Gần 40 năm thầm lặng đi tìm hài cốt của đồng đội

Gần 40 năm thầm lặng đi tìm hài cốt của đồng đội
Gần 40 năm qua, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thanh Bình (xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, Nam Định) vẫn một mình lặng lẽ trên hành trình đưa những đồng đội đã hy sinh trở về với gia đình, quê hương.

Gần 40 năm thầm lặng đi tìm hài cốt của đồng đội

> Nhà ngoại cảm càng nổi tiếng, càng... tai tiếng
> 'Nhà ngoại cảm' biến răng lợn thành hài cốt liệt sĩ 

Gần 40 năm qua, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thanh Bình (xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, Nam Định) vẫn một mình lặng lẽ trên hành trình đưa những đồng đội đã hy sinh trở về với gia đình, quê hương.

Tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN).
 

Công việc âm thầm đó, với ông vừa là trách nhiệm vừa là lời tri ân cho những hy sinh, mất mát vô cùng to lớn của các đồng chí, đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường.

Năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Bình gia nhập đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước thuộc Đại đội 261, N37 (sau đổi thành C389), sống chiến đấu trên tuyến lửa 22 thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Kháng chiến thắng lợi, trong khi ông và nhiều người may mắn được trở về thì biết bao đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường.

Trở về địa phương, ông vẫn tiếp tục công việc xây dựng cuộc sống gia đình, xây dựng lại quê hương đất nước. Sống trong cảnh thanh bình, quê hương ngày một đổi mới, ông càng thấm thía sự cống hiến và hy sinh của đồng chí, đồng đội, của bao người đã ngã xuống cho nền độc lập của đất nước. Ông luôn mang trong mình nhiều trăn trở về những người đồng đội vẫn còn nằm lại nơi chiến trường. Năm 1976, ông bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt đồng đội cho tới bây giờ.

Ông cho biết: "Trở về quê hương, hình ảnh những người đồng đội hy sinh tại chiến trường lúc nào cũng ám ảnh tôi, đặc biệt là đồng chí Roãn Thanh Đức (xã Giao Hà, Giao Thủy) cùng đơn vị tôi hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên tuyến lửa 22. Lúc đó đồng chí bị mảnh bom sát thương xé ngược thân từ lưng lên cổ và ngã xuống một căn hầm. Đồng chí được đơn vị làm lễ truy điệu, tiễn biệt giữa khu rừng thuộc huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, sau đó mộ đồng chí được mai táng tại km 17, tuyến 22. Tôi đã tự hứa dù thế nào cũng phải tìm ra được mộ của đồng chí để đưa về an táng tại quê nhà."

Tháng 2/1976, ông Bình bắt đầu chuyến đi đầu tiên tìm hài cốt ông Roãn Thanh Đức. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực, ông Bình vẫn không thể tìm thấy được mộ của đồng đội. Trong quá trình tìm kiếm mộ các liệt sỹ, tình cờ đến tháng 4/1997, ông Bình mới được biết thông tin mộ liệt sỹ Roãn Thanh Đức được quy tập, di chuyển ra km số 0, tuyến 22 và sau đó tiếp tục di chuyển qua phía Nam của Đèo Ngang (Quảng Bình).

Sau khi khảo sát nghĩa trang Trường Sơn không có kết qu, ông Bình lại đi ngược từ Đồng Hới ra khảo sát các nghĩa trang ven quốc lộ 1. Sau rất nhiều khó khăn, vất vả lặn lội nhiều ngày cuối cùng, ông cũng tìm được mộ liệt sỹ Roãn Thanh Đức tại nghĩa trang xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vậy là sau hơn 20 năm, cuối cùng tâm nguyện tìm và đưa người đồng đội Roãn Thanh Đức trở về với gia đình của tôi đã hoàn thành.

Cũng trong chuyến đi tìm mộ liệt sỹ Roãn Thanh Đức, ông Bình đã tìm được mộ liệt sỹ Phạm Đức Nhuận (Giao Thủy) ở nghĩa trang huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tại đây, ông cùng em trai liệt sỹ Phạm Đức Nhuận đã vỡ òa khi tìm thấy mộ của liệt sỹ Nhuận với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và người dân. Mộ của liệt sỹ Trần Đình Hợp (xã Giao Lâm, Giao Thuỷ) và đồng chí Nguyễn Văn Hợp (xã Thọ Nghiệp, Xuân Trường) cũng may mắn được tìm thấy trong chuyến đi này. Năm 1998 ông tiếp tục tìm kiếm được mộ liệt sỹ Trịnh Thị Mừng (xã Giao Hải, Giao Thủy).

Gần 40 năm qua, ông Bình đã cùng với người thân của các liệt sỹ đã đi từ Bắc vào Nam để tìm và đón rất nhiều liệt sỹ thuộc đơn vị về với gia đình, quê hương. Những chuyến đi này với ông có rất nhiều kỷ niệm và ý nghĩa.

Ông tâm sự đồng đội của ông đã nằm yên nghỉ ở các địa phương khác nhau, sau nhiều năm bị di chuyển nhiều địa điểm do biến động của tự nhiên và con người. Một phần nữa do hồ sơ quy tập của đơn vị và các địa phương không được hoàn chỉnh nên không biết được cụ thể nơi các đồng đội an nghỉ.

Kể về các chuyến đi của mình, ông Bình cho biết không phải chuyến đi nào ông cũng thành công, có khi vất vả đi lại vài ba lần vẫn về không là chuyện bình thường.

Nhiều đồng đội của ông, tới nay sau gần 40 năm, vẫn chưa được tìm thấy để đưa về quê hương với gia đình khiến ông rất day dứt, trăn trở. Nhớ những lần trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội, tuyến lửa 22 của những năm 1966, 1968 giờ đã thành hồ Kẻ Gỗ mênh mông, đứng trên đập hồ vào tiết trời mùa Đông ảm đạm, không một tia hi vọng, một nguồn tin, vết tích nào của đồng đội khiến tim ông như thắt lại. Lúc đó ông nghĩ “Phải chăng đồng đội vẫn đang nằm lạnh lẽo đâu đó dưới đáy hồ sâu thăm thẳm kia”... và lại trào nước mắt...

Mỗi chuyến đi ông đều phải tự túc lo chi phí đi lại, tìm kiếm. Ông thường chuẩn bị gạo, mỳ tôm và thức ăn khô trước mỗi lần đi. Đến các địa điểm tìm kiếm, ông xin ở nhờ nhà dân rồi tự nấu ăn bằng đồ mang theo. Có những thời điểm gia đình khó khăn, mặc dù điều kiện không có, phải đi vay mượn khắp nơi nhưng chỉ cần có thông tin về đồng đội ở đâu là ông lại lên đường.

Với ông, công việc đi tìm hài cốt đồng đội gần 40 năm qua tuy rất vất vả và tốn kém, nhưng đó là trách nhiệm ông thấy mình cần phải làm cho những hy sinh, mất mát vô cùng to lớn của các đồng chí, đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Những chuyến đi tìm đồng đội của ông chuyến đi nào cũng thấm đẫm nước mắt của người thân liệt sỹ và người dân địa phương. Năm 2011, ông đi liên tiếp 3 chuyến đến thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), cửa khẩu Bu Prăng (tỉnh Đắk Nông), Angkor Wat (Campuchia) để tìm và đưa về quê an táng được 3 liệt sỹ là liệt sỹ Nguyễn Quang Minh, liệt sỹ Nguyễn Thế Vân và liệt sỹ Nguyễn Quốc Hương (huyện Giao Thủy).

Ông Bình cho biết động lực thôi thúc ông mỗi ngày tiếp tục đi tìm đồng đội chính là xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của ông cũng như tâm tư, nỗi đau của những gia đình có người thân hy sinh tại chiến trường vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Tâm nguyện lớn nhất đời ông là ngày nào còn đi được thì ông vẫn tiếp tục đi tìm và đưa đồng đội mình trở về với gia đình, quê hương.

Theo Thùy Dung
TTXVN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG