Về thương mại hóa, Trung Quốc với sản phẩm "Võ lâm truyền kỳ" của Kingsoft đã làm ồn ào dư luận xã hội. Tuy nhiên, Hàn Quốc lại hơn hẳn số lượng game đã du nhập vào VN, bằng cách bán bản quyền cho VinaGame, FPT và một số nhà cung cấp dịch vụ khác.
Chính yếu tố này kích thích các DN Game online (GO) Hàn Quốc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại vào VN. Hàn Quốc cũng là quốc gia tổ chức bài bản các đoàn DN về lĩnh vực này sang VN với các chương trình hội thảo, gặp gỡ trao đổi. 14 DN TCTT Hàn Quốc đã có những cuộc tiếp xúc 1-1 với 18 DN VN.
GĐ phụ trách tiếp thị nội dung kỹ thuật số của Cơ quan xúc tiến Công nghệ thông tin Hàn Quốc (KIPA)-ông Myong You-cho biết: "Sau 5 năm phát triển, hiện doanh số từ công nghiệp GO của Hàn Quốc đã vượt qua ngành điện ảnh. Hàn Quốc đang đặt ra mục tiêu đến năm 2007 sẽ là 1 trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và cung cấp dịch vụ GO".
Thị trường GO Hàn Quốc tăng trưởng hơn 30% trong năm 2005. Quốc gia này cũng đã xuất khẩu GO ra nhiều nước trên thế giới.
Theo báo cáo của ông Trương Hoài Trang-Phó chủ tịch Hiệp hội phần mềm VN (Vinasa): Mục tiêu đến năm 2010 VN có khoảng 83 Cty làm game, mỗi Cty có (tối thiểu) 1 game tham gia thị trường với doanh số 1 triệu USD/game, nhưng như thế game trong nước sản xuất cũng chỉ chiếm 25% thị phần nội địa, còn lại vẫn là "miếng bánh" của game nhập khẩu. Song đó vẫn có thể xem là một cái nhìn khả quan về GO nội địa. Cho nên có thể hiểu, một thị trường đầy tiềm năng chính là yếu tố tiên quyết hấp dẫn các DN GO Hàn Quốc.
Trước khi các Cty GO Hàn Quốc sang VN, một số nhà cung cấp dịch vụ GO trong nước đã có kế hoạch nhập khẩu game từ quốc gia này. Chuyến đến thăm, tìm kiếm cơ hội hợp tác tại TPHCM sẽ càng kết nối chặt hơn mối quan hệ thương mại trước đó, và cũng chính là dịp để các DN GO Hàn Quốc tìm kiếm thêm khách hàng tại VN.
Theo Lao động