Sầu riêng liên tục vi phạm quy định của EU
Liên minh châu Âu (EU) vừa ban hành quy định mới về việc tăng cường kiểm soát chính thức và áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ các nước thứ ba, bao gồm Việt Nam.
Theo thông tin trong công văn của Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tế và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) vừa gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam, do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra sầu riêng tại biên giới từ 10% lên 20%. Quy định này có hiệu lực từ ngày 8/1/2025.
Nguyên nhân xuất phát từ việc không tuân thủ mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL). Các hoạt chất như Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin và Acetamiprid được phát hiện tồn dư cao trên sầu riêng, với mức vi phạm dao động từ 0,021 đến 6,3 mg/kg, trong khi quy định của EU chỉ cho phép từ 0,005 đến 0,1 mg/kg.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sầu riêng xuất khẩu sang EU vượt ngưỡng cho phép, bị nâng mức kiểm tra. Đầu năm nay, EU đã ban hành quy định yêu cầu tăng cường kiểm soát đối với sầu riêng Việt Nam lên 10%.
EU tăng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam lên 20%. Ảnh minh hoạ: MK. |
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, cơ quan này đã nhận tới 1.029 thông báo mới từ các thành viên Tổ chức thương mại thế giới WTO trong năm, trong đó có những quy định khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh sầu riêng Việt Nam, một số nông sản xuất khẩu từ các quốc gia khác như hạt thì Ấn Độ, đậu bắp Ấn Độ, đậu mắt đen Madagascar, ớt Rwanda... cũng bị EU tăng tần suất kiểm tra.
EU có thể đình chỉ nhập khẩu nếu tiếp tục vi phạm nhiều lần
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, định kỳ 6 tháng một lần EU sẽ xem xét việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu để sửa đổi tần suất kiểm tra biên giới đối với từng sản phẩm.
Theo quy định chung, nếu sầu riêng Việt Nam tiếp tục vi phạm quy định, mặt hàng này có thể đối diện với nguy cơ bị nâng tần suất kiểm tra tại biên giới theo phụ lục I (tần suất kiểm tra 10%, 20%, 30%, 50%) hoặc chuyển sang phụ lục II (yêu cầu phải có giấy kiểm định an toàn thực phẩm, kết quả phân tích dư lượng và chịu tần suất kiểm tra 5%, 10%, 20%, 30%, 50%). Sau nhiều lần nâng mức kiểm tra mà không được xử lý, mặt hàng này có thể bị đình chỉ nhập khẩu.
Nếu tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được "nới lỏng", bao gồm các biện pháp như không bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm và không cần chứng nhận chính thức khi xuất khẩu sang EU, đồng thời tần suất lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu cũng giảm đi.
Những quy định này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, là yếu tố quan trọng để giữ vững thị phần tại thị trường lớn như EU.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết: “Việc EU tăng tần suất kiểm tra sầu riêng sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó khăn do thời gian thông quan kéo dài. Thời gian vận chuyển dài cũng khiến cho chất lượng hàng hóa bị ảnh hưởng”.
Theo ông Nguyên, châu Âu là một trong những thị trường khó tính nhất trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ông Nguyên khuyến cáo các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của thị trường này, bởi chỉ một lô hàng có vấn đề có thể khiến cả ngành hàng bị "tuýt còi".
EU tuy không phải là thị trường quan trọng nhất của mặt hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đây lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 2,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào EU tăng mạnh thứ 2 (sau Trung Quốc).