Nếu bạn có thể lấy ra được mọi thứ chúng ta biết về sự thương thuyết, đặt tất cả chúng vào một cái nồi lớn, đun sôi lên và cô đặc lại thành một chất quan trọng cuối cùng, thì đó chính là tầm quan trọng của các mối quan hệ trong việc bán hàng. Xây dựng và duy trì các mối quan hệ bán hàng lâu dài chính là kỹ năng và cách ứng xử cơ bản của những người bán hàng hiệu quả trong mọi lĩnh vực, dù là hàng hóa hay dịch vụ.
Lý do thành công
Hầu hết thành công trong đời sống đều phụ thuộc vào khả năng hòa hợp của bạn với những người khác, vào chất lượng những mối quan hệ đó. Chuyên gia tâm lý Sidney Jourard nhận thấy, có tới 85% hạnh phúc trong đời mỗi người đến từ các mối quan hệ tốt đẹp với người khác. Thú vị là điều ngược lại cũng đúng, tới 85% những trục trặc hay bất hạnh trong đời người ta đều bắt nguồn từ những khó khăn trong quan hệ với những người xung quanh.
Bán cho rất nhiều người
Ai cũng có thể bán hàng cho một vài người, vào một lúc nào đó. Nhưng chỉ rất ít các chuyên gia thực giỏi về quan hệ con người mới có thể bán hàng cho rất nhiều khách hàng và bán được nhiều lần. Cách duy nhất để bạn có thể kiếm được nhiều tiền và có khả năng bán hàng dễ dàng và liên tục với những khách hàng tiềm năng là bạn phải nhờ những khách hàng đó mời mọc thêm những người khác cho bạn thông qua sự chia sẻ thông tin và đề xuất sự tín nhiệm giữa họ với nhau. Tất cả các nhân viên kinh doanh giỏi đều xây dựng và duy trì mối quan hệ rất tốt với khách hàng và bán được nhiều lần trong suốt nhiều năm.
Cân nhắc thì duy lý nhưng quyết định lại… duy tình
Tất cả chúng ta đều rất nhạy cảm trong quan hệ với những người khác. Ta thường bị chi phối trước tiên bởi cảm xúc và hầu như mọi quyết định của ta đều dựa trên những gì ta cảm thấy. Ta có thể cân nhắc rất cẩn trọng những lý lẽ thực tiễn hay căn cứ theo lô-gich của vấn đề, nhưng trong những phân tích cuối cùng, chúng ta thường có xu hướng nghe theo tiếng nói bên trong, theo lời mách bảo của trái tim. Ta thường mua món hàng nào đó dựa theo cảm giác của mình về mối quan hệ với người khác. Do đó, ở đâu không có quan hệ, ở đó không có bán hàng.
Tập trung vào yếu tố chủ chốt
Tất cả những điều bạn đã từng học hỏi được về giá trị trong nghề bán hàng có liên quan tới sản phẩm hay dịch vụ cung cấp, hoặc về tính cách, sẽ chỉ có hiệu quả nếu nó đóng góp đáng kể vào việc gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng.
Hành động
Đây là 2 điều bạn có thể thực hiện ngay để áp dụng ý tưởng này:
Trước tiên, hãy trở thành chuyên gia về các mối quan hệ trong lĩnh vực bán hàng. Trước tiên, bạn hãy cứ tập trung vào mối quan hệ với khách hàng, đó là điều quan trọng trước nhất, tiếp đó thì việc buôn bán sẽ tự động diễn ra thôi.
Thứ 2, nếu đã gây được quan hệ với khách hàng, bạn hãy để tâm chăm lo nó. Đừng bao giờ quên chăm chút điều đó. Hãy dành sự chú tâm của bạn với họ như bạn vẫn thường làm với những vườn hoa.
Theo Dân Trí