Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Người ta gọi Lê Hùng là phù thủy sân khấu vì những ngón nghề đa dạng, biến ảo và kỳ thú của anh.
Nhưng giờ đây, trên cương vị Giám đốc mới của Nhà hát Tuổi trẻ, gã sẽ bị cột chặt vào những dự án, những hợp đồng cụ thể và chi tiết. Liệu gã có khả năng đưa nhà hát thăng hoa?
Kẻ bị giời đày không có ngày Chủ nhật
Không mấy người biết Lê Hùng là con nhà nòi. Từ thời chống Pháp, ông nội anh đã tập hợp con cháu lập một gánh hát gia đình, mời người đến dạy rồi đi biểu diễn khắp nơi phục vụ kháng chiến. Gánh hát ấy sau thành Đoàn cải lương Liên khu Bốn và bây giờ là Đoàn cải lương Trung ương.
Trong giáo trình Lịch sử sân khấu Việt Nam của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có một bài viết về gia đình nghệ sĩ Lê Văn Khúc, đoạn kết nói rằng, dòng họ ấy hiện nay còn một người đang làm sân khấu rất giỏi là đạo diễn Lê Hùng.
Lê Hùng tốt nghiệp lớp diễn viên kịch khóa II cùng các nghệ sĩ Tất Bình, Nguyễn Anh Dũng và Tiến Đạt. Lớp này được các nghệ sĩ Chu Ngọc, Hà Nhân đào tạo cho Nhà hát Thanh thiếu niên, nhưng nhà hát này bị giải tán nên Hùng cùng các bạn chuyển sang đầu quân cho Đoàn kịch Quảng Ninh.
Sau đó Hùng đi bộ đội làm Tiểu đội trưởng trinh sát rồi được Đoàn văn công Tổng cục chính trị đón về. Đến năm 1978, bà Hà Nhân xin Hùng về Bộ Văn hóa để thành lập Nhà hát Tuổi trẻ.
Năm 1982, Nhà hát Tuổi trẻ đưa vở Sống mãi tuổi mười bảy tham gia hội diễn sân khấu toàn quốc, Hùng được trao Huy chương Vàng cho vai diễn Lý Tử Trọng. Từ năm 1982, Hùng được cử đi học Đại học sân khấu quốc gia Maxtcơva (GITIS).
Sau 6 năm, Hùng tốt nghiệp và được giữ lại trường làm phụ giảng hai năm. Đáng lẽ Hùng còn tiếp tục ở lại làm Tiến sĩ, nhưng cuối năm 1990, Bộ Văn hóa gọi Hùng về. Hùng bảo về sớm lại hóa may, có cơ hội lăn lộn với nghề, làm được bao nhiêu tác phẩm tâm đắc.
Tính ra mỗi năm, Lê Hùng dựng khoảng hai chục vở, chạy sô đến chóng mặt, nhiều khi sáng dựng kịch nói, chiều dựng chèo, tối dựng cải lương. Đắt khách như tôm tươi, Lê Hùng hầu như không có ngày Chủ nhật.
Dân trong nghề bảo anh là “Kẻ bị giời đày”! Nhưng làm việc liên miên, Lê Hùng lại thấy khỏe khoắn hơn, cứ nghỉ ba bốn ngày là y như rằng khặc khừ nhức đầu hay sổ mũi. Lạ cái là làm nhiều như thế, nhưng hầu như những vở mới không lặp lại nhau.
Bí quyết là ngẫu hứng. Ngẫu hứng là tia chớp sáng tạo vụt lên từ những tình huống cụ thể trên sàn diễn, rất ít khi các tia chớp giống nhau. Nhưng khi những tia chớp ngẫu hứng kết nối lại để làm nên những tràng sấm sét thì chúng sẽ đánh tan tành kịch bản, dù đó là kịch bản của Sexpia! Chính vì thế mà Lê Hùng bị mang tiếng oan là thích phá kịch bản, coi thường tác giả.
Thực ra, Hùng đã trót chạy theo ngẫu hứng, nếu quay lại kịch bản thì vở diễn sẽ đầu Ngô mình Sở, nên đâm lao thì phải theo lao, đành thoát hẳn ra khỏi kịch bản thôi, chứ không phải đạo diễn không tôn trọng tác giả.
Nếu kịch bản hay, giàu chất văn học, nhân văn thì cho dù có ngẫu hứng phá kịch bản đến đâu, Hùng vẫn chỉ như Tôn Ngộ Không có bay cũng không khỏi bàn tay Phật tổ.
Trong mấy trăm đứa con tinh thần đẻ ra sòn sòn, cũng có vài đứa bị đẻ non, què quặt, hay sài đẹn vì sinh ba sinh bốn, nhưng không ít đứa khôi ngô tuấn tú, đáng mặt đế vương.
Ngoài những vở cổ điển hàn lâm có đẳng cấp nghệ thuật cao như Mác - bét, Lôi Vũ, Hàn Mặc Tử... những chùm hài kịch ngắn Đời cười do Lê Hùng khai phá cũng đã tạo nên những cơn sốt hài trong xã hội.
Khi được hỏi nếu chỉ chọn một thôi trong số tác phẩm kia thì chọn vở nào, Lê Hùng hơi phân vân nhưng cuối cùng cũng chọn Mác-bét. Mác-bét của Lê Hùng dàn dựng dù táo gan phá cả kịch bản của Sexpia vẫn gây nhiều ngạc nhiên cho khán giả nước ngoài, được Trung Quốc hai lần mời đi diễn ở Festival sân khấu quốc tế tổ chức tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
NSND Lê Hùng (trái) và nhạc sĩ Trọng Đài |
Giỏi giang say nghề có công là thế, ấy vậy mà trước đây xét phong tặng NSND, người ta cứ gạt đi, nói rằng anh tài năng và thành tích thì thừa, nhưng đạo đức chưa được vì có nghe dư luận xì xào chuyện em út, yêu đương(!).
Ai đã xem Lê Hùng dựng vở, thấy anh cởi trần hở cả lông rốn, quát tháo diễn viên, lao lên thị phạm, mới thấy cái công nghệ sáng tác ngẫu hứng không hề dễ dãi. Cái quát tháo hùng hổ của đạo diễn trước diễn viên có vẻ như ảnh hưởng từ ông thầy IA. Koplevic Hùng đã học ngày xưa.
Hùng kể rằng, mỗi lần dàn dựng ông giống như một con mãnh hổ đang bị nhốt trong chuồng, lồng lộn muốn thoát ra. Nhưng Hùng khác thầy ở tính chất phù thủy vô chiêu. Đạo diễn thét lên truyền lửa cho diễn viên, kích thích hành động sáng tạo, giống như thiền sư mắng chửi tạt tai hay vụt gậy để khai ngộ, làm bừng lên trong tâm thức diễn viên những thần hứng bùng ra trong vở diễn tương lai.
Đó cũng là bí quyết đưa những diễn viên chưa được coi là “sao” thành những ngôi sao lấp lánh trên sân khấu. Khi dựng Đời cười 3 theo kịch bản Sống nhờ telephone và Con một của tôi, Lê Hùng không phân vai cho các diễn viên ngôi sao để chứng minh rằng đạo diễn mới là sao, không có diễn viên ngôi sao, kịch vẫn thành công, vẫn luôn cháy vé.
Triết lý đó được khẳng định lại trong Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử, một vở kịch thể nghiệm thành công rực rỡ, dù dàn diễn viên hầu hết vô danh. Tất nhiên, nếu có các ngôi sao tham gia diễn xuất, kịch của Hùng dựng sẽ tung cánh cao hơn.
Những diễn viên có nội lực mạnh, dễ xuất thần như Xuân Hinh thích cách đạo diễn của Lê Hùng lắm, nhờ Lê Hùng dựng hầu hết các chương trình chính. Hinh bảo: “Anh mà chết thì khéo em bỏ nghề luôn”.
Triết lý lãnh đạo của tân giám đốc
Một ngày nào đó gần thôi, khi bạn đi ngang qua Nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, bạn có thể ghé vào uống cafe miễn phí hay dự tiệc đứng trang trọng trước khi xem một vở kịch kinh điển trong mười buổi công diễn đầu tiên.
Bạn có thể đặt vé trước hàng năm cho một kịch mục mà mình yêu thích vì Nhà hát sẽ công bố trước lịch diễn của cả năm sau. Đó là viễn cảnh trong kế hoạch của tân giám đốc của Nhà hát Tuổi trẻ khi mới vừa nhậm chức được hơn hai tháng.
“Làm giám đốc mới hai tháng, mất hai trăm triệu!” - Lê Hùng khoe với tôi như vậy. Vì mới ngồi vào cái “ghế nóng” quản lý bận quá, anh phải từ chối lời mời dựng vở của bốn đoàn kịch từ Bắc chí Nam. Nói là “khoe” vì trong thái độ, Lê Hùng có chút hãnh diện, trên tiền.
Lê Hùng vẫn tự hào là nghệ sĩ làm giàu bằng nghề, cát sê đủ mua đất mặt tiền rộng, xây biệt thự bảy tầng, chơi mấy đời ô tô hàng hiệu, nếu ở nước ngoài có thể mua được cả máy bay nữa đấy!
Nhưng ngồi vào ghế giám đốc rồi thì đầu óc không thể chỉ lo chuyện nghệ thuật và chuyện cát sê của mình, mà phải tính sao để Nhà hát ngày càng phát triển, sang trọng, quy mô, trở thành một Kịch viện Quốc gia có thương hiệu ngang tầm khu vực, thu nhập của các nghệ sĩ ngày càng được nâng lên.
Phải làm thế nào để các nghệ sĩ và khán giả đến nhà hát là được đắm mình trong một không gian nghệ thuật sang trọng, thấy mình được nâng lên cao hơn, tách khỏi cái “cõi đời trần tục” ngoài kia. Mất hai trăm triệu để tập trung thời gian và tâm trí lo dần cho những việc ấy cũng còn rẻ lắm!
Ngồi chưa ấm ghế, tân Giám đốc Lê Hùng đã tung ra những chiêu thức có vẻ “phù thủy” trong quản lý, nghe thật hấp dẫn. Nhưng không biết rồi đây, những kịch bản quản lý ấy có thực hiện được không và có bị chính anh phá tung lên trong những ngẫu hứng mới không?
Trước đây, hầu như chỉ các nghệ sĩ không có tác phẩm mới làm quản lý, mà cũng chỉ quản lý những đơn vị sự nghiệp, nay Lê Hùng là nghệ sĩ xịn, ngồi vào ghế giám đốc một đơn vị kinh doanh như Nhà hát Tuổi trẻ có gì chéo giò không?
Triết lý quản lý của Lê Hùng rất rành mạch: “Cũng có những người cho rằng tôi ngồi vào đây là lãng phí vì sẽ mất đi nhiều vở diễn của Lê Hùng. Nhưng họ nhầm. Các vị Bộ Văn hóa đã trả lại đúng vị trí cho Lê Hùng vì bản thân anh đạo diễn nó đã là một thứ giám đốc rồi. Nó phải tổ chức êkip, tính những chuyện bếp núc tài chính ở cả đầu vào đầu ra cho vở diễn.
Ở các nước văn minh, anh đạo diễn chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát thường kiêm luôn giám đốc. Khi anh đạo diễn có quyền, nó sẽ thực hiện hết được mọi ý đồ nghệ thuật và kinh tế.
Trước đây, mình đã đề xuất với nhà hát nên tổ chức tiệc đứng trang trọng trong mười buổi công diễn đầu tiên những vở kịch cổ điển lớn, nhưng nhà hát chưa làm. Bây giờ tôi có quyền rồi, tôi sẽ làm việc ấy và những việc sang trọng quy mô khác.
Tuần trước, tôi vào Sài Gòn tổ chức họp báo cho Đoàn kịch II của Chí Trung nhân dịp công diễn vở Nhà búp bê tại TP Hồ Chí Minh. Tôi nói với mọi người là “Giám đốc vào đây để tổ chức cho Đoàn họp báo đàng hoàng, chứ không phải để ăn theo Đoàn đâu! Bánh kẹo các bạn đang ăn là do tôi mang từ Hà Nội vào đấy!”.
Phải chấm dứt kiểu họp báo lèm nhèm, lúi xùi, kéo hai ba anh cánh hẩu ra quán cà phê giúi cái phong bì, không có tư thế của một nhà hát lớn”.
Quả thực, Nhà hát Tuổi trẻ dưới triều đại mới của "phù thủy" Lê Hùng có vẻ bắt đầu lung linh sang trọng hơn trước, những con số như đang chìm dần sau những cánh hoa.
Hai ông phó giám đốc Trương Nhuận và Thế Vinh trước đây ngồi chung một phòng, tiếp khách chung trên cái bàn thấp nhỏ dân dã, ông nọ nói chuyện điện thoại vào tai của ông kia, bây giờ mỗi ông đã ngồi một buồng riêng, bàn ghế xịn bóng loáng, máy móc điện tử lập lòe, lại có cả mấy chậu hoa cây cảnh trông rất là điệu nghệ. Phòng giám đốc cũng lột xác từ buồng họp trở thành một thứ cung điện nghệ thuật hào hoa.
Khi Lê Hùng mới nhậm chức, một thầy phong thủy được đón về tư vấn cho việc kê đặt sửa sang mọi chỗ mọi nơi, như đúc đồng tiền trinh to đùng treo ngoài cửa, đặt một bể cá cảnh to trong buồng làm việc, dẹp hết các bàn thờ nhỏ trong các phòng ban để tránh loạn thần hỏa hoạn...
Hùng khoe: “Tôi tuổi Nhâm Thìn, mệnh Trường lưu thủy là dòng sông dài rộng, hai cậu phó giám đốc mạng Sơn hạ hỏa là lửa chân núi, soi bóng xuống sông làm mình lung linh rực rỡ hơn.
Tôi vốn mê phong thủy lý số đạo gia từ bé, lúc dựng vở thì có thể ào ào làm theo hứng bất kể giờ giấc tốt xấu thế nào, nhưng làm anh giám đốc thì mỗi việc mình làm đụng chạm đến sự nghiệp của nhà hát và cuộc sống của anh em, nên phải cẩn thận, ít nhất cũng an tâm về tâm lý.
Mình lo phong thủy tâm linh cũng chỉ mong cho con người tâm thiện hơn, anh em đoàn kết yêu thương nhau hơn. Be bét nội bộ thì không làm gì được nữa!”.
Không biết có phải vì “thầy phong thủy” đã khai mở thêm một số “huyệt” ở 11 Ngô Thì Nhậm hay không mà không khí Nhà hát Tuổi trẻ bây giờ có vẻ vượng hơn, sôi động hơn. Cũng một chương trình thiếu nhi dịp hè nhưng năm ngoái thu về 220 triệu đồng, năm nay thu 500 triệu.
Giám đốc mới có lẽ đã ấm ghế nên trở lại chạy sô dựng hai vở liền một lúc ở ngay Hà Nội. Nhưng phong thái chạy sô của một NSND mới lên ngôi vị giám đốc cũng có phần khác chàng đạo diễn bị “giời đày” bắt làm ăn túi bụi của ngày xưa.
Cát sê dựng vở cho Đoàn kịch quân đội Lê Hùng chia cho các nghệ sĩ mỗi người 500 ngàn, còn đâu anh gửi tặng hết cho tác giả kịch bản Vũ Minh vì ông đang bệnh nặng.
Từ bộ râu dài đến ô tô và đàn chó
Nếu có cuộc thi râu ấn tượng trong giới nghệ sĩ Việt Nam, chắc chắn Lê Hùng phải giành giải Nhất. Ấy thế mà đã có lúc bộ râu này suýt bị “biên tập” mất. Đó là năm 1980, trước ngày Lê Hùng được kết nạp Đảng, người dìu dắt anh đã khuyên chân tình: “Cậu nên cạo bộ râu đi cho… nghiêm chỉnh”.
Lê Hùng giãy nảy: “Em mà cạo râu đi thì vỡ nhà hát mất. Em sẽ không còn là em nữa. Người ta sẽ đánh giá em là cơ hội!”. Thế là đồng chí kia thông cảm. Nhưng khi mấy vị khách của quận đến dự lễ kết nạp hỏi sao râu anh rậm thế, một cán bộ nhà hát đã phải chống chế rất thông minh: “À, anh ấy đang để râu để đóng phim!”.
Thế là vui vẻ cả. Vậy là bộ râu “hoành tráng” của một đạo diễn sân khấu lừng danh cũng có lúc phải mượn tư cách pháp nhân của diễn viên điện ảnh để tồn tại(!).
Xem ra, bộ râu ấy chẳng hợp với các lễ phục trang nghiêm nên lên giám đốc rồi, Lê Hùng vẫn mặc quần áo “bụi”. Anh thừa biết rằng ở Mỹ và một số nơi trên thế giới khi vào xem múa ba-lê hay hòa nhạc khán giả bắt buộc phải mặc complê.
Cái văn hóa ấy đã trở thành nếp sống của các xã hội văn minh. Vậy mà, một người từng du học hàng chục năm ở Nga, luôn tâm niệm về sự sang trọng của nghệ thuật lại quanh năm diện quần áo “bụi” ở mọi lúc mọi nơi, kể cả khi bước lên sân khấu nhận giải.
Hỏi ra mới biết Lê Hùng đã “bội thực” complê. “Tôi chán ngấy complê, tôi sợ complê. Bảy năm liền học ở Nga ngày nào tôi cũng phải mặc complê, thắt cravat vì nếu không mặc thế thầy không cho vào lớp”.
Ngoài cái thú để râu “hoành tráng” và mặc quần áo “bụi”, Lê Hùng còn có cái thú chơi ô tô và chơi với chó. Hùng biết lái xe từ khi còn đang học ở Nga, về nước toàn mua xe xịn như Land Cruiser, Toyota, Mitsubishi và tự lái đi các nơi dựng vở, số km xe chạy hàng năm hơn tất cả các xe của nhà hát Tuổi trẻ.
Có lần Hùng chở nhạc sĩ Trọng Đài và một vài đồng nghiệp khác đi Quảng Ninh dựng vở, khi rẽ vào Hải Dương ăn cơm, anh oang oang chỉ tay giục mọi người “Ăn nhanh lên để đi cho kịp giờ, đến muộn là ê mặt lắm!”.
Chủ quán thấy thế tỏ lòng thán phục:“Tôi bán hàng lâu năm ở đây rồi nhưng chưa thấy lái xe nào dám “mắng sếp” nhem nhẻm như anh”. Mấy hôm sau quay trở lại, ông chủ lại nói: “Tôi biết rồi, anh là công an mật vì hôm qua xem tivi thấy ngồi với mấy vị công an”(!).
Hùng thích chơi với chó từ bé, đi đâu cũng có chó đi theo. Sau này anh chơi nhiều loại chó như Bắc Kinh, Phốc, Béc-giê, Sanh Béc-na, Lab-ra-đô...
Hồi mới ra trường làm ở Đoàn kịch Quảng Ninh, ghé qua nhà người bạn thấy một đàn chó lài mới sinh mua của người Sán Dìu trông giống như những con ngựa tý hon. Thích quá, Hùng hỏi mua nhưng anh bạn tiếc không muốn bán. Hùng cứ ôm chó đi và ném tiền trở lại. Con chó lớn lên gắn bó với Hùng lắm, có đợt đi công tác xa sáu tháng, Hùng gửi nó lại cho anh em trong đoàn nuôi, khi Hùng về nó nhận ra trước nhất.
Chó và chủ có khi đồng hành cùng xe đạp từ Quảng Ninh về Hà Nội suốt mười mấy tiếng, con chó lúc ngồi trên gác-ba-ga, lúc lại chạy sau xe. Sau này, con chó mua ngẫu hứng ấy sinh sôi thành đàn chó lài mấy chục con, cả khu văn công nuôi chó lài, còn Hùng thì tự nhiên trở thành người chơi chó, thành ông chủ chó.
Bạn bè thấy thế lại cho thêm. Có lần nhà văn Chu Lai gọi điện: “Hùng ơi, có người sắp cho anh một con chó Trung Quốc đẹp lắm, nếu họ mang đến anh sẽ cho em ngay!”. Những đêm về muộn các con đã ngủ hết, những chú chó tình cảm vẫn quẩn quanh với Hùng trong bữa cơm khuya.
Tám năm gà trống nuôi con
Những năm đầu khi con còn nhỏ, vợ con thường hay theo Lê Hùng đi dựng vở các nơi, khi con lớn rồi thì anh phải lang thang đi dựng vở một mình.Tính ra mỗi năm anh chỉ ở với vợ con chừng ba tháng. Sau khi sinh cháu thứ hai, vợ anh phải mổ và bị di chứng, mất ngủ liền hai tháng.
Lê Hùng cùng các bạn bè như Trọng Đài, Bùi Vũ Minh chở chị đi khắp nơi tìm thầy chạy thuốc nhưng chị vẫn không thể nào ngủ được, dẫn đến chứng trầm uất rồi sau đó qua đời.
Có lẽ những bất hạnh và nỗi cô đơn của những đứa con thiếu mẹ là khoản thuế lớn nhất mà ông Trời bắt Lê Hùng phải đóng khi cho anh làm một phù thủy cao tay tung hoành trên sàn diễn.
Thế là, suốt tám năm liền, Lê Hùng từng phải sống trong cảnh gà trống nuôi con, chưa muốn lấy ai vì thương các con, sợ chúng bị tổn thương. Cho đến tận năm ngoái anh mới đi bước nữa. Dù đi đâu làm gì ở xa Hà Nội, ngày nào Hùng cũng gọi điện cho các con vào lúc 5 giờ chiều, không bao giờ quên cả.
* * *
Lê Hùng là một phù thủy nghệ thuật, luôn để cho ngẫu hứng và cảm xúc sáng tạo cuốn vào những thế giới kỳ ảo xa xôi, luôn phù phép cho sàn diễn trở thành những lễ hội giả trang rực rỡ và kỳ thú.
Khi được đặt vào chiếc ghế nóng của một giám đốc, Lê Hùng cũng biết lúc nào phải tạm thời nói “không” với ngẫu hứng để sống với những hợp đồng, kế hoạch và dự án - những kịch bản duy nhất anh không thể phá tung như đã phá các kịch bản sân khấu xưa nay.
Nhưng cái quyền năng phù thủy trong anh vẫn có vẻ không chịu lùi xa khỏi buồng làm việc của ông giám đốc. Ta vẫn có thể thấy ánh hào quang của gã phù thủy ấy lập lòe phát sáng đâu đây trong những viễn cảnh phát triển nhà hát trong tương lai.
Biết đâu, Lê Hùng có thể trở thành một gã phù thủy cao tay trong quản lý? Chờ xem!
7/2007
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn