Dùng găng tay thủ môn quá cố làm 'bùa'
Trước cuộc đối đầu Bồ Đào Nha, thủ môn Gabor Kiraly (Hungary) chụp tấm hình cầm đôi găng tay của thủ môn quá cố Marton Fulop. Thế rồi 90 phút sau đó, Hungary chơi trận hay nhất từ đầu giải khi cầm hòa “ông lớn” Bồ Đào Nha 3-3. Nhiều ý kiến cho rằng, ĐT Hungary chủ ý mang găng tay người đã khuất tới EURO để làm “bùa hộ mệnh”.
Bởi ý tưởng này xuất phát từ một người nổi tiếng mê tín là Kiraly. Ai cũng biết lão tướng 40 tuổi thường ra sân với chiếc quần dài lập dị. Kiraly không giấu giếm rằng cách đây 20 năm, ông vì bất đắc dĩ phải mặc tạm quần dài bắt gôn và CLB Haladas bất bại liền 8 trận. Từ đó, Kiraly giữ rịt thời trang “cổ quái” này để lấy may.
Hungary không phải đội tuyển duy nhất có những trò mê tín lạ thường. Tại EURO 2016, ĐT Đức tiếp tục thói quen “yểm bùa” đồng xu từng “giúp” họ lên ngôi tại World Cup 2014. Wolfgang Hochfellner, tài xế của ĐT Đức suốt 22 năm qua, được giao nhiệm vụ quan trọng này.
Trước mỗi trận đấu trên đất Pháp, Wolfgang mang theo vài đồng xu tới chôn dưới mặt cỏ ở vị trí phạt góc. Trò này xem ra khá hiệu nghiệm khi Đức giành vị trí đầu bảng C với 2 thắng, 1 hòa và chưa một lần thủng lưới.
Nhưng mê tín theo cách “bài bản nhất” phải là ĐT Anh. Họ chuẩn bị sẵn một chú sư tử bông kích cỡ như một chú chó lớn để mang tới EURO. Chú sư tử mang tên Leo được xem là “bùa hộ mệnh” cho Tam sư. Các cầu thủ phải luân phiên trông coi, chăm sóc Leo để không làm bẩn, làm hỏng hoặc làm mất “linh vật” quý giá này. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, tất cả đều được ghi trong quy định của ĐT Anh.
Không hát quốc ca để lấy may
Với 552 cầu thủ dự EURO, chuyện mê tín như một “vườn hoa” đủ sắc màu. Ngay trong ĐT Đức, có người chọn cách tránh xui xẻo đơn giản như Mario Gomez, nhưng cũng có người “lấy may” bằng cách rất mất vệ sinh như thủ thành Manuel Neuer. Chả là thủ thành Bayern Munich có thói quen… xả vào đôi găng tay trước mỗi trận đấu sau đó lại bôi vào hai cột dọc khung thành nhằm “trấn yểm”.
Gomez thì đơn giản hơn nhiều, muốn ghi bàn thì đừng hát quốc ca. Chuyện là thời còn khoác áo tuyển trẻ Đức, Gomez có một lần quên hát quốc ca thì trận đó lại ghi bàn. Thế là tiền đạo sinh năm 1985 “dặn lòng” không hát quốc ca nữa để hy vọng trận nào cũng lập công.
Khéo léo hơn Gomez một chút là Tomas Rosicky. Tiền vệ của ĐT CH Czech vẫn hát quốc ca nhưng chỉ thầm thì kiểu hát nhép, vì Rosicky sợ rằng hát to thì vận đen sẽ kéo đến với đội bóng của anh. “Dị” hơn có Mario Mandzukic của ĐT Croatia. Anh này có thói quen dùng băng quấn chặt hai nắm đấm trong phòng thay đồ, theo kiểu võ sĩ quyền Anh. Đến khi ra sân thì Mandzukic tháo băng ra và hy vọng tinh thần võ sĩ sẽ giúp anh đánh bại đối thủ.
Còn những trò như cắt tóc, để râu lấy may thì đã trở nên quá quen thuộc đến mức nhàm chán. Có lẽ vì thế nên EURO năm nay, mới có Morata giở lại chiêu này, khi cắt trụi tóc trước trận ra quân của ĐT Tây Ban Nha. Tại ĐT Áo, tiền đạo Mark Janko chỉ mặc độc áo số 21 vì nó tiếp thêm tự tin cho cầu thủ này. Janko sinh năm 1983, và con số 21 bắt nguồn từ việc cộng dồn các con số của năm sinh. Trò cầu may của Janko không mấy kết quả khi ĐT Áo phải xách vali về nước sớm.
Mê tín mà có kết quả 100% như ý muốn thì…đã không phải mê tín. Nhưng điều đó không ngăn cản con người ta cậy nhờ tâm linh. Như Ronaldo vậy, bao giờ cũng bước chân phải ra sân nhưng phải khổ sở lắm mới ghi được bàn thắng tại EURO 2016.