Gần 40 nghìn căn hộ dự án vi phạm, “giải cứu” thế nào?

Tòa nhà Skyline ở Văn Quán, Hà Nội. Ảnh: Trần Hoàng.
Tòa nhà Skyline ở Văn Quán, Hà Nội. Ảnh: Trần Hoàng.
TP - Kết quả rà soát trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2017 cho thấy, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã buông lỏng quản lý, dẫn đến vi phạm xảy ra tại hơn 60% dự án đã triển khai, đẩy thành phố Hà Nội phải vận dụng tối đa quy định để giải quyết quyền lợi cho người dân.

Số liệu thống kê từ Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ), Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đến hết tháng 4/2017, Sở đã tiếp nhận và thẩm định 279 dự án, với tổng số khoảng 178.278 căn hộ cần cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ). Trong tổng số 279 dự án rà soát, có 173 dự án có sai phạm, chiếm trên 60% dự án. Số căn hộ cần cấp sổ đỏ thuộc nhóm dự án vi phạm là 110.720. Dự án vi phạm chia thành 3 nhóm, bao gồm: sai phạm về xây dựng, quy hoạch (như  tự ý xây tăng số tầng, tăng số căn hộ, xây dựng sai mật độ, xây sai diện tích xây dựng, tự ý chia nhỏ diện tích căn hộ so với thiết kế được duyệt...), với 75 dự án. Dự án có sai phạm về pháp nhân thực hiện dự án (chủ đầu tư dự án tự ý chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư thứ cấp, công ty mẹ chuyển nhượng dự án cho các công ty con mà không thực hiện thủ tục đúng theo quy định), 65 dự án; Dự án có sai phạm về nghĩa vụ tài chính (như chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính do điều chỉnh công năng sử dụng; do điều chỉnh cơ cấu, diện tích xây dựng...), với 33 dự án.

Sau khi thành phố Hà Nội cho phép khách hàng mua nhà trực tiếp làm và nộp hồ sơ cấp sổ đỏ khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, hiện Sở TN&MT đã cấp sổ đỏ với 74.438 căn hộ, số căn hộ chưa được cấp sổ đỏ là 36.282. Thông tin từ Văn phòng ĐKĐĐ Hà Nội cho biết, những dự án vi phạm đã được cấp sổ đỏ tập trung chủ yếu ở quận Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, trong đó có nhiều dự án thuộc hàng chung cư cao cấp.

Đối với 36.282 căn hộ nằm trong nhóm dự án vi phạm chưa được cấp sổ đỏ, Sở TN&MT kiến nghị thành phố Hà Nội cho phép Văn phòng ĐKĐĐ Hà Nội áp dụng các biện pháp tháo gỡ cấp bách nhằm giải quyết dứt điểm quyền lợi hợp pháp của người dân. Cụ thể, tiếp tục tiếp nhận thẩm định hồ sơ pháp lý dự án, rà soát tổng hợp trình Sở TN&MT các dự án có sai phạm báo cáo thành phố chỉ đạo xử lý chủ đầu tư. Tiếp nhận hồ sơ, trình Sở TN&MT cấp sổ đỏ đối với các căn hộ có sai phạm chưa được cấp sổ đỏ, nhưng người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư dự án có sai phạm mà không chờ kết quả xử lý sai phạm của các ngành.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, căn hộ thuộc nhóm dự án vi phạm chưa được cấp sổ đỏ phần lớn nằm trong danh sách 50 dự án vừa được thanh tra liên ngành kết luận vi phạm. Chủ đầu tư vi phạm buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính đối với sai phạm trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu xử lý. Quá thời hạn trên, cơ quan chức năng có thể đề nghị phong tỏa tài khoản, công khai tên doanh nghiệp vi phạm, kiến nghị thành phố không giao tiếp dự án. Xử lý chủ đầu tư và cấp sổ đỏ là hai việc tách biệt, Sở TN&MT đang đẩy nhanh tiếp nhận hồ sơ để cấp sổ đối với khách hàng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.