Gặp nguy vì viết sách về đặc nhiệm diệt bin Laden

Gặp nguy vì viết sách về đặc nhiệm diệt bin Laden
TP - Nếu tờ Sun của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch có thể làm bẽ mặt hoàng gia Anh bằng cách mới đây cho đăng hình ảnh hoàng tử Harry khỏa thân, thì tại sao người đọc lại ngạc nhiên khi một lính đặc nhiệm hải quân Mỹ (SEAL) tiết lộ tất cả về trận đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden?

> Đặc nhiệm diệt bin Laden là 'độc nhất vô nhị'

Lính đặc nhiệm hải quân Mỹ chuẩn bị hành động. Ảnh: Navy SEAL
Lính đặc nhiệm hải quân Mỹ chuẩn bị hành động. Ảnh: Navy SEAL.

Nói ngắn gọn, người Anh tuân thủ truyền thống và tập quán, còn SEAL tuân thủ luật pháp Mỹ.

Cuốn sách No Easy Day: The Firsthand Account of the Mission That Killed Osama bin Laden (tạm dịch: Ngày không dễ dàng: Bản miêu tả trực tiếp về nhiệm vụ tiêu diệt Osama bin Laden) sẽ đến tay người đọc từ ngày 11-9 tới.

Tác giả cuốn sách là Mark Owen - bút danh của ông Matt Bissonnette, 36 tuổi. Mùa hè năm ngoái, ông giải ngũ, sau khi giành 5 huy chương Ngôi sao đồng và 1 huy chương Trái tim tía trong khi phục vụ trong lực lượng SEAL.

Có thể phải hầu tòa

Trước ngày No Easy Day lên giá sách, giới chuyên gia chỉ ra những việc sắp xảy ra. Trước hết, các luật sư của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đọc cuốn sách. Nếu sách chứa thông tin mật, Lầu Năm Góc sẽ đề nghị Bộ Tư pháp truy tố tác giả.

Tuần trước, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng George Little nói rằng, các quan chức quốc phòng có kế hoạch đánh giá cuốn sách về khả năng chứa đựng thông tin nhạy cảm.

Nếu No Easy Day không chứa thông tin mật, Bissonnette vẫn có thể bị truy tố vì ông rõ ràng đã vi phạm thỏa thuận không tiết lộ, theo đó tác giả phải trình lên chính phủ Mỹ tất cả những gì mình viết về quãng thời gian tại ngũ, trước khi xuất bản.

Có thể nói, vì từng là lính đặc nhiệm nên Bissonnette đang đối mặt mối nguy kép: Dù cẩn trọng để không tiết lộ bí mật của SEAL, ông vẫn có thể gặp rắc rối vì không để chính phủ xem xét, hiệu đính cuốn sách của mình trước khi in.

“Khi ai đó chế nhạo, coi thường thỏa thuận liên quan thông tin nhạy cảm ở cấp độ cao, chính phủ phải làm việc gì đó”, Eugene Fidell, cựu Giám đốc Viện Tư pháp Quân sự Quốc gia, giảng viên Đại học Luật Yale (Mỹ), nói.

Theo ông Fidell, đó có thể là việc áp đặt lệnh giới hạn theo kiểu ra tay trước hoặc tiến hành các thủ tục pháp lý để đưa người phạm tội ra tòa. Khi chưa phải buộc hành động, chính phủ “đã bỏ tù nhiều người vì tội tiết lộ thông tin mật”, ông nói.

Trong khi đó, một số cựu thành viên SEAL tỏ ra buồn vì ông Bissonnette đã phá vỡ truyền thống im lặng.

“Tôi bị shock và ngạc nhiên. Tôi sợ rằng, Bissonnette đã đặt một tấm bia lớn trên lưng mình và trên lưng gia đình mình”, Don Mann, cựu thành viên Đội SEAL số 6, nói.

Mann là tác giả cuốn sách Inside SEAL Team Six (Bên trong Đội SEAL số 6) xuất bản tháng 12 năm ngoái, sau khi được phía quân đội cắt gọt nội dung.

Các thành viên khác của cộng đồng SEAL cao cấp tỏ ra không quan tâm tới No Easy Day. Họ nói rằng, có thể viết sách về chiến dịch đột kích dinh thự của bin Laden ở Pakistan hồi tháng 5 năm ngoái và tiêu diệt trùm khủng bố này, mà không tiết lộ thông tin bí mật.

“Trong thập kỷ qua, liên tục có sách về các đội SEAL và vấn đề huấn luyện của họ. Thậm chí, ở một mức độ nào đó, có sách viết về các nhiệm vụ của họ”, cựu thành viên SEAL Stewart Smith nói.

Ông Smith nhận định: “Nhiệm vụ tiêu diệt Osama bin Laden là ví dụ điển hình của một nhiệm vụ cơ bản: Máy bay trực thăng thả quân, leo dây xuống thật nhanh, lục soát nhà và rút đi bằng trực thăng. Những nhiệm vụ như này được thực hiện hàng trăm lần. Kể từ khi có thể loại phim hành động, phim chiến tranh, chẳng có gì là Hollywood không làm”.

Tuy nhiên, truyền thống, tập quán của SEAL đang thay đổi, ông Smith, người cũng viết sách về lực lượng đặc biệt này, nói.

“Trước vụ tiêu diệt bin Laden, chúng tôi không bao giờ thốt ra từ Đội SEAL số 6 ở nơi công cộng. Chúng tôi phải thực sự cẩn trọng về mức độ thảo luận vì những người điều hành, thực hiện chiến dịch và gia đình họ có thể gặp nguy hiểm. Hy vọng rằng, những cuốn sách của các cựu thành viên SEAL sẽ không làm hại họ và gia đình họ”, ông Smith tâm sự.

Phải giữ bí mật trọn đời

Ông Mann nói rằng, các thành viên SEAL phải ký “một thỏa thuận nói rằng, chúng tôi không được tiết lộ thông tin mật. Nếu chúng tôi viết sách hoặc gửi bất kỳ thông tin gì cho công chúng thì những thông tin đó phải được một ban kiểm duyệt xuất bản xem trước”.

Các quan chức chính phủ Mỹ nói rằng ông Bissonnette, tác giả No Easy Day, đã không làm điều này. “Đó là một cam kết suốt đời. Chúng tôi không bao giờ được phép tiết lộ thông tin mật”, ông Mann nói.

Đã tham gia SEAL, phải biết im lặng
Đã tham gia SEAL, phải biết im lặng.

Luật im lặng và Tuần lễ địa ngục

“Trong SEAL, không có chỗ cho người lắm mồm. Nói chuyện ảnh hưởng xấu tới nhiệm vụ, dẫn tới thương vong”, Chris Heben, cựu thành viên SEAL có 10 năm kinh nghiệm chiến đấu ở châu Phi, Trung Đông và Afghanistan, nói. Các thành viên SEAL phải qua các bài kiểm tra thể chất, tâm lý và xã hội trong điều kiện áp lực cao và thể xác đau đớn. Hầu hết thành viên SEAL phải thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ. Khóa huấn luyện SEAL kéo dài từ 18 đến 24 tháng mà đỉnh điểm là Tuần lễ địa ngục kéo dài 5 ngày, trong đó học viên liên tục phải chịu rét, đói, ẩm ướt và gần như không được ngủ. Trong Tuần lễ địa ngục, huấn luyện viên cho học viên chợp mắt một lát rồi đánh thức rồi lại cho ngủ ngắn.

Ông Bissonnette đã thay tên của các đồng đội SEAL để bảo vệ danh tính của họ. “Chia sẻ câu chuyện thật về trải nghiệm cá nhân của mình trong No Easy Day là một hành động dũng cảm, vì phải đối mặt những nguy cơ rõ ràng về an ninh cá nhân”, người phát ngôn của nhà xuất bản Dutton, bà Christine Ball, phát biểu.

“An ninh cá nhân là lý do duy nhất cuốn sách được xuất bản với bút danh”, bà nói. Tuy nhiên, các sĩ quan quân đội bật cười trước ý nghĩ rằng ông Bissonnette sẽ bảo vệ được danh tính của mình dưới bút danh Mark Owen.

Tuần trước, Đô đốc William McRaven, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến dịch đặc biệt Mỹ, người thực sự chỉ huy chiến dịch tìm diệt bin Laden từ một căn cứ quân sự ở Afghanistan, cảnh báo rằng, các thành viên SEAL dù tại ngũ hay đã giải ngũ có thể bị truy tố hình sự nếu không để chính phủ xét duyệt sách của họ trước khi xuất bản.

“Mọi thành viên của cộng đồng chiến dịch đặc biệt phải ký một thỏa thuận không tiết lộ có giá trị trong suốt và sau khi họ rời quân ngũ”, ông McRaven viết trong email gửi quân của mình.

“Nếu Bộ Tư lệnh Chiến dịch đặc biệt Mỹ thấy bất kỳ quân nhân nào, dù đang tại ngũ, đã giải ngũ hoặc nghỉ hưu, vi phạm thỏa thuận đó và việc lộ thông tin ảnh hưởng sự an toàn của các lực lượng Mỹ, thì chúng tôi sẽ dùng mọi biện pháp có thể để buộc họ phải chịu trách nhiệm, kể cả việc truy tố hình sự nếu cần”, ông cảnh báo.

Nhà xuất bản Dutton thuộc tập đoàn Penguin của Mỹ nói rằng, phần lớn lợi nhuận thu được từ cuốn sách No Easy Day sẽ dành cho hoạt động từ thiện (hỗ trợ gia đình các thành viên SEAL thiệt mạng trong khi thi hành nhiệm vụ).

Dutton cũng nói rằng, cuốn sách không chứa thông tin mật. Tuy nhiên, điều đó có thể chưa đủ để bảo vệ tác giả khỏi những rắc rối pháp lý.

Steven Aftergood, chuyên gia về lĩnh vực bí mật công tác tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, nói rằng, Bissonnette có thể gặp rắc rối pháp lý vì ông chắc chắn đã ký thỏa thuận không tiết lộ.

“Các tòa án liên tục ủng hộ tuyên bố các cơ quan về việc nhân viên vi phạm hợp đồng. Gần đây nhất là trường hợp cựu nhân viên CIA Ishmael Jones”, ông Aftergood nói.

Viết về chống đẩy cũng gặp rắc rối

Chính phủ Mỹ sẽ làm gì vẫn là câu hỏi mở. Chính phủ có thể tìm cách ngăn chặn việc xuất bản hoặc phát hành cuốn sách không được kiểm duyệt trước, như trong trường hợp Anthony Shaffer.

Chính phủ cũng có thể tìm cách tịch thu các khoản tiền có được từ việc bán sách, như trong vụ Frank Snepp, ông Aftergood phân tích.

Cựu thành viên SEAL Smith biết rằng các lính đặc nhiệm không muốn người nhà cầm bút. “Tôi thực sự biết rằng, nhiều người không thông cảm việc thành viên SEAL viết sách. Tôi gặp một đống chuyện vớ vẩn phiền lòng khi ra khỏi lực lượng đặc biệt và viết cuốn sách đầu tiên - The Complete Guide to Navy SEAL Fitness (Cẩm nang toàn tập về rèn luyện thân thể của SEAL). Mà tất cả những gì tôi đề cập chỉ là bí quyết tập chống đẩy”, ông Smith than thở.

Thái An
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.