Gây bão dư luận: Đề xuất trợ cấp thai sản cho sinh viên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Kỳ họp thứ hai, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc vừa kết thúc, bà Hạ Đan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển trực thuộc Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc đã gây bão dư luận khi tập trung vào vấn đề hôn nhân và sinh con của sinh viên đại học và nghiên cứu sinh trong đề xuất của mình.

Bà Hạ Đan đề nghị, nên đưa sinh viên đại học vào phạm vi bảo hiểm thai sản và hệ thống giáo dục phải được liên kết với chính sách kết hôn và sinh đẻ; đề xướng kết hợp khuyến khích kết hôn và sinh con đúng tuổi với cải cách và điều chỉnh hệ thống giáo dục tạo điều kiện cho các cá nhân đạt được sự liên kết có trật tự giữa sắp xếp học tập, sinh con và việc làm. Hỗ trợ sắp xếp hôn nhân và sinh con hợp lý cho sinh viên sau đại học và nghiên cứu sinh, hoàn thiện dịch vụ hôn nhân và sinh con cho sinh viên đại học; hỗ trợ về thời gian, tài chính và phục vụ cho những thay đổi trong học tập do các vấn đề về hôn nhân, sinh con và nuôi dạy con cái gây ra, đồng thời cung cấp bảo đảm y tế và trợ cấp sinh hoạt cho sinh viên đại học có con.

Gây bão dư luận: Đề xuất trợ cấp thai sản cho sinh viên ảnh 1

Sau nhiều năm hạn chế sinh đẻ, Trung Quốc giờ đây lại đau đầu về vấn đề dân số giảm

Bảo hiểm thai sản là chỉ "trợ cấp thai sản" - một thiết kế của hệ thống bảo hiểm xã hội, chức năng của nó là cho phép nhân viên nữ tham gia bảo hiểm được hưởng thu nhập tiền lương thay thế trong thời gian nghỉ sinh con. Nhưng hiện nay sinh viên đại học không thuộc phạm vi hưởng bảo hiểm thai sản.

Đầu năm nay, trang The Paper đăng bài viết "Chi tiết về sinh nở - 5 năm chờ đợi sinh con của một cặp vợ chồng tiến sĩ". Trong bài viết này, một cặp vợ chồng nghiên cứu sinh tiến sĩ đang công tác tại một trường đại học đã bày tỏ sự bối rối với phóng viên: họ muốn có con nhưng vì lý do kinh tế nên chưa dám tính đến. Cô vợ Từ Lệ nói với các phóng viên rằng, nếu việc sinh con khiến việc tốt nghiệp bị trì hoãn, họ sẽ không nhận được trợ cấp, họ vốn không có phụ cấp thai sản.

Bản tin thống kê quốc gia về phát triển giáo dục năm 2021 cho thấy trong năm 2021, Trung Quốc chiêu sinh mới 125.800 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 509.500 nghiên cứu sinh tiến sĩ đang theo học và 72.000 nghiên cứu sinh tiến sĩ đã tốt nghiệp. Số sinh viên đại học còn lớn hơn.Theo bản tin, năm 2021 có 4.446.000 sinh viên đại học thi đỗ và 18.931.000 sinh viên đang học.

Bà Hà Đan nói với The Paper: "Thời kỳ vàng son của sự nghiệp, học hành, hôn nhân và sinh con của chúng ta chồng chéo lên nhau, những điều này phải được sắp xếp hợp lý. Học tập và giáo dục là quá trình cả đời, vì vậy chúng ta có nên cân nhắc đầy đủ và sắp xếp hợp lý cho cả việc kết hôn và sinh con? Chúng ta vẫn chủ trương thanh niên phải kết hôn và sinh con đúng độ tuổi. Với mỗi cá nhân, tuổi nào cần làm việc nấy, cần yêu thì nên yêu, cần cưới thì cưới, khi nên có con thì nên sinh con”.

Sau khi đề xuất của bà Hạ Đan được truyền thông Trung Quốc đưa tin, đã trở thành chủ đề nóng trên mạng, vào chiều ngày 5/3, nó thậm chí còn vươn lên dẫn đầu danh sách tìm kiếm nhiều nhất của Sina Weibo, tuy nhiên, phần lớn cư dân mạng đều bày tỏ hoài nghi và chế giễu đề xuất này. Có người nói, đây chẳng phải là một hình thức trá hình khuyến khích sinh viên đại học sinh con sao?

Gây bão dư luận: Đề xuất trợ cấp thai sản cho sinh viên ảnh 2
Bà Hạ Đan

Cư dân mạng đặt nhiều câu hỏi về đề xuất của bà: “Ngụ ý của bà là khuyến khích sinh viên đại học có con khi đang đi học? Bà ấy đang nghĩ gì vậy?”; “Rốt cục vào đại học để học hay sinh con?”; “Trường học giờ đã trở thành nơi sinh con sao?” Cũng có cư dân mạng chế giễu: “Có gấp quá không? Hay là chỉ cần kết hôn sinh con là được vào đại học, không cần thi nữa”.

Tuần báo Tin tức Trung Quốc ngày 5/3 đưa tin bà Hạ Đan cũng đề xuất rằng, các trường tiểu học và trung học phải tăng cường giáo dục về dân số và điều kiện quốc gia, đồng thời thiết lập quan niệm đúng đắn về dân số và tỷ lệ sinh.

Về vấn đề này, tác giả Ngụy Xuân Lượng viết: “Con cái chúng ta thật vất vả. Chúng không chỉ phải chịu áp lực về học tập, thi cử mà nay còn phải gánh vác trách nhiệm của quốc gia dân tộc ngay từ khi còn nhỏ. Chúng vẫn là trẻ con, liệu có cần thiết phải có quan niệm đúng đắn về sinh đẻ, lớn lên, sinh con, giá trị duy nhất là sinh con, nên con cái chỉ là công cụ để “quy mô dân số”, “cơ cấu dân số” ?"

Một cuộc khảo sát vào năm ngoái với khoảng 20.000 thanh niên Trung Quốc (chủ yếu ở độ tuổi từ 18 đến 25) cho thấy 2/3 số người được hỏi trả lời họ không muốn có con. Mặc dù hiện tại nhiều thành phố đang ban hành các khoản trợ cấp để khuyến khích sinh con; như Thâm Quyến đã công bố đề xuất cung cấp khoản trợ cấp 7.500 Nhân dân tệ (26,25 triệu VND) cho các gia đình sinh một con, mức trợ cấp sẽ tăng lên cho mỗi đứa trẻ được sinh thêm.

Nhưng Tracy Trần, một luật sư 36 tuổi ở Thâm Quyến vừa mới kết hôn nói, những khoản trợ cấp đó chỉ đủ trả một tháng lương cho một bảo mẫu sống tại nhà. Tracy cho biết, ban đầu cô muốn có ba con vì muốn sống trong một gia đình lớn và sôi động dành cho người lớn tuổi. Nhưng hiện nay chỉ xem xét sinh một con, trợ cấp cũng tốt nhưng “không đủ để làm lung lay quyết định có con hay không”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.