Euro không dối trá?

Euro không dối trá?
TP - Đề thi tốt nghiệp THPT môn văn năm nay có câu: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội. Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên”.
Ronaldo được CĐV đề cử danh hiệu Oscar cho tài đóng kịch. Ảnh: Getty Images
Ronaldo được CĐV đề cử danh hiệu Oscar cho tài đóng kịch. Ảnh: Getty Images.

Nói chung câu hỏi này hay khi đụng tới một vấn đề nóng của xã hội: Sự dối trá. Vấn đề đặt ra là sao bây giờ mới có những loại câu hỏi này, và sao bây giờ mới đặt sự dối trá lên bàn suy ngẫm của giới trẻ? Phải chăng, xã hội ta đang tồn tại quá nhiều sự dối trá?

Câu trả lời có ngay chỉ sau buổi thi của các em vừa cầm bút viết về sự dối trá. Đó là hình ảnh “kinh hoàng” và nhàm mắt trong các ngôi trường THPT sau mỗi giờ thi tốt nghiệp - Rác phao phơi đến trắng hành lang, sân trường.

Chưa hết, cả làng giáo dục nước nhà hiện đang rúng động trước hàng loạt clip quay cảnh dối trá, ném phao “cứu” học sinh của giám thị; cóp bài, nhét tài liệu của thí sinh… ở hội đồng thi tỉnh Bắc Giang và có thể là rất, rất nhiều hội đồng khác mà chưa hoặc không có clip để phanh phui.

Thế mới thấy, cái đề thi kia phản ánh thói hư xã hội Việt thời sự đến thế nào. Và cũng hay khi chính nó là cái gậy “đập” lại những người làm giáo dục chỉ ưa thành tích bấy lâu nay.

Nói chuyện giáo dục dối trá rồi lại lân qua bóng đá dối trá. V.League ta hơn chục năm theo đường chuyên nghiệp hóa nhưng còn đầy rẫy cuộc “đi đêm”. Và chẳng qua người ta đòi bằng chứng mà không có nên nói chỉ bằng thừa. Thực hư thế nào ối người biết tỏng.

Nước Ý đến Euro bằng bão scandal Calcioscommesse khi hàng loạt cầu thủ, HLV, quan chức thể thao nước này bị cảnh sát bắt giữ, điều trần vì liên quan đến dàn xếp tỷ số theo hướng có lợi cho nhà cái đặt trụ sở ở Singapore. Đây không những là dối trá mà còn dối trá tới mức hình sự.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận với nhau rằng, sự dối của bóng đá Italia chỉ tồn tại ở Serie A, Serie B hay những giải đấu thấp hơn chứ chưa tồn tại ở Euro. Nó cho thấy hai điều. Một là, màu áo quốc gia được các tuyển thủ gìn giữ như con ngươi. Hai là, Euro là giải đấu thiêng, không một cầu thủ nào dám chạm tới sự dối trá.

Bởi vậy các tifosi coi Calcioscommesse như thứ ánh sáng dẫn đường cho đoàn quân thiên thanh xua bầu trời u ám, giống cách Italia từng làm được ở World Cup 1982 và 2006.

Thực ra, nếu hoàn hoản hóa Euro đến mức không có dối trá là không đúng, bởi vẫn còn đó những ngôi sao sân cỏ song cũng là kịch sĩ như Ronaldo, Robben, Ribery, Busquets, Ashley Young… Nhưng nó chỉ là phần nhỏ mà màng lọc bóng đá sạch không bao giờ gạn hết. Và mang sự dối trá ấy so với V.League, chẳng khó đoán ở đâu tày đình hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG