“Găm” lương để chống trốn

“Găm” lương để chống trốn
TP - Đó là một trong những gợi ý của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nhằm ngăn chặn lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn, tại hội nghị hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 10-8, tại Hải Dương.

> Loạn xuất khẩu lao động

Tỷ lệ bỏ trốn cao nhất

Ông Ha Chan Ho - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đang rất lo ngại trước tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tăng. Hiện, lao động Việt Nam bỏ trốn cao nhất trong số 15 nước được phép đưa lao động vào Hàn Quốc.

Trong khi đó, theo ông Choi Tai Ho - Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh, chính vì lao động Việt Nam bỏ trốn tăng nên Chính phủ Hàn Quốc đã dừng thi tiếng Hàn ba tháng trong năm 2011.

“Chính phủ Việt Nam phải có biện pháp giảm lao động bỏ trốn một cách hiệu quả. Người lao động Việt Nam phải nộp khoản phí cao gấp nhiều lần so với quy định (gần 700 USD). Về khoản chi phí này, các cơ quan chức năng Việt Nam cần sớm vào cuộc để kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn” - ông Choi Tai Ho nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, điểm ưu việt của Chương trình EPS là chi phí thấp, quy trình tuyển chọn đơn giản, minh bạch, dễ dàng tiếp cận.

Tại Hải Dương, đã có hơn 2.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Tình trạng lao động bỏ trốn, đang gây ảnh hưởng quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

“Lao động bỏ trốn cư trú bất hợp pháp là nguyên nhân cản trở những lao động có đủ điều kiện được sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS” - ông Hiển nói.

Nên áp dụng biện pháp kinh tế

Để sang được Hàn Quốc làm việc, lao động phải tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Ảnh: Phong Cầm
Để sang được Hàn Quốc làm việc, lao động phải tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Ảnh: Phong Cầm.
 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vấn đề lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp liên quan tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và liên quan hầu hết các cơ quan chức năng giữa hai nước.

“Nếu lao động nước ta bỏ trốn nhiều nhất trong số 15 nước rõ ràng sẽ tác động đến các nước khác. Vì thế, chúng ta phải thấy rõ trách nhiệm để cùng với phía bạn ngăn chặn tình trạng này” - ông Nhân nói.

Ông Nhân cho rằng, cần tìm hiểu rõ động cơ vì sao lao động Việt Nam bỏ trốn cao. Hiện có 12 tỉnh, thành phố có 15 lao động trở lên bỏ trốn tại Hàn Quốc. Với những tỉnh này phải có giải pháp đặc thù.

Các tỉnh phải có trách nhiệm với đất nước chứ không phải chỉ riêng với tỉnh mình. Những tỉnh này cần phải thống nhất đưa ra biện pháp đặc thù, quyết liệt để ngăn chặn lao động bỏ trốn, nhất là Hà Nội vì hiện nay đây là thành phố có tỷ lệ bỏ trốn cao nhất (hơn 500 người).

“Làm thế nào để tránh việc lao động ở lại Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng? Có thể điều chỉnh bằng chính sách hay không? Ví dụ, có thể không yêu cầu lao động đặt cọc tiền khi đi nhưng khi gửi tiền về, có thể giữ một phần ở ngân hàng. Ai về nước đúng hạn thì sẽ được trả cả gốc và lãi. Về biện pháp này chúng ta thử bàn với bạn xem có được không? Ví dụ năm cuối cùng, giữ 15% tiền lương của lao động. Để tiền ở ngân hàng, người lao đông vừa có gốc vừa có lãi. Chúng ta cố gắng giải quyết bằng biện pháp kinh tế mà không sử dụng biện pháp cưỡng bức hành chính là tốt nhất” - Phó Thủ tướng đề xuất.

Ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình cho biết: “Riêng Ninh Bình, chưa có một lao động nào bỏ trốn tại Hàn Quốc. Sỡ dĩ có được như vậy là vì chúng tôi đến từng gia đình vận động, tuyên truyền”- ông Phú nói.

Ông Phú cũng đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH cần bàn bạc với bạn, để đẩy nhanh tiến độ đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc đối với những lao động đã trúng tuyển trong kỳ thi tiếng Hàn để tránh tiêu cực.

10.000 người bỏ trốn

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện thoả thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, từ năm 2004 đến nay, có gần 70.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình Cấp phép mới cho người nước ngoài (EPS).

Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có gần 6.500 lao động được đưa sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình này. Hiện, tổng số lao động đi theo Chương trình EPS đang làm việc tại Hàn Quốc là 63.000 người, trong đó có khoảng hơn 10.000 người hết hạn hợp đồng nhưng không về nước, trốn ở lại làm việc bất hợp pháp.

Theo ông Hòa, người lao động làm việc tại Hàn Quốc có thu nhập cao, bình quân từ 900-1.200 USD/tháng. Từ nguồn thu nhập hằng năm, người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc gửi về nước cho gia đình trên 600 triệu USD.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đang có 12 tỉnh, thành phố có lao động bỏ trốn với tỷ lệ cao. Một số tỉnh thành phố có tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc cao như: Hà Nội (hơn 500 người), Nghệ An (hơn 300 người), Hải Dương (hơn 200 người), Thái Bình (hơn 100 người)...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG