Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19
TPO - Thông tin từ VCCI và Ngân hàng thế giới sáng nay 12/3, theo khảo sát, có 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho biết “không bị ảnh hưởng gì”. Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Sáng 12/3, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới tại Việt Nam công bố Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020”.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, báo cáo được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm vừa qua cho thấy, đại dịch Covid-19 nhìn chung có tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, có 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho biết “không bị ảnh hưởng gì”. Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 ảnh 1 Lễ công bố báo cáo

Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ. Tác động tiêu cực từ dịch Covid -19 với doanh nghiệp ở một số ngành đặc biệt lớn như: các ngành may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%)... Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm: bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%); nông nghiệp, thuỷ sản (95%)…

Đại diện VCCI cho biết, các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), và chuỗi cung ứng (33%). Dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với doanh nghiệp FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%).

 Để cầm cự trước dịch bệnh, khoảng 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Trong đó, các ngành cắt giảm nhân sự ở mức cao là thông tin truyền thông, sản xuất xe có động cơ và sản xuất chế biến đồ da. Đối với các doanh nghiệp FDI, đó là các lĩnh vực thông tin truyền thông, sản xuất chế biến đồ da và sản xuất, chế biến gỗ.

Doanh nghiệp muốn hỗ trợ gì tiếp? 

Về chính sách hỗ trợ của Chính phủ, qua khảo sát, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách tài khóa như: giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng…Tuy nhiên, việc tiếp cận một số chính sách vẫn còn nhiều rào cản, do đó cần có chương trình cụ thể để thúc đẩy thực thi các chính sách hỗ trợ đem lại hiệu quả thiết thực.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, để nâng cao hiệu quả thực thi, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.

Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 ảnh 2 Các ngành nghề chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19

Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Theo ông Lộc, trong thời gian tới cộng đồng doanh nghiệp mong muốn bên cạnh các chính sách đã được thực thi cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn. Chẳng hạn, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.

Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về vấn đề thuế, phí, đặc biệt là hỗ trợ về tài khóa tín dụng. Ngoài ra cần có những giải pháp cải cách thủ tục hành chính, có chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.

Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025. Cuối cùng, cần lan toả và nhân rộng được các mô hình, cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19.

MỚI - NÓNG