'Đút túi' 110 triệu để thả nghi phạm, cựu đại tá Phùng Anh Lê khiến nhiều thuộc cấp liên lụy

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, sau khi nhận hối lộ 110 triệu đồng, đại tá Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã chỉ đạo thả nghi phạm đang bị tạm giữ. Hành vi này của ông Lê đã khiến một số thuộc cấp bị liên lụy, trong đó người bị truy tố, người bị đề nghị xử lý kỷ luật. 

Trong vụ án, ngoài ông Phùng Anh Lê bị truy tố về tội "Nhận hối lộ", còn 3 cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ bị truy tố về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” liên quan đến bị can Lê gồm: Nguyễn Đức Châu, cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự; Vũ Công Ngọc, cựu Đội phó Đội CSHS và Lê Đình Trung, cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

'Đút túi' 110 triệu để thả nghi phạm, cựu đại tá Phùng Anh Lê khiến nhiều thuộc cấp liên lụy ảnh 1

Cơ quan tố tụng tiến hành khám xét nơi ở của bị can Phùng Anh Lê.

Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng xác định còn một số cán bộ khác có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng chưa đủ dấu hiệu để xử lý hình sự nên cơ quan điều tra kiến nghị Công an Hà Nội xử lý kỷ luật nghiêm về Đảng và chính quyền, gồm: Phạm Quý Hải, Lê Sinh Hùng, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ; Nguyễn Quang Huy, Đội Trưởng Đội THAHS và Hỗ trợ tư pháp; Phan Tất Hùng, Điều tra viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Nguyễn Văn Thuận, cán bộ quản giáo.

'Đút túi' 110 triệu để thả nghi phạm, cựu đại tá Phùng Anh Lê khiến nhiều thuộc cấp liên lụy ảnh 2

Ông Nguyễn Đức Châu thời điểm trước khi bị khởi tố.

Theo cáo trạng, ông Phạm Quý Hải - người ký quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Hữu Tài nhưng không biết Phùng Anh Lê chỉ đạo Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung tha trái pháp luật đối với Tài. Vì vậy, cơ quan tố tụng cho rằng, không có cơ sở để xem xét xử lý hình sự đối với ông Hải. Tuy nhiên, sau khi Tài đã ra khỏi Nhà tạm giữ, ông Hải biết rõ việc Lê chỉ đạo tha và không xử lý Tài là không đúng pháp luật nhưng không thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên biết để giải quyết. Hành vi này của ông Hải bị cho là chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định.

Tiếp đó, cơ quan điều tra xác định, đối với ông Lê Sinh Hùng, Phó trưởng Công an quận, Trưởng Nhà tạm giữ, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự (THAHS) và ông Nguyễn Quang Huy, Đội Trưởng Đội THAHS và Hỗ trợ tư pháp, Phó Thủ trưởng Cơ quan THAHS Công an quận Tây Hồ, đêm 22/9/2016 không phải là ca trực của ông Hùng và ông Huy.

Hai ông này đã được Lê Đình Trung và Nguyễn Đức Châu gọi điện thông báo việc Phùng Anh Lê chỉ đạo bàn giao Nguyễn Hữu Tài ra khỏi Nhà tạm giữ nhưng không có ý kiến chỉ đạo cụ thể mà đồng ý để Trung thực hiện theo chỉ đạo của ông Lê. Sau đó, ông Hùng và ông Huy không kiểm tra lại việc cán bộ Nhà tạm giữ thực hiện vụ việc trên để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết. Hành vi này bị quy kết là chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định.

Không dừng lại ở đó, cơ quan điều tra xác định, đối với ông Phan Tất Hùng, Điều tra viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, là người được phân công trực tiếp xác minh vụ việc, biết rõ Nguyễn Hữu Tài được tha và không bị xử lý là trái pháp luật nhưng vẫn cho Tài viết bản cam đoan, cam kết và chứng kiến việc hòa giải của Tài với anh Nguyễn Công Thành.

Cơ quan điều tra xét thấy, việc ông Hùng cho Tài viết bản cam đoan, cam kết và chứng kiến việc hòa giải là thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên và sau khi tội phạm đã xảy ra. Vì vậy, cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự; kiến nghị Công an quận Tây Hồ xử lý kỷ luật nghiêm về Đảng và chính quyền đối với ông Hùng là phù hợp.

Cơ quan điều tra cũng làm rõ, đối với ông Nguyễn Văn Thuận, cán bộ quản giáo trực Nhà tạm giữ ngày 22/9/2016, ông Thuận là người đưa Nguyễn Hữu Tài ra khỏi buồng giam và lập biên bản bàn giao cho Vũ Công Ngọc để cho ra khỏi Nhà tạm giữ khi không có thủ tục hủy bỏ quyết định tạm giữ.

Hành vi này bị quy kết là thực hiện chưa đúng quy định pháp luật về tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, ông Thuận thực hiện bàn giao Tài theo chỉ đạo của bị can Lê Đình Trung. Thời điểm đó, Trung là người trực chỉ huy, trực tiếp chứng kiến sự việc nên Lê Đình Trung phải là người chịu trách nhiệm chính. Cơ quan điều tra xét thấy tính chất, mức độ thấy không cần thiết phải xử lý hình sự nên kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật nghiêm về Đảng và chính quyền đối với ông Thuận là phù hợp.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao thể hiện, ngày 22/9/2016, Nguyễn Hữu Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt giữ và đánh anh Nguyễn Công Thành xảy ra ngày 19/9/2016 tại phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội).

Tối cùng ngày, Tài bị đưa vào nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ. Do lo sợ Tài bị xử lý, người nhà của Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị can Phùng Anh Lê) kết nối giúp cho Tài được hòa giải với bị hại, không bị xử lý.

Ông Bảy đặt vấn đề và được bị can Lê đồng ý giúp với yêu cầu phải đưa cho Lê 110 triệu đồng để hòa giải, bồi thường. Nhận tiền, ông Lê đã chỉ đạo bị can Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự) gọi Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó Đội CSHS) mang hồ sơ đến báo cáo Lê việc tạm giữ Nguyễn Hữu Tài. Sau đó, ông Lê chỉ đạo Lê Đình Trung (cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) bàn giao Tài cho Vũ Công Ngọc để tha cho về không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.