Theo báo cáo của ngành chức năng, từ đầu tháng 4/2024, châu chấu tre bắt đầu xuất hiện tại các huyện Nguyên Bình, Thạch An và Hoà An (tỉnh Cao Bằng). Đến thời điểm này, mật độ châu chấu tre trên các cánh rừng vầu phổ biến 600 - 1.000 con/m2, nơi cao 2.500 - 3.000 con/m2, cục bộ 7.000 - 8.000 con/m2.
Tổng diện tích cây trồng tại tỉnh Cao Bằng bị châu chấu tre gây hại lên đến gần 500 ha (trong đó có khoảng 300 ha rừng vầu).
Với mật độ cao hơn nhiều lần so với năm ngoái, các đàn châu chấu tre có xu hướng di chuyển nhanh, gây hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nếu không có biện pháp phun thuốc, diệt trừ kịp thời.
Châu chấu bu bám vào cây trồng với mật độ cao. |
Ông Hoàng Văn Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết: Đơn vị đã ban hành thông báo về tình hình châu chấu sinh trưởng và biện pháp phòng trừ, đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở hỗ trợ các huyện có châu chấu kiểm tra, theo dõi diễn biến và mức độ gây hại.
Từ tháng 6 - 9/2024 là thời gian bùng phát dịch hại. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu để UBND tỉnh Cao Bằng ban hành quyết định công bố dịch châu chấu tre hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Hoà An.
UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã huy động mọi nguồn lực của địa phương tổ chức phòng trừ châu chấu tre lưng vàng. Các đơn vị chức năng địa phương chủ động huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện công tác phun trừ châu chấu tre...
Nhà cửa cũng bị châu chấu tấn công. |
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ các ổ dịch châu chấu tre lưng vàng, để có các biện pháp phòng chống phù hợp. Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật đã có chuyến công tác tại Cao Bằng sẽ đánh giá quy mô ổ dịch châu chấu tre lưng vàng có đủ điều kiện để công bố dịch hay không.