Được biết ông sẽ tái tạo hình ảnh cung Norodom (kiến trúc thời Pháp thuộc đã bị đánh bom năm 1962, trên nền đó dinh Thống Nhất được xây dựng-PV) trên mặt tiền dinh Thống Nhất như để nhắc nhở về sự có mặt của người Pháp ở Sài Gòn từ nửa sau thế kỷ XIX?
Tôi muốn mọi người được thưởng thức hình ảnh của một công trình kiến trúc. Ánh sáng 3D giúp tôi làm nên điều kỳ diệu đó. Đó là chất thơ trong công nghệ. Tôi chỉ muốn nhắc đến văn hóa, nghệ thuật, phong cảnh Việt Nam chứ không muốn động chạm gì đến chính trị. Bạn đừng hiểu lầm.
Trong tác phẩm ánh sáng kéo dài 20 phút tôi thực hiện tại dinh Thống Nhất, thì hình ảnh cung Norodom chỉ hiện lên 1 giây thôi. Tôi đã hỏi UBND thành phố và họ đồng ý cho tôi tái hiện hình ảnh này. Đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ. Rất nhiều người ở TPHCM sinh trước 1962 sẽ rất thích thú khi thấy lại hình ảnh này. Có thể nó sẽ gợi nhớ kỷ niệm xưa của họ.
Cả hai nhạc hội ở Hà Nội và show diễn ánh sáng tại TPHCM đều có Lê Cát Trọng Lý. Vì sao vậy?
Tôi mời Lý diễn cả 2 chương trình với hai cách thể hiện khác nhau. Lý là nghệ sĩ Việt Nam lớn nhất mà tôi biết. Chính vì thế tôi mới mời Lý tham gia chương trình ở Việt Nam và cả ở Pháp nữa.
Tôi không làm việc với nghệ sĩ nào mà tôi không biết họ trước. Một số người chơi trong Ohlala tôi từng làm việc cùng ở Festival Huế, tôi đã nghe khoảng 15 buổi hòa nhạc của Lý... Tôi biết nhiều nghệ sĩ Việt Nam nhưng những nghệ sĩ được chọn phù hợp với tiêu chí chương trình lần này.
Dựa vào đâu ông đánh giá Lý là “lớn”?
Cô ấy hội tụ 4 tố chất: khả năng sáng tạo, khả năng cảm thụ, khả năng biểu diễn và chất thơ trong âm nhạc rất mạnh. Cô ấy mạnh mẽ trong tâm hồn, có khả năng biểu cảm sâu sắc và tự nhiên. Khi tôi ở Pháp cách đây 1 năm, hàng xóm của tôi cũng là người Việt, bà ấy dịch cho tôi những lời thơ của Lê Cát Trọng Lý và tôi rất thích.
Ông có định làm một chương trình dài hơi kiểu Festival Huế nhưng là Festival Hà Nội hay Đà Nẵng chẳng hạn?
Tôi rất muốn làm một Festival ở Đà Nẵng hoặc ở Cần Thơ. Nếu ở TPHCM sẽ là Festival về đô thị. Hà Nội tôi thấy đã mọc lên nhiều tụ điểm văn hóa nhỏ do những người trẻ tạo ra rất hay...
Cụ thể khái niệm Festival đô thị mà ông muốn nói là gì?
Ví dụ Huế không phải Festival đô thị mà thiên về truyền thống trong không gian mang đậm tính di sản, cảnh quan bao gồm cả làng quê. Festival đô thị sẽ bao gồm những yếu tố về kiến trúc, giới trẻ, công nghệ cao, âm thanh điện tử, hình ảnh 3D kỹ thuật số... Show diễn ở dinh Thống Nhất chính là sự kiện tiêu biểu để mọi người hình dung về một Festival đô thị.
Nghệ sĩ Pháp Leila mà ông giới thiệu trong chương trình Ohlala vẫn giữ được bản sắc văn hóa Ả-rập của cô. Ở Việt Nam các nghệ sĩ trẻ thường rập khuôn theo mô hình nghệ sĩ Anh, Mỹ mà bỏ qua những gì độc đáo của truyền thống văn hóa. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Tôi không phản đối việc các nghệ sĩ phải đi xem thử các nền văn hóa khác, xem họ làm việc và biểu diễn thế nào. Nhưng khi cảm thụ được điều đấy rồi thì họ phải tạo ra cái riêng chứ không nên lặp lại. Như Lê Cát Trọng Lý nghe nhiều nhạc Anh, Mỹ, Pháp... nhưng nhạc của cô vẫn rất Việt Nam.
Duyên cớ nào đưa ông đến vai trò sản xuất các show diễn hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau?
Số phận đưa đẩy tôi đến công việc này một cách ngẫu nhiên. Tôi làm rất nhiều việc và nhiều vị trí khác nhau tùy chương trình. Tôi có thể là nhà sản xuất, giám đốc nghệ thuật, giám đốc hình ảnh... Tôi rất thích du lịch, công việc này cho phép tôi đi rất nhiều. Hồi đi học tôi chỉ học về luật.
Có thể gọi ông là một nghệ sĩ?
Không, tôi chỉ ở hậu trường, không lên sân khấu, không ai nhìn thấy, nên không phải nghệ sĩ.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Philippe Bouler sinh 1956, từng tổ chức các chương trình nghệ thuật quốc tế tại 50 quốc gia. Ông đến Việt Nam lần đầu năm 1984, sống và làm việc nhiều nhất ở Việt Nam và Argentina - đều trên chục năm. |