Cả thập kỷ mới có lãi
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến nay, dù có nhiều chính sách đã được ban hành nhưng cả nước mới có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Con số này tương ứng 4,5% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam hiện nay. Theo các chuyên gia, đây là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp CNHT đang hoạt động rất hiệu quả tại nhiều quốc gia thuộc khối ASEAN. Còn so với khu vực châu Á và thế giới, tỷ lệ DN CNHT của Việt Nam "hiu hắt" hơn nhiều.
Doanh nghiệp CNHT gặp nhiều khó khăn về vốn, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, đầu ra sản phẩm. Ảnh: Như Ý |
Theo đánh giá, việc các DN “ngại” làm CNHT vì có quá nhiều khó khăn cũng như bài học khi tham gia vào lĩnh vực này. Các DN trong ngành CNHT đều khẳng định: Đây không phải chỗ để đầu tư theo phong trào, có cơ hội giàu nhanh như bất động sản, chứng khoán… và đặc biệt “kén” DN tham gia.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT thành phố Hà Nội (Hansiba) cho biết, các DN trong ngành đang gặp nhiều khó khăn về vốn, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, đầu ra sản phẩm… Sau 2 năm bị ảnh hưởng vì COVID-19, nhiều doanh nghiệp CNHT ở Hà Nội phải chuyển hướng sang kinh doanh mảng khác.
Phó Chủ tịch Hansiba chia sẻ, trong hoạt động sản xuất kinh doanh mảng CNHT, yếu tố cần và đủ là cơ chế chính sách cụ thể cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hạ tầng đất đai tiêu chuẩn để doanh nghiệp nước ngoài vào đặt hàng. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính, nguồn vốn kinh doanh để mua sắm máy móc thiết bị.
Ông Vân kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các DN ngành CNHT được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều đơn vị CNHT phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi. Bên cạnh đó, trên thực tế nhiều doanh nghiệp “cởi áo vest ra là hết tiền”.
“Doanh nghiệp CNHT mong có thể thế chấp bằng máy móc thiết bị, nhà xưởng, có thêm hình thức bảo lãnh 3 bên. Đề xuất Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội xem xét tài trợ cho vay các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội”, ông Vân kiến nghị.
Các DN CNHT cũng mong được tiếp sức từ chính sách thuế ưu đãi, giảm thuế xuất nhập khẩu do hầu hết nguyên liệu trong ngành là nhập khẩu. Dù đã có chính sách ưu đãi, ví dụ như Luật số 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế được ban hành từ năm 2014 nhưng đến nay chưa có DN trong nước nào được hưởng. Theo quy định của Luật, chỉ DN CNHT thành lập sau năm 2015 mới được hưởng ưu đãi thuế, nhưng số này lại rất ít.
Thiệt đủ đường khi đi tiên phong
Thực tế cho thấy, để đáp ứng yêu cầu tham gia các chuỗi sản xuất toàn cầu, không các DN trong nước đã đầu tư phát triển khu công nghiệp (KCN) dành riêng cho CNHT. Nhưng sau 6 năm hoạt động, mô hình này vẫn khó thu hút DN.
Đại diện Tập đoàn N&G, chủ đầu tư Khu công nghiệp Hanssip cho biết, việc quy định đối tượng vào KCN với danh mục cứng nhắc đang vô tình ‘trói’ Hanssip trong việc thu hút đầu tư. Hanssip từng tuột mất những hợp đồng hàng tỷ USD. “Một tập đoàn nổi tiếng thế giới từng có ý định đầu tư nhà máy 20 tỷ USD đặt tại Hanssip, phục vụ sản xuất tủ mát cho thị trường trong khu vực. Tuy nhiên, khi tiếp xúc để thực hiện đầu tư, DN được xác định kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, bị coi là DN sản xuất đồ uống, nên địa phương đã từ chối tiếp nhận đầu tư.
“Hanssip cũng từng mất hợp đồng với Tập đoàn Dệt may TAL (Đức), vì các quy định liên quan đến thu hút đầu tư có chọn lọc của địa phương dù phía đối tác cam kết xây dựng nhà máy xử lý nước thải khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn COP26. Tập đoàn TAL sau đó đã xây dựng nhà máy ở 1 KCN tại tỉnh Thái Bình”, đại diện Tập đoàn N&G cho biết.
Cùng với những quy định cứng về thu hút DN CNHT, chủ đầu tư Hanssip còn gặp khó trong việc hút đầu tư vì những vướng mắc kéo dài liên quan đường nhánh nối QL1A và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua KCN dù đơn vị đã tạm ứng 60 tỷ đồng chi phí làm đường cho huyện Phú Xuyên. Nhưng đến nay, sau 6 năm, đường gom từ KCN lên cao tốc vẫn chưa có.