Gần 100 khách quốc tế đến Việt Nam dự sự kiện hòa bình thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hơn 200 đại biểu, trong đó có gần 100 khách quốc tế, sẽ dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới diễn ra trong tuần tới, tại Hà Nội và Quảng Ninh.
Gần 100 khách quốc tế đến Việt Nam dự sự kiện hòa bình thế giới ảnh 1

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (giữa) cung cấp thông tin cho báo chí về Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới. (Ảnh: Thu Loan)

Ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho biết: Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 20-27/11, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Ủy ban Hòa bình Việt Nam. Gần 100 đại biểu đến từ 49 tổ chức thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới sẽ có mặt tại sự kiện này.

Hội đồng Hòa bình thế giới là cơ quan lãnh đạo phong trào hoà bình thế giới có cơ cấu quốc tế lớn nhất hiện nay, với 135 tổ chức thuộc các đảng cộng sản và cánh tả thuộc hơn 100 quốc gia. Ra đời từ phong trào quần chúng ủng hộ hòa bình, trải qua hơn 70 năm phát triển, hội đồng trở thành một bộ phận cấu thành phong trào hòa bình thế giới, hợp tác chặt chẽ với các phong trào quốc tế và các quốc gia khác, nhằm mục tiêu thúc đẩy nền hòa bình chung của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của phong trào hòa bình thế giới và sự cần thiết kết nối Việt Nam với phong trào quốc tế này. Việt Nam đã cử 11 đại biểu tham gia Hội nghị những người bảo vệ hòa bình thế giới năm 1949, trong đó có giáo sư Phạm Huy Thông và nhà toán học Lê Văn Thiêm.

Vì vậy, Việt Nam được coi là một trong những nước đã tham gia sáng lập Hội đồng Hoà bình thế giới. Năm 1950, Việt Nam tiếp tục cử đoàn đại biểu từ chiến khu đi tham dự Đại hội lần thứ 2 của Hội đồng Hoà bình thế giới tại Warsaw, Ba Lan. Tại đại hội này, hội đồng đã lần đầu tiên ra tuyên bố ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.

Cũng trong năm này, dù trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, Việt Nam vẫn thu được gần 6 triệu chữ ký để hưởng ứng Lời kêu gọi Stockhom về cấm vũ khí hạt nhân.

Ngày 19/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam (nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam). Một trong những nhiệm vụ của ủy ban là tham gia làm thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới.

Hơn 7 thập kỷ qua, Hội đồng Hòa bình thế giới luôn đồng hành cùng Việt Nam, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử, từ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đặc biệt trên các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nạn nhân da cam, nhân quyền.

Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực của Hội đồng Hòa bình thế giới, được tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch và thành viên Ban Thư ký của hội đồng trong nhiều nhiệm kỳ qua.

MỚI - NÓNG