Gần 13 năm "đòi" huy chương kháng chiến

Ông Nguyễn Văn Sung chưa nhận được khoản hỗ trợ một lần cho người được tặng thưởng huy chương kháng chiến
Ông Nguyễn Văn Sung chưa nhận được khoản hỗ trợ một lần cho người được tặng thưởng huy chương kháng chiến
TP - Sau 13 năm được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, người có công phải nhiều lần gõ cửa nhiều cơ quan chức năng đòi lẽ phải, UBND xã Hương Xuân, huyện Hương Trà (tỉnh TT- Huế) mới chịu trao huy chương và thừa nhận có thiếu sót.
Ông Nguyễn Văn Sung chưa nhận được khoản hỗ trợ một lần cho người được tặng thưởng huy chương kháng chiến
Ông Nguyễn Văn Sung chưa nhận được khoản hỗ trợ một lần cho người được tặng thưởng huy chương kháng chiến .

Tháng 8-1997, ông Nguyễn Văn Sung (SN 1917, thôn Thanh Lương 3, xã Hương Xuân) được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất theo hồ sơ đề nghị từ năm 1995.

Sau khi huy chương được chuyển về địa phương, UBND xã đã không thực hiện thủ tục trao cho người có công theo quy định. Khi biết những người làm hồ sơ cùng đợt đã được tặng thưởng, ông Sung kiến nghị UBND xã xem xét nhưng không có kết quả.

Không bỏ cuộc, ông Sung và người nhà gõ cửa nhiều cơ quan cấp tỉnh. Năm 2008, theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, gia đình ông Sung gửi đơn cho UBND xã đề nghị giải quyết. Lúc này, cán bộ xã không những không kiểm tra, xử lý mà nhiều lần yêu cầu gia đình ông Sung rút đơn.

"Ông Phạm Viết Hồng (cán bộ văn hoá - xã hội của xã) trả lời trường hợp của tôi không được tặng huy chương, còn nếu muốn thì cứ tự đi tìm lấy. Là người từng duyệt hồ sơ năm 1995 của tôi, nhưng ông ấy nói không biết hồ sơ này”, ông Nguyễn Văn Sung nói.

 Bằng công nhận huy chương kháng chiến 13 năm nằm tại trụ sở UBND xã Hương Xuân
Bằng công nhận huy chương kháng chiến 13 năm nằm tại trụ sở UBND xã Hương Xuân . Ảnh: Ngọc Văn

Cuối năm 2009, gia đình ông Sung phát đơn khiếu nại UBND xã Hương Xuân sau khi nắm được hồ sơ xét duyệt các chế độ người có công do xã lập năm 1995. Đến tháng 2-2010, UBND xã bất ngờ thông báo huy chương của ông Sung đã được tìm thấy trong ngăn tủ.

Ông Trần Viết Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, mất 2 năm (từ năm 2008 đến 2010) cán bộ xã mới tìm ra huy chương. Anh Nguyễn Văn Y (con ông Sung) không đồng tình cách giải thích này: "Nếu chúng tôi không tìm ra biên bản xét duyệt của UBND xã vào năm 1995 để làm cơ sở khiếu nại, có lẽ sự việc vẫn rơi vào im lặng".

Phân trần về tấm huy chương kháng chiến bị thất lạc 13 năm, ông Phạm Viết Hồng cho rằng: "Do qua nhiều đời cán bộ phụ trách LĐ-TBXH, công tác bàn giao sổ sách không rõ ràng, nên khi nhận được kiến nghị từ ông Sung, chúng tôi không rõ trường hợp này có được tặng huy chương hay không. Tôi là người từng xét duyệt hồ sơ của ông Sung năm 1995, đến năm 1996 trở đi không còn phụ trách lĩnh vực LĐ-TBXH nữa nên không rõ những diễn biến về sau này".

Khi chúng tôi thắc mắc lý do, khiến ông Hồng yêu cầu dân rút đơn khiếu nại, việc tìm huy chương không hề phức tạp, vì nằm ngay tại UBND xã, cả vị cán bộ này và Bí thư Đảng uỷ xã đều lưỡng lự.

Ông Ngô Quang Thảo, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hương Xuân thừa nhận: "Dù giải thích thế nào, chúng tôi cũng có thiếu sót về việc để huy chương thất lạc.

Là người kế nhiệm công tác tại địa phương, tôi nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm về việc này. Thời kỳ bác Sung được tặng thưởng, liên tục có 3 cán bộ làm công tác LĐ-TBXH của xã bị vi phạm kỷ luật phải nghỉ việc, nên có thể một trong số họ đã bỏ quên huy chương trong tủ hồ sơ mà không báo cho lãnh đạo xã biết".

Tấm huy chương ghi nhận đóng góp xương máu của ông Sung sau 13 năm thất lạc hiện trở về với chính chủ. Tuy nhiên, khoản chế độ hỗ trợ theo quy định hiện hành vẫn chưa được các cơ quan chức năng tại tỉnh TT- Huế giải quyết.

Tháng 3-2010, ông Sung lập hồ sơ xin hưởng chế độ một lần theo hướng dẫn của UBND xã Hương Xuân. Sau 5 tháng trình lên Phòng LĐ-TB&XH huyện, hồ sơ lại quay vòng về địa phương vào tháng 8-2010 với yêu cầu kê khai lại theo mẫu mới. Thêm 3 tháng sau khi hồ sơ bổ sung được gửi đi, hiện ông Sung vẫn chưa nhận được hồi âm kết quả.

"Mỗi lần bà con lối xóm đến thăm, nhìn tấm huy chương trên tường, ai cũng chúc mừng tôi về khoản chế độ chính sách kèm theo lúc về già. Cứ nghe mà chạnh lòng. Năm nay 94 tuổi, không biết đến ngày nhận chế độ tôi có còn sống hay không", ông Sung thở dài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG