EURO 2020: Mùa sao rụng?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những ông lớn Pháp, Ðức, Anh, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha kỳ chung kết EURO này cho thấy không còn mạnh mẽ như trước. Hay nói đúng hơn là thi đấu khá “mất lửa”, trồi sụt thử thách những fan hâm mộ yếu tim. Những ngôi sao rơi rụng nhiều mà chưa thấy nhân tố mới nào thực sự bừng sáng, tính đến lượt trận cuối cùng vòng 1/8.

Các ngôi sao tạo nên sức hấp dẫn cho bóng đá, nhưng tập thể mới làm nên vẻ đẹp sân cỏ. Giá trị của một vài ngôi sao không chỉ là những siêu phẩm cá nhân, mà bắt buộc phải đi cùng với chiến thắng của cả tập thể.

EURO 2020 cho thấy một Ronaldo xô đổ hàng loạt kỷ lục, nhưng rất tiếc đó vẫn chỉ là danh hiệu thuộc về cá nhân. Khi siêu sao 36 tuổi này không thể một mình “gánh” cả đội hình đương kim vô địch EURO tiến xa khỏi vòng 1/8 trước “đàn em” tuyển Bỉ. Một “sói già” 35 tuổi chủ nhân Quả bóng vàng thế giới 2018 Luka Modric dù tả xung hữu đột chiến đấu suốt 114 phút trước Tây Ban Nha cho đến kiệt cùng sức lực, tạo nên một trận cầu tuyệt bích đi vào lịch sử, cũng không thể đưa á quân World Cup là Croatia vượt qua được vòng 1/8.

EURO 2020: Mùa sao rụng? ảnh 1

Ngôi sao Mbappe năm 2018 tỏa sáng cùng World Cup; còn mùa Euro 2020 cúi đầu thất vọng sau cú sút penalty hỏng, khiến tuyển Pháp và bản thân anh phải về nước sớm

EURO 2020: Mùa sao rụng? ảnh 2

Một thiên tài từng sáng chói tại kỳ World Cup 3 năm trước là Kylian Mbappe khi mới 20 tuổi, góp công lớn giúp người Pháp nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới, giờ đây trở thành “thảm họa”. Cũng là người duy nhất thất bại trong quả đá luân lưu cuối cùng, chính thức tiễn tuyển Pháp và chính mình về nước. Nhiều chỉ trích từ báo chí, các chuyên gia về thái độ thi đấu “ngạo mạn” của Mbappe, Paul Pogba, Benzema và của cả đội tuyển Pháp trước đối thủ. Cầu thủ đắt giá nhất thế giới tới 160 triệu euro này chắc hẳn sẽ còn khiến tốn thêm nhiều giấy bút của giới truyền thông.

Một Alvaro Morata (Tây Ban Nha) nhạt nhòa. Một Harry Kane (Anh) đang trải qua kỳ EURO đáng quên, chưa ghi được bàn nào suốt 3 trận vòng bảng. Một Eden Hazard (Bỉ) gần như không còn hình ảnh của một siêu sao hàng đầu thế giới. Những chiến binh Bỉ ngẩng cao đầu vào tứ kết sau khi oanh liệt hạ gục Bồ Đào Nha, còn tiền đạo từng thuộc hàng đắt giá nhất lịch sử phải tập tễnh rời sân ở những phút cuối hiệp 2 vì chấn thương. Liệu còn thấy lại cái tên một thời lừng danh ấy trong đội hình ra sân trận tới đây?

Người Thụy Sĩ sản xuất ra cỗ máy chính xác nhất thế giới là những chiếc đồng hồ cơ từ hàng trăm năm trước. Giờ đây đội bóng của họ cũng vậy, như những chiếc kim miệt mài không dừng lại. Nhưng tuyển Thụy Sĩ không phải cỗ máy lạnh lùng, chính xác như chiếc đồng hồ. Chật vật giành chiếc “vé vớt” để gia nhập 16 đội đi tiếp, không ít khi chứng kiến họ hoang mang, bất lực. Nhưng thứ mà người Thụy Sĩ cống hiến cho thế giới bóng đá những ngày qua, đó là khả năng vượt lên nghịch cảnh một cách thật bi tráng, ngập tràn cảm xúc.

EURO 2020: Mùa sao rụng? ảnh 3
Ronaldo vứt băng đội trưởng, rời Euro sớm. Ảnh: Euros Tweet

Rạng sáng qua, người xem trên toàn thế giới chứng kiến hình ảnh những chàng trai Thụy Sĩ luôn chụm đầu choàng vai nhau rồi vung tay hô vang giống “lời thề quyết chiến”. Trước khi bước trở vào sân cỏ sau những phút nghỉ giữa hiệp. Còn đối thủ là dàn ngôi sao Pháp thì sao? Hầu hết giữ thái độ im lặng, lạnh lùng. Những ngôi sao hàng đầu thế giới làm sao có thể làm hành động “trẻ trâu” nghiệp dư ấy được, phải vậy không?! Và đây cũng chính là thái độ “ngạo nghễ” khiến họ phải trả giá tức tưởi ngay sau đó?

Một thiên tài cho người ta những suy nghĩ trưởng thành. Một ngôi sao cho người ta cảm giác kinh ngạc về sự phi thường mà con người có thể làm được. Nhưng niềm vui sướng, hạnh phúc chỉ có được thật sự, khi tất cả hòa thành một tập thể cùng hết mình chiến đấu và chiến thắng vì mục tiêu, lý tưởng lớn lao. Điều đó cao hơn, vượt lên trên những màn tuyệt kỹ mà một ngôi sao có thể trình diễn.

Người Đan Mạch chiến đấu vì người đồng đội ngã xuống và suýt đã hy sinh ngay trên sân cỏ. Những chiến binh Croatia làm nên vũ bão trước Tây Ban Nha bởi khát khao vượt qua giới hạn. Đến hôm qua, người Thụy Sĩ khát khao chiến thắng nhà đương kim vô địch thế giới, và để lần đầu tiên vào tứ kết EURO sau 67 năm chờ đợi. Còn những ngôi sao Pháp, họ khát khao gì?

We are the people we’ve been waiting for”. Điệp khúc của bài hát chính thức cho VCK EURO 2020 (mà thực ra là 2021) này vang lên trên các sân cỏ châu Âu mỗi đêm, thật lạ là càng nghe càng thấm thía. Chúng ta là những người mà chúng ta vẫn hằng chờ đợi. Chúng ta là ai, chờ đợi để trở thành điều gì? Khi thế giới lẫn sân cỏ vẫn đang “loang lổ” giãn cách trước sức tấn công chưa dừng lại của đại dịch. Khi tất cả đều buộc phải thay đổi. Thay đổi, nhưng vẫn không thể đánh mất bản sắc nguyên thủy của bóng đá, và của loài người.

Vòng 1/8 EURO đã bước vào hai cặp đấu cuối cùng, là cuộc chiến loại nhau giữa hai ông lớn Đức - Anh, và đụng độ giữa hai “kẻ chiếu dưới” Thụy Điển - Ukraine. Để trong 8 đội vào tứ kết vẫn giữ nguyên trật tự đó là lực lượng “bình dân” vẫn chiếm đa số. Như chính trật tự muôn thuở của đời sống này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.