy Iriepa, 37 tuổi đến. Chú rể Ignacio, 31 tuổi, tiến vào lễ cưới trong bộ veston màu trắng lịch lãm và cà vạt màu đỏ, trên một chiếc Mercedes trắng. Khuôn mặt rạng ngời của Ignacio cho người ta biết anh đang thực sự hạnh phúc.

Lễ cưới được tổ chức theo đúng các nghi lễ truyền thống. Có màn tung hoa hay ném gạo cầu may mắn vào đôi uyên ương theo tục lệ… Trước sự chứng kiến của một cán bộ nhà nước cùng nhiều quan khách, chú rể Ignacio và cô dâu Wendy ký giấy đăng ký kết hôn, trao nhẫn. Sau cùng, họ như bao đám cưới bình thường khác.

Hôn nhân đồng giới là điều không được phép ở đất nước này. Tuy nhiên, cô dâu Wendy đã được làm “phụ nữ” hơn 3 năm nay sau khi phẫu thuật chuyển giới vào năm 2007. Truyền thông Cuba đánh giá, đám cưới cảm động này sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong luật pháp nước này với cộng đồng người đồng tính.

Mariela Castro - người đứng đầu Trung tâm Giáo dục Tình dục quốc gia Cuba, cháu gái của cựu Chủ tịch Fidel Castro và con gái của đương kim Chủ tịch Raul Castro - cũng gửi lời chúc phúc chân thành tới cặp uyên ương này nhân ngày vui của họ Ignacio và Wendy đã quyết định chọn ngày 13-8 để tổ chức hôn lễ bởi họ nói đây là ngày sinh nhật của vị cựu Chủ tịch nước Cuba, Fidel Castro.

Bây giờ đã đổi mới. Cuba không còn áp dụng các hình phạt đối với người đồng tính, đã có một bước tiến dài trong thái độ của người dân đối với người đồng tính, lưỡng tính. Việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính được tự do theo luật định và được chính quyền trả chi phí. Mariela Castro, đang phát động phong trào vận động ủng hộ quyền của những người đồng tính. Bà khẳng định cha của bà hoàn toàn ủng hộ những sáng kiến của mình!

Xuân Ba (ghi chép)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.