Gà thải loại dễ trà trộn vào nhà hàng, quán ăn

Gà thải loại dễ trà trộn vào nhà hàng, quán ăn
Một tiểu thương cho biết, gà thải loại Trung Quốc hiện ít được bán đến tay người tiêu dùng dưới dạng sống mà thường thịt sẵn để trà trộn với gà ta.

Chị Vinh, một người chuyên buôn gà thịt cho một số chợ tại khu vực Cầu Giấy cho biết, khoảng một tuần gần đây chị không còn nhập được loại gà thải loại Trung Quốc. Trước đây, hàng ngày chị xuống chợ Hà Vỹ (Thường Tín) để nhập hàng và đi giao cho các chợ.

Gà thải loại dễ trà trộn vào nhà hàng, quán ăn ảnh 1

Người tiêu dùng nhìn bằng mắt thường khó mà phân biệt được gà thải. Ảnh minh họa

"Tôi chuyên giao gà ta nhưng có một số cửa hàng lại muốn nhập thêm loại gà Trung Quốc vì giá rẻ, dễ bán nên tôi vẫn phải lấy thêm. Tuy nhiên, gần đây ở chợ Hà Vỹ không có gà thải loại nữa vì bị kiểm tra gắt gao. Vài ngày trước có người bị tịch thu cả xe hàng để tiêu hủy", chị Vinh cho hay.

Mối buôn này còn cung cấp cả ngan, vịt. Tuy nhiên, nhu cầu mua mặt hàng này vào dịp đầu năm không nhiều nên chủ yếu chị Vinh thu gom tại một số chuồng trại ở khu vực Sơn Tây, Thạch Thất... Về cách phân biệt gà thải loại, chị Vinh cho biết loại này thường bị rụng lông vùng cổ và đầu, da sần, móng chân dài, hậu môn to hơn gà ta.

Theo khảo sát của VnExpress.net, tại một số chợ của Hà Nội không thấy xuất hiện loại gà sống thải loại được nhập từ Trung Quốc. "Trước đây tôi có lấy loại này để bán cho một số quán ăn bình dân. Họ thích loại này vì giá rẻ nhưng dai như gà ta. Gần đây có dịch cúm, tôi không dám lấy nữa, sợ lây sang người", chị Nga, một tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết.

Ở các sạp hàng bán gà thịt sẵn, các tiểu thương đều giới thiệu bán gà ta, gà đồi Yên Thế hoặc gà mía Sơn Tây. Tuy nhiên, theo chị Nga, trước đây, nhiều cửa hàng vẫn trà trộn cả gà thải loại để bán. "Người tiêu dùng nhìn bằng mắt thường khó mà phân biệt được. Chỉ khi ăn mới thấy gà nhạt và dai hơn bình thường", chị Nga cho hay.

Theo chị Toan, chuyên bán gà tại chợ Xuân Đỉnh, gần đây, gà thải loại ít được bán đến tay người tiêu dùng dưới dạng còn sống. Nhiều cửa hàng thịt sẵn rồi trà trộn để bán lẫn cùng gà ta, do đó khách hàng khó phân biệt.

Một cách nữa để tiêu thụ mặt hàng này là cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng. "Sau khi chế biến rồi chẳng ai biết là loại gà gì nữa", chị Toan cho biết.

Tiểu thương này cũng cho hay, tuy hiện gà ta rẻ hơn trước nhưng giá vẫn khá cao, bán ra khoảng 110.000-130.000 đồng một kg. Nếu nhập gà ta thật, giá đầu vào cũng đã khoảng 70.000-80.000 đồng. Trong khi đó, nếu là gà thải loại thì giá nhập chỉ bằng một nửa.

Mới đây, Tổ chức Thú y Thế giới cảnh báo, tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và vùng lãnh thổ Đài Loan đã xuất hiện virus cúm độc lực cao H5N2 gây ổ dịch lâm sàng và chết nhiều gia cầm. Tại Việt Nam, dịch cúm H5N1 trên đàn gia cầm cũng đã xuất hiện nhỏ lẻ ở một số địa phương. Trong tháng 1 đã có 2 trường hợp tử vong do mắc virus cúm trên

Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc cũng khuyến cáo nguy cơ virus cúm H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam từ các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao. Do đó, ngày 14/2, Thủ tướng đã có yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch cúm. Trong đó, văn bản nhấn mạnh việc nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Trước đó, theo đại diện đơn vị quản lý thị trường, hiện tại ở chợ Hà Vỹ (Thường Tín) hay chợ giống gia cầm Phú Xuyên, các sản phẩm nhập lậu đã không còn do kiểm soát tốt.

Về câu hỏi liệu gà thải loại có được trà trộn để bán cho các quán ăn, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho rằng, điều này chưa thể khẳng định. Tuy nhiên, tới đây ngành sẽ đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn việc vận chuyển gà lậu vào nội địa.

"Phải chặn từ đầu vận chuyển, chứ nếu chỉ đi kiểm tra tại các chợ, quán ăn cũng rất khó kiểm soát", vị này cho hay.

Theo Ngọc Minh

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.