Anh ngạc nhiên: Sao lại tìm được tôi ? Bao nhiêu năm qua hầu như anh không xuất hiện trước thông tin đại chúng…
Anh Nguyễn Huy Hoàng bồi hồi nhớ lại: Chính tôi cũng bất ngờ khi được tham gia vào sự kiện trọng đại ấy.
Chiếc xe tăng thứ nhất húc đổ cổng Dinh Độc lập tiến vào mở đường, chiếc xe tăng thứ hai trên đó có anh Thận - người cắm cờ trên nóc dinh. Và xe thứ ba, là xe Jeep của chúng tôi. Trên xe có 5 người. Tôi là người đi cùng chỉ huy Phạm Xuân Thệ –Trung đoàn phó Trung đoàn 66 - với nhiệm vụ là “chiến sĩ truyền đạt” đồng thời bảo vệ chỉ huy. Năm ấy tôi rất trẻ và cũng mới nhập ngũ được 3 năm.
Xin anh kể lại lúc giáp mặt Dương Văn Minh ?
Anh Nguyễn Huy Hoàng |
Anh Nguyễn Huy Hoàng (N.H.H): Phó trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ đi thẳng vào phòng có Dương Văn Minh. Theo nhiệm vụ của mình tôi đi sát bên chỉ huy.
Tôi còn nhớ, khi chúng tôi bước vào Dương Văn Minh nói: Thưa các ông, tôi chờ quân giải phóng đến để bàn giao chính quyền. Anh Thệ đã nói rõ ràng: “Các ông không có gì để bàn giao đâu. Chỉ có đầu hàng quân giải phóng”. Dương Văn Minh cúi đầu, ấn tượng của tôi là Dương Văn Minh luôn cúi đầu. Đó là tư thế của người thất bại và lo sợ.
Suốt một quá trình tiếp xúc dẫn giải như thế, ông ta vẫn luôn sợ quân giải phóng hay còn sợ gì khác ?
Anh N.H.H: Ông ta sợ quân giải phóng, cái sợ đối với những người chiến thắng nhưng ông ta còn hoảng sợ vì lo các phe phái đối kháng trong chính phía ông ta sẽ sát hại ông ta.
Chính vì hiểu điều này nên chỉ huy của quân ta có trấn an Dương Văn Minh có thể yên tâm vì hiện tại quân giải phóng đã hoàn toàn làm chủ tình thế. Không có ai có thể làm hại ông ta.
Sau chiến thắng 30.4, anh nhận nhiệm vụ gì và xuất ngũ năm nào?
Anh N.H.H: Tôi còn vào Tây Nguyên truy kích tàn quân Phun- rô và công tác trong đó một năm nữa, năm 1976 thì tôi xuất ngũ. Trước khi đi đánh giặc năm 1972 tôi cùng một lúc nhận được giấy báo nhập ngũ và giấy báo trúng tuyển Đại học Kiến trúc.
Cũng giống như nhiều người sống trong thời kỳ ấy, tôi chọn đi bộ đội và mong ước ngày hoà bình sẽ về giảng đường đại học. Chúng tôi gọi đó là tinh thần Lê Mã Lương. Tôi trở về Hà Nội để theo học trường Đại học Kiến trúc. Nghĩ đến bạn bè cùng nhập ngũ có số người về quá ít mà thấy biết ơn và như mắc nợ.
Việc tham gia vào một sự kiện lịch sử trọng đại có đem đến thuận lợi đặc biệt nào cho anh trong đời sống?
Anh N.H.H: Có đấy. Đặc biệt nhất là tôi đã lấy được nhà tôi. Khi ấy mình hiền và thật thà lắm không biết làm xiêu lòng phụ nữ đâu. Nhưng khi tôi chỉ cho cô ấy xem ảnh dẫn giải Dương Văn Minh là cô ấy loại hết các “đối tượng” khác. Khi đang học cũng như lúc nhận công tác ai biết chuyện năm 1975 đều rất quý mình.
Ngày 30/4 hàng năm chúng tôi đều tổ chức liên hoan gặp mặt vui lắm. Có một cậu bạn cùng làm “chiến sĩ truyền đạt” luôn xúc động khi nhắc đến kỷ niệm một lần hai anh em gặp nhau đứng lại “truyền đạt” ở chân đồi chỉ mấy phút mà còn sống. Vì đúng lúc ấy trên đồi có bom và sau đó… không còn ai. Ngày ấy cánh truyền đạt luôn phải chạy bộ để đưa thông tin bằng miệng. Gian khổ, nguy hiểm lắm nhưng không làm lộ như lính thông tin có dây cũng như không dây dễ bị địch dò ra.
Anh có thể cho biết đôi nét về cuộc sống hiện tại?
Anh N.H.H: Tôi đã tham gia “bọc vỏ” cho những công trình lớn của Thủ đô thời kỳ đầu hoà bình như Khách sạn Hà Nội 11 tầng, toà nhà UBND thành phố. Một thời gian sau tôi nghỉ vì sức khoẻ sút. Tôi về làm kinh doanh và thiết kế may mặc ở hiệu may của gia đình số 1 Tràng Thi. Tôi có hai con trai đều đang theo học đại học. Nhớ lại ngày lịch sử 30/4 năm ấy, tôi vẫn còn nguyên xúc động và trân trọng.
Đó là kỷ niệm có ý nghĩa lớn nhất đời tôi.