Giữa năm ngoái, Việt Nam và EU đã thống nhất tách EVFTA thành 2 hiệp định với phần chính hiệp định cũ là Hiệp định thương mại tự do (FTA) và phần còn lại là Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).
EVFTA dự kiến sẽ mang lại những lợi ích chưa từng có cho các công ty châu Âu và Việt Nam, người tiêu dùng và người lao động, trong khi thúc đẩy quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm nay khẳng định: “Tôi hoan nghênh quyết định ngày hôm nay của các quốc gia thành viên EU. Sau Singapore, thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận thứ hai được hoàn tất giữa EU với một quốc gia Đông Nam Á, và trở thành một bước đệm mới để châu Âu hợp tác nhiều hơn với khu vực này. Đây cũng là một tuyên bố chính trị giữa hai đối tác và bạn bè cùng sát cánh vì nền thương mại mở, công bằng và dựa trên luật lệ”.
Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmström nói: “Tôi rất hài lòng khi các quốc gia thành viên bật đèn xanh cho các thỏa thuận thương mại và đầu tư với Việt Nam. Việt Nam là một thị trường năng động và hứa hẹn với hơn 95 triệu người tiêu dùng, và cả hai bên có thể thu được rất nhiều lợi ích khi quan hệ thương mại mạnh lên”.
Thỏa thuận thương mại tự do sẽ xóa bỏ gần như mọi nghĩa vụ thuế quan đối với hàng hóa của hai bên theo một lộ trình lũy tiến, tôn trọng các nhu cầu phát triển của Việt Nam. Thỏa thuận cũng sẽ có những điều khoản cụ thể để loại bỏ các rào cản kỹ thuật, như trong ngành ô-tô, và sẽ bảo đảm rằng 169 sản phẩm lương thực và đồ uống của EU có chỉ dẫn địa lý được công nhận sẽ được bảo vệ ở Việt Nam. Nhờ thỏa thuận này, các công ty EU sẽ có thể tham gia đấu thầu ở Việt Nam với địa vị ngang bằng các công ty trong nước.
Bên cạnh các cơ hội kinh tế đáng kể, EU và Việt Nam cũng đồng ý với những biện pháp phát triển bền vững. Điều này bao gồm cam kết triển khai thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết của hai bên về việc tôn trọng và thực thi hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về các quyền cơ bản của người lao động. Vì mục tiêu này, Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Công ước ILO về quyền mặc cả tập thể và đã thông báo cho EU về ý định phê chuẩn 2 công ước cơ bản của ILO chậm nhất vào năm 2023....
Hiệp định bảo hộ đầu tư bao gồm các quy tắc bảo hộ đầu tư được thi hành qua hệ thống tòa án đầu tư mới, bảo đảm chính phủ ở cả hai bên có quyền điều chỉnh vì lợi ích của công dân của họ. Hiệp định này sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 thành viên EU đang có với Việt Nam.
Sau khi được Hội đồng Bộ trưởng EU đồng ý, hai hiệp định sẽ được EU và Việt Nam ký rồi trình lên Nghị viện châu Âu để thông qua. Sau khi được thông qua, Hiệp định thương mại tự do có thể được Hội đồng kết luận để đi vào thực thi, còn Hiệp định bảo hộ đầu tư sẽ cần các quốc gia thành viên phê chuẩn theo trình tự nội bộ của họ.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU ở ASEAN, sau Singapore, với kim ngạch hàng hóa đạt 49,3 tỷ euro và dịch vụ hơn 3 tỷ euro. Dù đầu tư của EU vào Việt Nam mới ở mức 6 tỷ euro năm 2017, ngày càng nhiều các công ty châu Âu đang mở rộng hoạt động sang Việt Nam để từ đó vươn ra cả khu vực Mekong.
EVFTA sẽ giúp vị thế của Việt Nam mạnh lên rất nhiều
Trao đổi với báo chí về việc Hội đồng châu Âu đã thông qua nội dung của Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) và sẽ ký cả hai Hiệp định này vào 16h30 ngày 30/6 tới tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, điều này sẽ giúp vị thế của Việt Nam mạnh lên rất nhiều.
Theo ông Trần Tuấn Anh, với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý-thể chế, Hiệp định EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo người đứng đầu ngành công thương, với Việt Nam, chúng ta đã kí nhiều hiệp định, với 12 FTA, trong đó có cả những FTA thế hệ mới. Tuy nhiên với EVFTA thì đây là hiệp định có vai trò rất quan trọng, có tiêu chuẩn cao, có tính toàn diện.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, do EVFTA là hiệp định này rất toàn diện, trải rộng từ hàng hoá, đầu tư, mua sắm Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ… nên nó không chỉ là điều kiện giúp nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị mới.
“Với Việt Nam, hiệp định này sẽ giúp vị thế của chúng ta mạnh lên nhiều. Cùng các FTA khác, như CPTPP, EVFTA sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, nền tảng để hướng tới phát triển, tiến bộ xã hội, giúp chúng ta hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).